.

Youth - thông điệp cuộc sống qua câu chuyện của những quý ông

.

Tại lễ trao giải phim châu Âu (EFA) lần thứ 28 vừa diễn ra ở thủ đô Berlin, Đức, đạo diễn người Italia Paolo Sorrentino cùng các cộng sự của mình một lần nữa vỡ òa hạnh phúc khi bộ phim Youth (Tạm dịch: Thời thanh xuân) được xướng danh với 3 giải thưởng quan trọng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viễn xuất sắc nhất. Đây là giải thưởng danh giá bởi nó được xem tương đương với giải Oscar dành cho điện ảnh châu Âu.

Diễn viên Michael Caine nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại EFA.
Diễn viên Michael Caine nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất tại EFA.

Cách đây 2 năm, bộ phim “The Great Beauty” của ông cũng từng giành 5 chiến thắng quan trọng tại giải thưởng này và sau đó được Oscar vinh danh ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Hồi tháng 5-2015, Youth đã dự tranh giải Cành Cọ Vàng ở Cannes và được đánh giá cao là ứng viên sáng giá của giải Oscar năm 2016. Với sự quy tụ của dàn diễn viên ngôi sao bao gồm Harvey Keitel, Jane Fonda và Rachel Weisz và Caine, bộ phim đem lại cho người xem cảm xúc chân thực nhờ diễn xuất đầy nội tâm và giàu kinh nghiệm. Ngoài chiến thắng Nam diễn viên châu Âu xuất sắc, diễn viên Michael Caine còn được trao Giải thưởng Danh dự của Chủ tịch và Ban giám khảo EFA. Ông Michael Caine hài hước cho biết, trong suốt 50 năm làm nghề, ông chưa từng thắng một giải thưởng nào tại EFA và hôm nay cảm thấy rất hạnh phúc vì được xướng tên tới hai lần.

Bộ phim Youth đề cập đến tuổi trẻ và tuổi già qua câu chuyện của những quý ông. Nội dung phim xoay quanh kỳ nghỉ dưỡng tại Thụy Sỹ của Fred - một chỉ huy dàn nhạc giao hưởng đã nghỉ hưu do Michael Caine đóng, cùng người bạn thân Mick - một đạo diễn Hollywood do Harvey Keitel đóng. Cả hai đều đã đi qua thời kỳ đỉnh cao của tuổi trẻ. Nhưng nếu Fred chấp nhận sự thật và chỉ muốn sống an phận thì Mick vẫn làm việc không ngừng nghỉ để tạo ra “một tác phẩm để đời”. Tuy có sự khác biệt về tính cách nhưng Fred và Mick vẫn chơi rất thân với nhau. Cũng chính điều này không chỉ khiến cho người xem không khỏi bật cười với những tình tiết hài hước của đôi bạn già mà đôi khi phải lặng người giấu đi những giọt nước mắt vì cảm động thông qua những hình ảnh rất đời thường như cùng nhau quan sát những người trẻ, tham gia những trò cá cược hay rình mò những đôi tình nhân trong rừng sâu. Thi thoảng họ cãi cọ vì bất đồng nhưng đôi khi lại tỏ ra rất đồng tình về quan điểm sống.

Ngay chính nội dung của câu chuyện cũng đã cho khán giả như sống cùng nhân vật khi tìm thấy chính mình cũng đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cái bóng của quá khứ. Và người ta cũng đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng đó cũng chính là trăn trở của chính nỗi lòng đạo diễn Paolo Sorrentino. Dù tuổi trẻ có thành công, vinh quang, lẫy lừng đến đâu thì cũng đã là quá khứ và để tiếp tục sống và tồn tại trong phần còn lại của cuộc đời, đôi khi buộc những người “xế chiều” phải chấp nhận bỏ lại mọi thứ sau lưng và tìm cho mình một lý do sống có ý nghĩa. Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc vào cách ứng xử của mỗi người khi biết “buông” những gì không cần thiết và biết nắm lấy những giá trị đích thực để đi tiếp trên đoạn cuối của cuộc đời. Bởi “khi bạn còn trẻ, mọi thứ trông thật gần. Đó là tương lai. Khi bạn đã già, mọi thứ trông thật xa xôi. Đó là quá khứ”. Thông điệp mà bộ phim mang lại cho người xem là liệu con người có thỏa mãn với cuộc sống ở tuổi xế chiều hay không khi họ đã trải qua cả phần đời tuổi trẻ của mình để chạy theo tiền tài, danh vọng và trí tuệ…

GIA HUY

;
.
.
.
.
.