.

Người thầy đầu tiên

Những nhọc nhằn, vất vả của tuổi thơ tôi, đã hình thành nên những ý niệm về cuộc sống, luôn sống động, trường tồn chiếm một vai trò quan trọng trong ký ức và vốn liếng văn hóa của đời người, đến nỗi tất cả những gì tôi trải nghiệm trong cuộc sống sau này, ngẫm lại không làm tôi khác đi bao nhiêu so với những gì tôi đã trải qua thuở đó.

Người đã đưa tôi thoát khỏi hoàn cảnh đó, là người thầy đầu tiên của tôi, người khai tâm, khai trí, khai thông con đường cho tôi đến với cuộc đời. Một cậu bé sinh ra ở làng quê nghèo Gò Nổi, trước khi biết mặt chữ, chưa biết từng con chữ đã biết các trò chơi chiến tranh như súng đạn, bom mìn, hầm chông, đại bác, công việc thường ngày là làm giao bưu, liên lạc, khi giặc đến thì đậy nắp hầm bí mật, nuôi giấu các chú, các anh… Đầu năm 1968, khi tôi thoát khỏi nhà lao Kho Đạn (Đà Nẵng) ra Huế, may mắn gặp anh, người anh rể họ, người lấy người chị con bà cô ruột của tôi.

Đó là anh Đỗ Minh Huệ, tên thật là Đỗ Minh Sử, quê ở Phú Đa, thuộc huyện Phú Vang, là vùng ven thành phố Huế, tham gia kháng chiến chống Pháp từ tuổi thiếu niên, vào Đảng năm mười bảy tuổi, sau 1954, ở lại miền Nam hoạt động bí mật và hầu như suốt cuộc đời vào tù ra khám, trong đó có hai lần lâu nhất là từ năm 1956 đến 1963 và 1969 đến 1973. Cũng chính cách mạng và nhà tù đã đào tạo anh trở thành một con người, mà theo tôi, là tương đối hoàn thiện: thợ cắt may giỏi, thêu thùa và viết chữ đẹp, đàn giỏi, am hiểu về nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó, tất nhiên, chủ yếu là chính trị, văn hóa, tôn giáo và nhất là tấm lòng yêu thương con người, những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ, cần có sự giúp đỡ, sẻ chia. Bằng con đường tự học, anh không chỉ là người biết nhiều mà còn là con người văn hóa, trước hết là văn hóa thương người, tấm lòng rộng rinh sẵn sàng cưu mang đồng loại, và văn hóa ứng xử trong tất cả các mối quan hệ xã hội, với cái nhìn ấm áp đối với con người.

Còn ấm mãi trong tôi, những năm tôi học Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đi công chuyện ghé thăm, thấy cuộc sống sinh viên của tôi quá khó khăn, anh cho tiền nhưng tôi ngần ngại không lấy, bởi tôi đi học có lương (thời đó gọi là phụ cấp sinh hoạt phí), nhưng làm sao trang trải đủ cuộc sống xa nhà, anh cứ động viên tôi: “Coi như là trách nhiệm đối với xã hội, tôi giúp cậu, sau này con tôi đi học xa, sẽ có người giúp lại, huống hồ, chúng ta là anh em…”.

Trở lại cái thời đầu năm 1968, một thằng bé mười ba tuổi mù chữ như tôi, rơi vào một góc nhỏ mịt mù của xứ Huế, biết kiếm sống thế nào? Tôi về ở với anh chị, mục tiêu là học lấy cái nghề thợ may để sau này có thể tự kiếm sống. Công việc đầu tiên là cắt chỉ, làm khuy, đơm nút, là ủi… nhưng muốn làm thợ may cũng cần phải biết chữ, biết tính toán để đo, cắt áo quần.

“Từ nay, ban ngày cậu làm phụ việc cho nghề may, ban đêm, cậu mang cuốn sách bé học vần, ngồi cạnh bàn cắt áo quần của tôi, tôi dạy cho cậu học!”. Anh trở thành người thầy đầu tiên của tôi trong hoàn cảnh như vậy. Cái góc nhỏ của xứ Huế ở đường Đặng Nghi (nay là đường Hoàng Diệu), nơi tôi bị bất đắc dĩ rơi vào, đã dần dần bừng sáng lên từ đó. Và, chỉ mấy tháng sau, vào mùa khai giảng năm học mới năm đó, cũng chính anh đề nghị chị tôi cho tôi đến trường mỗi ngày một buổi, còn một buổi ở nhà học nghề may. Tôi đã phải chạy đua nước rút với thời gian, trong đó có cả bị gián đoạn một năm bỏ học vì tham gia công tác quân quản, để đến mười ba năm sau (1981), tôi trở thành người thầy đứng trên bục giảng của trường đại học danh giá nhất xứ Huế thời đó – Trường Đại học Tổng hợp Huế.

