.

Thời gian dẫu bạc mái đầu

Hè năm nay, tôi có một niềm vui nho nhỏ nhưng rất đáng trân trọng -  đó là dự cuộc gặp mặt thân mật với hơn 60 cựu sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế khóa 1981 - 1985 tại thành phố Đà Nẵng.

Sau 30 năm ra trường, rất nhiều sinh viên cũ giờ mới có dịp gặp lại một số thầy cô và bạn bè thân thiết của mình. Những cái bắt tay, những giọt nước mắt, những câu nói nghẹn ngào, những lời hỏi thăm, những câu chuyện kể về nghề nghiệp, về gia đình, về cuộc sống… đầy cảm động và nghĩa tình. Ba mươi năm, quãng thời gian chưa phải là dài đối với cuộc đời của một con người, nhưng cũng là khoảng thời gian đủ để lắng đọng những gì tốt đẹp nhất, sâu sắc nhất về tình thầy trò, tình bè bạn…

Một anh sinh viên, vốn là một cán bộ đi học, quê ở Quảng Nam, giờ đã gần 60 tuổi, nói với tôi: “Ngày em học ở khoa Văn, được học môn Văn học Dân gian và đi điền dã về các làng quê sưu tầm, nghiên cứu các tác phẩm văn chương bình dân. Em còn nhớ bài làm đầu tiên của em về môn học này được thầy nhận xét rất kỹ từ nội dung đến cách dùng từ, đặt câu và cả lỗi chính tả nữa.

Em đỏ cả mặt khi thấy bài viết của mình bị thầy gạch đỏ lên nhiều câu, nhiều đoạn. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà em thấy mình mạnh, mình yếu ở chỗ nào… để rồi từ đó mà cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong học hành, rèn luyện. Những năm học sau, em học ngày càng tốt, càng khá hơn, một phần cũng nhờ ở sự tận tâm, ở sự nghiêm khắc, chặt chẽ trong giảng dạy của các thầy cô giáo các bộ môn…”.

Nắm chặt tay anh, trong tôi lại dấy lên bao kỷ niệm đẹp đẽ về nghề dạy học, về tình nghĩa thầy trò. Tương tự như câu chuyện trên, tôi còn nhớ hồi năm 1976 đi thực tập ở Trường cấp 3 Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), trong một giờ dạy Văn, tôi đã gọi một nữ sinh lên kiểm tra bài cũ. Em học sinh đã không thuộc bài, không trả lời được các câu hỏi của thầy, vì vậy bị ghi điểm dưới trung bình.

Hai hôm sau, em nữ sinh này đã cùng với hai bạn tìm tới phòng trọ của đoàn thực tập để thăm các thầy cô giáo. Em nữ sinh xúc động nói với tôi: “Vừa rồi, do cả ngày chủ nhật phải theo mẹ đi làm nương, tối về, em đã không thuộc bài cũ, vì vậy làm thầy cô buồn lòng. Em thật có lỗi với các thầy cô. Em xin hứa với thầy sẽ chăm chỉ học hành để có kết quả ngày càng tốt hơn…”.

Câu chuyện nhỏ của cô nữ sinh Tuyên Quang và anh sinh viên người Quảng Nam tuy có khác nhau, nhưng với tôi đều là những kỷ niệm đẹp của một đời gắn bó với nghề cầm phấn đứng trên bục giảng. Người thầy được các thế hệ học sinh, sinh viên yêu mến, kính trọng, theo tôi phải là người tận tâm với nghề nghiệp, với việc giúp cho người học đạt kết quả tốt trong học hành, khoa cử.

Lịch sử nước ta, từ hàng ngàn năm nay đã vinh danh biết bao thầy cô giáo bằng nhiều hình thức như lập đền miếu thờ phụng, ghi tên vào sử sách, v.v… Họ là những người tài cao, đức lớn, tận tâm với công việc truyền dạy chữ nghĩa cho bao thế hệ học sinh, giúp cho họ nên người và vững vàng dấn thân vào cuộc sống… Những người thầy lớn thuở xưa như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lương Thế Vinh, Võ Trường Toản… được sử sách và người nước ta muôn đời kính phục, ngợi ca về nhiều phương diện, nhưng trước hết và nổi bật nhất chính là nhân cách, là sự nghiệp trồng người của họ.

Các thầy đã từ bỏ quyền cao, chức trọng, và cuộc sống giàu sang, phú quý nơi thị thành để về với thôn làng sống cuộc đời thanh bạch và theo đuổi nghề dạy học cho đến lúc sức cùng, lực kiệt. “Lương sư hưng quốc”. Ông bà ta xưa đã đánh giá rất cao sự đóng góp to lớn của các nhà giáo chân chính, lương thiện vừa có tài, vừa có đức đối với sự tồn vong, sự hưng thịnh của đất nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành, tôi cũng như phần đông bạn bè của mình ở quê đều được đi học ở trường làng từ lớp ấu trí viên (mẫu giáo ngày nay) đến cấp I, cấp II (tiểu học, trung học cơ sở), sau này nữa là trung học chuyên nghiệp, đại học chuyên ngành. Học ở bậc học nào, chúng tôi cũng được các thầy cô dạy dỗ rất tận tình, chu đáo, dù lớp học là tranh tre, nứa lá, bàn ghế cái cao, cái thấp, sách vở, bút mực thiếu thốn mọi bề.

Những học sinh có hoàn cảnh vất vả, khó khăn, luôn được thầy cô dành sự quan tâm đặc biệt, lúc sách vở, giấy bút, lúc bày vẽ cách viết văn, làm toán. Tôi cũng nằm trong số đó. Mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đòn gánh đè vai, gồng thuê, gánh mướn, buôn thúng bán mẹt, cơm ăn một phần gạo, hai phần khoai sắn, áo quần cái thì thay ống, cái thì vá vai… nên những yêu thương nhận được từ thầy cô đã để lại những ấn tượng rất sâu sắc trong tâm khảm của tôi từ lúc ấu thơ.

Trong lòng các thế hệ học sinh, sinh viên chúng tôi, các thầy cô luôn là những tấm gương sáng về phẩm cách đạo đức, về lòng yêu thương con người, về sự tận tâm với nghề và sự uyên bác về tri thức… Gắn bó với nghề dạy học suốt mấy chục năm nay, tôi luôn luôn tâm niệm và cố gắng làm tốt nhiều lời dạy của các thầy cô khi đứng trên bục giảng cũng như trong cuộc sống hằng ngày, sao cho xứng với danh xưng “thầy, cô giáo” mà mình được vinh hạnh thụ hưởng.

Không phải cứ làm nghề gì là nói hay, nói tốt về nghề ấy. Mọi nghề chân chính, lương thiện, tử tế, theo tôi đều rất đáng trân trọng, tôn vinh. Nghề dạy học không chỉ giúp cho bao triệu người được sống đàng hoàng mà còn mang đến cho xã hội bao điều tốt lành, đẹp đẽ. Thầy cô giáo luôn được đón nhận những tình cảm rất chân thành của bao người học, dù hiện thời tuổi tác họ đã cao và nhiều người “công thành, danh toại” trong khi những người dạy họ học hành vẫn chỉ là những công dân bình thường. Tôi xin được kết thúc bài viết này bằng hai câu thơ bình dị in trên một bức tranh nhỏ mà một sinh viên đã gửi tặng tôi cách đây hơn mười năm nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam:

Thời gian dẫu bạc mái đầu
Tim trò vẫn tạc đậm câu ơn thầy.

TRẦN HOÀNG

;
.
.
.
.
.