.

Nông dân bám ruộng, bám đồng

.

Với diện tích đồng ruộng rộng 2.640ha, những năm qua ngành nông nghiệp Hòa Vang tập trung triển khai mô hình “cánh đồng lớn” mang lại nhiều kết quả khả quan. Bà con chưa làm giàu từ ruộng, nhưng theo nhận xét của nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất, người nông dân yêu đồng ruộng hơn, không còn hiện tượng cho mượn ruộng như các năm trước, cán bộ kỹ thuật của HTX cũng bám dân, bám ruộng nhiều hơn.

Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Hòa Phong.Ảnh: H.N
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Hòa Phong.Ảnh: H.N

Mô hình cánh đồng lớn

Năm 2011, khi triển khai mô hình đồng bộ trên ruộng lúa, ngành nông nghiệp Hòa Vang gọi là “cánh đồng mẫu lớn”, rộng 100ha, tập trung ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong và Hòa Phước. Nhưng nay, mô hình này được nhân rộng toàn huyện, kể cả những nơi thổ nhưỡng không có nhiều thuận lợi, thì được gọi là “cánh đồng lớn”.

Theo bà Ngô Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hòa Vang, mô hình quy định phương pháp xuống giống cùng 1 trà, cùng 1 giống (giống trung, ngắn ngày), cùng một phương thức đầu tư và chăm sóc như nhau từ đầu đến cuối. Tạo ra một sản phẩm lúa có chất lượng như nhau nên thương lái không thể ép giá mua của bà con nông dân.

Cái được lớn nhất của mô hình này là khi áp dụng phương pháp canh tác hiệu quả sẽ hạn chế được phần chăm sóc, giảm chi phí làm đất, thủy lợi (trổ nước đồng loạt, những chi phí tiềm ẩn không còn, không mất thời gian chờ đợi như trước đây), giống chuẩn, năng suất ổn định, chăm sóc đồng đều hạn chế được sâu bệnh.

“Có những lợi ích thuộc “chi phí vô hình” như tiết kiệm thời gian, mùa vụ ổn định hơn, công sức bỏ ra ít hơn mà tính tổng thể toàn huyện mới nhìn thấy, chứ mỗi gia đình nông dân không đong đo đếm được. Nhưng nhìn chung bà con rất ủng hộ mô hình sản xuất này”, bà Ngô Thị Hạnh nhấn mạnh.

Ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, mô hình cánh đồng lớn gắn với công tác dồn điền đổi thửa, nhưng với diện tích của bà con nông dân Hòa Vang rất nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ có chừng 2-4 sào đất ruộng, khó có thể dồn điền đổi thửa; thay vào đó, vào vụ, nông dân được huy động ra đồng đồng loạt, làm đất, xuống giống cùng một lần, nên phương tiện cơ giới hóa vẫn dùng được trên những cánh đồng nhỏ này, hỗ trợ cho bà con nông dân rất lớn trong quá trình sản xuất.

Với 2.640ha (vụ Đông Xuân) và 2.300 ha (vụ Hè Thu), sản lượng lúa thương phẩm của Hòa Vang năm qua đạt 29.065 tấn, cao nhất từ trước đến nay với năng suất trung bình đạt gần 59 tạ/ha.

Ở những cánh đồng triển khai mô hình “cánh đồng lớn”, năng suất của vụ hè thu bình quân các năm trước chỉ đạt cỡ 58-60 tạ/ha, thì nay tăng lên đến 63-65 tạ/ha. Nhìn chung, mô hình đã đem lại những thành công nhất định cho bà con nông dân và tiến đến ngành nông nghiệp Hòa Vang sẽ duy trì mô hình này, triển khai trên hầu hết diện tích đất canh tác toàn huyện, với quan điểm “không tăng năng suất mà tập trung đầu tư vào phần giá trị gia tăng: sản xuất những giống lúa thân thiện với môi trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng (giống lúa thơm, mềm dẻo, giá cao hơn giống lúa cũ khoảng 1,3 lần); đưa vào sản xuất những giống ngắn ngày, chất lượng cao để khắc phục hạn chế của thời tiết”.