Năm 1975, tôi tham gia chiến dịch giải phóng Huế, làm trong Ủy ban quân quản quận Nhì, rồi về làm phường đội trưởng phường Phú Cát, anh cũng được tổ chức bố trí làm Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân quận Ba, nhưng đâu chỉ được vài ba tuần, chưa đủ tháng, thì bị gọi lên bãi chức và bắt giam ở Trại tạm giam, bởi có sự tố cáo của một ai đó, rằng lúc ở tù anh đã phản bội, khai báo nhiều điều có hại, thậm chí có tội, với cách mạng. Thời gian tạm giữ để điều tra dài hơn thời gian đương chức của một ông ủy viên thư ký ủy ban quận. Tôi đã nhiều lần đến trại giam thăm và động viên anh, nhưng anh em gặp nhau không cầm được nước mắt.

Tất nhiên, sau khi xác minh làm rõ anh trong sạch, người ta thả anh về và khôi phục mọi quyền lợi, nhưng anh một mực ra về với hai bàn tay trắng, làm người dân thường, cùng vợ trở lại với hiệu cắt may. Sau nhiều năm, nhiều tháng, anh em, đồng đội cũ cứ đến thăm, động viên mãi, đâu khoảng gần cuối những năm tám mươi, anh có quay lại làm ở Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hương Phú, sau đó về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế đâu được dăm bảy năm gì đó, trước khi nghỉ hưu về sống tại thành phố Hồ Chí Minh và đã qua đời tại đây năm 2002.

Còn đó, những bài học vỡ lòng anh dạy tôi cách đây gần tròn nửa thế kỷ. Nhân cách, lý tưởng sống trong con người anh, tôi không bao giờ quên được. Cái lớn hơn tôi học được ở anh, đó chính là nhân cách làm người. Nhà trường từ thời cấp 1 đến cấp 3 với tất cả những “cú” học nhảy, học băng để chạy đua với thời gian của tôi và kể cả những năm ngồi trên ghế nhà trường đại học, hầu như chỉ dạy tôi học nghề, còn anh mới chính là người thầy đầu tiên, “trường học” đầu tiên dạy tôi làm người! Cuộc sống đưa đẩy thế nào, tôi lại trở thành nhà giáo. Đến nay, sau ba mươi lăm năm giảng dạy, khi vượt qua ngưỡng cửa của tuổi sáu mươi, tôi mới nghiệm ra rằng, sở dĩ tôi vẫn còn đứng nguyên trên bục giảng là bởi vì tôi học được ở anh những phẩm hạnh, thiên lương tốt đẹp của một con người.

Có lẽ vì anh, người thầy đầu tiên của tôi và sau đó là những bậc thầy đã xẹt chiếu những tia sáng rực rỡ ngang qua tâm hồn tôi thời còn đại học (những người thầy đã đi xa của tôi: Hồ Tấn Trai, Nguyễn Đình Thảng, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Văn Khỏa, Đỗ Đức Hiểu, Lê Đình Kỵ, Hoàng Như Mai, Lê Xuân Việt…) đã níu giữ không cho ra khỏi cánh cổng nhà trường. Những lúc nản lòng, tôi lại nhớ đến tấm lòng bao dung của anh và đức độ của các bậc tôn sư mà tôi hằng ngưỡng vọng, tôn thờ. Tôi nghiệm ra rằng, nghề giáo là một nghề nghiêm cẩn, bởi lẽ, trước khi muốn trở thành người trồng và chăm bón cho con người, nhất định anh phải là con người đích thực với tất cả ý nghĩa xác tín của từ này.

Anh Huệ ơi! Do nhiều năm “thường trú” trong tù, với những thủ đoạn tra tấn dã man, nên anh đã sớm ra đi, cách đây đã mười mấy năm. Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi còn sống bên anh, tôi đã sống theo anh và luôn ý thức được rằng anh là người thầy đầu tiên. Mà không chỉ có tôi đâu, suy cho cùng trong cuộc đời mỗi con người, dù học vấn đi đến đâu, cương vị xã hội vươn đến vị trí nào, ai mà chẳng có lúc nghĩ về người thầy đầu tiên của mình. Lẽ đời, bên cạnh những tình cảm thiêng liêng như cha mẹ, anh em (không có quyền chọn lựa), thì tình nghĩa vợ chồng và niềm tôn kính thầy trò (có thể chọn lựa được) luôn có ý nghĩa vĩnh hằng, nếu ai lãng quên điều đó, sẽ trở thành kẻ vô ơn đáng nguyền rủa.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.