.
Nghĩ

Mơ một Đà Nẵng không xe máy

.

Rất nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức để bàn về vấn đề giao thông công cộng ở Đà Nẵng, gần đây nhất là hội thảo “Kinh nghiệm của thế giới hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững”, do khoa Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam diễn ra vào sáng 26-1.

Nhiều hội thảo là thế nhưng biện pháp cụ thể để Đà Nẵng khắc phục được tình trạng xe buýt “đơn độc” hoạt động, làm sao để giao thông công cộng góp phần giảm bớt gánh nặng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng tăng, hạ tầng ngày một xuống cấp… vẫn còn là bài toán để ngỏ.

Hiện nay, người lao động từ nhiều vùng miền tập trung về Đà Nẵng làm việc đang khiến dân số cơ động của thành phố tăng lên từng ngày. Trong khi đó hệ thống đường sá gần như không mở rộng. Tình trạng người xe chật cứng như nêm vào giờ cao điểm giờ đây không còn là điều quá xa lạ với người dân thành phố biển trên nhiều tuyến đường.

Đà Nẵng hiện đã có hệ thống xe buýt, thế nhưng người dân vẫn chấp nhận chen lấn trên đường dưới trời mưa, nắng; chấp nhận chịu đựng làn khói đen kịt xả ra từ những chiếc xe 4 bánh hay bất chấp cả những chiếc xe tải to lớn chở theo các container hú từng hồi còi dài… Bởi, hệ thống xe buýt công cộng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Xe buýt Đà Nẵng mới chỉ chạy ở một số tuyến đường chính, với một vài trạm chờ phân bố rải rác, cách xa nhau, nơi có ghế cho hành khách ngồi đợi, nơi lại không. Thực tế này khiến xe buýt vẫn chạy theo kiểu… xe đò, sẵn sàng dừng xe để hành khách xuống nơi thuận tiện chứ không nhất định phải đúng bến. Điều này khiến các chuyến xe thường bị lệch giờ so với lịch trình cố định. Vì vậy, người dân luôn có tâm lý: “Xe buýt không đúng giờ, ảnh hưởng đến công việc, học tập nên thà chủ động chen lấn trên đường còn hơn bị động đứng chờ chuyến xe không biết khi nào mới đến”.

Vẫn biết, hoàn thiện hệ thống giao thông đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều về tiền bạc lẫn chất xám của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, có lẽ, khi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với sinh thái, môi trường xanh, nơi người dân tránh được nạn kẹt xe, tai nạn giao thông thì việc xây dựng hệ thống xe buýt nhanh, thuận tiện, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách là điều nhất định Đà Nẵng phải làm.

Với hệ thống những chuyến xe buýt ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Người dân được thong thả đọc sách hay lướt mạng cho đến khi chiếc xe đỗ tại nơi mình cần đến với chi phí rẻ và an toàn là điều mà có lẽ ai cũng muốn được thụ hưởng. Xa hơn nữa, nếu hệ thống xe buýt được bố trí gần sát hoặc ngay trong các trung tâm thương mại, các siêu thị sầm uất… vừa giúp người dân có thể mua sắm tất cả mọi thứ mình cần mà không phải đến nhiều địa điểm, vừa giảm được diện tích đất cho các cửa hàng nằm rải rác trên các tuyến phố thì có lẽ, không cần bất kỳ biện pháp hành chính nào, không cần kêu gọi, người dân sẽ tự động sử dụng xe buýt thay vì mỗi người một chiếc xe máy như hiện nay.

Liệu có xa vời quá không khi bên cạnh những danh hiệu “thành phố của những cây cầu”, “thành phố đáng sống”, thành phố với bãi biển đẹp nhất hành tinh”, trong tương lai gần, Đà Nẵng còn có danh hiệu “thành phố không xe máy”.

NHẬT XUÂN

;
.
.
.
.
.