.

Người trẻ đâu rồi

.

Một giải đấu quốc tế dành cho cầu thủ trẻ Việt Nam và vài nước trong khu vực Đông Nam Á cùng với khách mời đến từ Hàn Quốc sẽ khởi tranh từ hôm nay, 20-11, trên sân Thống Nhất- TP. Hồ Chí Minh hứa hẹn thu hút người hâm mộ dù thực chất đây chỉ là đợt tập dượt, cọ xát. Diễn ra cảnh xếp hàng rồng rắn ở nhiều điểm bán vé trước ngày khai mạc.

Cổ động viên háo hức chờ đón, gọi tên các thần tượng sân cỏ. Không có nhiều ngôi sao đã thành danh trong một cuộc chơi thiên nhiều hơn về tính giao lưu hữu nghị, sự háo hức đến từ phía công chúng có thể là dấu hiệu đáng mừng đối với các nhà tổ chức.

U21 HAGL là cái tên được chú ý nhất ở giải năm nay nhờ sự hiện diện của Công Phượng, Tuấn Anh. Ảnh: Thethaovanhoa.vn
U21 HAGL là cái tên được chú ý nhất ở giải năm nay nhờ sự hiện diện của Công Phượng, Tuấn Anh. Ảnh: Thethaovanhoa.vn

Nhưng với các nhà quản lý, điều hành nền bóng đá nước nhà, nếu suy nghĩ của họ không dừng lại ở một cuộc chơi mang tính phong trào do một tờ báo chủ xướng và đứng tên, hẳn có rất nhiều đúc kết đáng suy ngẫm với không ít ưu tư.

Đầu tiên có thể là câu hỏi liên quan đến vai trò, trách nhiệm của liên đoàn bóng đá trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực trẻ cho nền bóng đá. Bao lâu rồi giải đấu dành cho cầu thủ dưới 21 tuổi được tiến hành hằng năm dưới danh nghĩa giải đấu do một tờ báo đứng ra tổ chức và giữ vai trò điều hành chủ chốt, người của VFF chỉ góp sức về  điều lệ chuyên môn, công tác trọng tài? Xã hội hóa hoạt động sân cỏ, kêu gọi sự góp tay của cộng đồng xã hội vào tiến trình phát hiện, đào tạo, chăm sóc tài năng trẻ là một xu hướng tích cực nhưng không vì thế mà các nhà điều hành có trách nhiệm với tương lai phát triển bóng đá lại xem nhẹ khía cạnh chuyên môn vốn đòi hỏi tính khoa học và sáng tạo. Công chúng muốn nhận ra rõ hơn vai trò của đội ngũ chuyên gia từ VFF không chỉ trong cách điều hành giải mà, cần thiết hơn, trong năng lực thẩm định, phát hiện tài năng trẻ để từ đó có kế hoạch đầu tư, chăm sóc đến nơi đến chốn các nhân tố mới của nền bóng đá. Không tìm ra cho được các nhân tố trẻ, không biết trân quý, chăm sóc họ theo kế hoạch bài bản, dài hơi để bổ sung ngày càng nhiều cho nguồn lực bóng đá nước nhà, một giải đấu xã hội hóa sẽ mãi chỉ dừng lại ở một hội hè đến hẹn lại lên.

Nhiều năm trước đây đã có quy định bắt buộc các câu lạc bộ phải chú tâm chăm sóc nguồn lực bóng đá qua việc xây dựng riêng đội trẻ và tham gia thi đấu giải trẻ song hành với V-League. Biện pháp này của VFF tác động tích cực vào quá trình tìm kiếm, phát hiện, đào tạo cầu thủ trẻ ở bản thân mỗi câu lạc bộ, góp phần tăng nội lực và giữ được bản sắc, truyền thống của nhiều đơn vị. Tiếc thay quy định này hiện không còn nữa. Các câu lạc bộ đuối sức vì chạy theo thành tích trước mắt hay cơ quan điều hành bóng đá bất lực?

Cầu thủ trẻ không được coi trọng, ít có đất dụng võ vì các câu lạc bộ mải miết đuổi theo thành tích nhất thời đã không ngại bỏ tiền rước nườm nượp ngoại binh; bóng dáng và sức đóng góp của cầu thủ nội trong thành quả của nhiều câu lạc bộ còn quá mờ nhạt, dẫn đến tình trạng mỏng manh, yếu kém ở đội hình đội tuyển quốc gia. Đúc kết này vẫn được lặp đi lặp lại hằng năm nhưng dường như các nhà quản lý điều hành vẫn chưa tìm được lối ra.

Và, trong khi chúng ta loay hoay với cái lối ra mờ ảo ấy thì bên cạnh mình, người láng giềng Thái Lan phô diễn gương mặt tươi tắn đầy nhựa sống như thách thức, như trêu ngươi. Thất bại của tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở vòng loại World Cup vừa rồi đâu chỉ đắng cay nặng nề về tỉ số!

Người trẻ đâu rồi? Câu hỏi như một nhắn gửi, hơn thế nữa, một nhắc nhở: Đừng xem họ chỉ như những đứa trẻ làm giàu cuộc vui!

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.