Từ mô hình đến sản xuất đại trà

Từ 147ha đất nông nghiệp, ổn định với năng suất bình quân 2 vụ khoảng 59 tạ/ha, cách đây 2 năm xã Hòa Phước quyết định đầu tư “cánh đồng mẫu” rộng 20ha ở thôn Trà Kiểm. Cán bộ kỹ thuật bám dân, bám ruộng, cả một cánh đồng lớn cái gì cũng chung: chung giống, chung cách chăm sóc, chung thời gian từ làm đất, gieo sạ, bón phân đến thu hoạch.

Và như có một phép màu xảy ra: với giống lúa OM4900, vụ đông xuân năng suất tăng đến 70 tạ/ha, vụ hè thu đạt 65 tạ/ha. Ông Ngô Văn Cường, chuyên viên ở UBND xã Hòa Phước cho biết, điều kiện sản xuất của bà con ở Hòa Phước khá khó khăn do là xã cuối kênh, nước tưới tiêu về khó, nhiều dự án ảnh hưởng đến mương tiêu thoát nước. Khi triển khai mô hình “cánh đồng mẫu”, bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật của HTX nông nghiệp quyết tâm bám ruộng, khó khăn đến đâu, xử lý đến đấy.

Đến khi nhìn những bông lúa trĩu hạt, bà con Trà Kiểm mừng rớt nước mắt. Từ hồi nào làm nông đến giờ, năng suất lúc đạt nhất trong điều kiện vụ hè thu bao giờ cũng kém hơn vụ trước, chưa kể các bệnh thiên địch, nay cái gì cũng được “xử lý”, không mừng sao được.

Hiện nay, Hòa Phước đang vận động nông dân chuyển đổi giống dài ngày sang giống trung, ngắn ngày (ước tính có khoảng 80% diện tích đã chuyển đổi giống) và sắp tới, mô hình “cánh đồng lớn” sẽ triển khai trên hầu hết diện tích đất nông nghiệp toàn xã.

Trừ một vài cánh đồng có quy mô rộng, liên hoàn, tập trung ở các xã triển khai mô hình điểm “cánh đồng mẫu”, có nhiều xã diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, quy mô cánh đồng chỉ vài ha, địa hình không thuận tiện như ở Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, nhưng ngành nông nghiệp Hòa Vang vẫn khuyến khích bà con nông dân triển khai mô hình cánh đồng đồng loạt 1-2 giống, quy trình sản xuất giống nhau để đạt năng suất, sản lượng.

Ông Huỳnh Quý, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hòa Nhơn 2 cho biết, HTX có 121ha đất ruộng với 352 thành viên, có những đám ruộng phải sản xuất theo dạng ruộng bậc thang, rất khó để triển khai mô hình “cánh đồng lớn”. Vậy mà vụ hè thu vừa qua, HTX mạnh dạn áp dụng mô hình gieo tập trung, dùng 1 loại giống, kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh như nhau.

“Khi chọn giống trung, ngắn ngày VTNA2, chúng tôi cùng áp dụng một biện pháp kỹ thuật thì nhận thấy việc phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn, năng suất cao hơn, máy móc thu hoạch thuận tiện hơn”, ông Quý cho biết. Và năng suất trên cánh đồng 121 ha ấy đạt 66 tạ/ha, trong khi các năm trước chỉ đạt khoảng 57-62 tạ/ha.

Vụ đông xuân này, HTX Hòa Nhơn 2 không triển khai mô hình “cánh đồng lớn” toàn diện tích, mà chia ra với 2-3 loại giống, giống trung ngày gieo sạ từ 15-31/12 và giống ngắn ngày (52ha) gieo từ ngày 25-31/12. Ông Huỳnh Quý cho biết “nông dân không dám đánh cược với thời tiết nên HTX phải khoanh vùng từng cánh đồng và chọn giống riêng rẻ.

Do mùa trước bà con được TT Khuyến ngư-nông-lâm thành phố hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón thì bà con làm theo mô hình “cánh đồng lớn”; nay không còn được hỗ trợ nên bà con làm một nửa giống này, nửa giống kia để “chắc ăn”. Và ông chủ nhiệm HTX cam kết vẫn theo sát từng cánh đồng, theo sát bà con, để mô hình sản xuất chung này không chỉ triển khai một mùa, mà sẽ là tương lai cho sản xuất nông nghiệp Hòa Nhơn nói riêng cũng như của Hòa Vang nói chung, khi nhìn thấy hiệu quả rõ rệt của nó trên từng cánh đồng, trên từng xã.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.