.
Nghĩ

Ngày của tình thầy và tình bạn

“Cô ơi, tụi con bàn tính miết mà chưa chọn được quán nào vừa ngon, vừa dễ thương, ấm cúng để mời cô đi ăn trưa. Trên phây của cô thấy toàn quán lung linh, chỗ nào cũng đẹp nên cả lớp thống nhất… nhường quyền chọn quán lại cho cô”. Nghe cái giọng áy náy đùn đẩy của học trò, cô cười vang phía đầu dây bên kia: “Cô là “nạn nhân” của cái sự lung linh đó đây. Ngồi với mấy đứa là vui rồi, ăn gì chẳng được, cứ “cùi bắp” cho cô. Mấy anh chị lớp trên, đi nước ngoài về còn kéo cô vô chợ Cồn cho đỡ ngán nhà hàng”…

Cứ đến chừng giữa tháng 11, tụi con lại “ới” cô qua điện thoại để được ngồi cùng cô nói đủ chuyện cuộc sống, công việc, gia đình. Ngày sinh nhật cô gần với ngày nhà giáo nên tự nhiên lại càng thèm được gặp cô nhiều hơn. Cô đến, vẫn với mái tóc ngang vai cong mềm tự nhiên, trang phục lúc jean bụi, lúc đầm liền rất điệu. Cả lớp ồ lên khen cô trẻ hoài. Cô đệm thêm: Có anh phụ huynh nghe tuổi thiệt của cô nhưng nhất quyết không tin, bảo cô nói giỡn chơi. Cô còn cười tít mắt dặn đừng uốn tóc nhìn sẽ “cứng” tuổi…

Cô vẫn vậy, hình như luôn biết đủ thứ và dặn dò đủ thứ. Được cô chủ nhiệm 3 năm liền, lớp đã quen đến nỗi hôm nào cô bình thản bắt tay ngay vào bài giảng là tụi con phải… tìm chuyện để cô lên tiếng dặn dò. Hôm cô chỉ vẽ cách bước đi, cả cách đứng ở ban-công giờ giải lao sao cho ra dáng con gái. Bạn nào nhuộm tóc là y như rằng cô nhắc cho đến khi tóc trở lại màu đen mới thôi. Lớp đi cắm trại, cô cũng ra yêu cầu không được mặc quần ngắn trên… mắt cá chân. Gần ngày nhà giáo, cô nhắc chừng đi thăm thầy cô cũ và những thầy cô lớn tuổi. Cô chỉ không còn nói điều này khi cô cũng là một nhà giáo đã nghỉ hưu. Ai nhìn vào, tưởng lớp văn con gái đằm thắm, dịu dàng, đâu biết vì cô dặn hoài nên học trò mềm mại hồi nào chẳng hay.

Cô dạy văn nhưng hiếm khi sướt mướt trước mặt học trò, giải quyết đề bài cô càng yêu cầu tính logic. Cô bảo, tại cô xuất phát từ dân toán mà ra. Nhưng ngày bế giảng cuối cùng, cô đã đứng ở cổng trường tiễn tụi con và khóc thật nhiều. Cô viết vào lưu bút con với một câu duy nhất: “Hãy viết như em đang hát”.

Tiễn lớp ra trường để mỗi đứa theo một con đường mới, nhưng lớp mình đâu có xa nhau thiệt. Vừa làm xong bài thi môn văn tuyển sinh đại học, đứa nào đứa nấy lập tức tìm cách (hồi đó mấy đứa con chưa có di động hay dùng mạng xã hội như bây giờ) gọi về kể cô nghe, vì biết rằng ở Đà Nẵng cô đang chực sẵn điện thoại. Rồi khi những nỗi buồn trong tình yêu đầu hay những khó khăn ùa đến, lớp lại gọi vào số máy thân thuộc bao năm không thay đổi của cô.

Năm nay, lớp thống nhất sẽ tự làm một món quà bằng tay để tặng cô và món đồ ấy cô dùng được hằng ngày. Tụi con vui lắm với kế hoạch be bé này. Nói đến quà tặng con chợt nhớ, hôm qua, con ra nhà sách định mua quà chúc mừng cô giáo của bé nhà con. Anh chủ nhà sách một mực… không muốn bán?! Anh chủ ấy chỉ vào mấy cái hộp rỗng lấp lánh dán sẵn đặt trên kệ và bảo chỉ cần cho phong bì vào hộp chứ ai còn đi mua quà gói vào đấy…

Anh này nói cũng có lý, vì quả thực đôi khi giữa tiền và hiện vật thì tiền thuận tiện, thực tế và dùng được hơn.

Mấy bạn làm giáo viên kể với con rằng, nếu được tặng chiếc khăn, chiếc áo len do học trò tự đan, bức tranh do tay học trò vẽ, bó hoa giấy do tay học trò làm hoặc một lời hỏi thăm từ phương xa, một cuộc tìm về của học trò cũ thì ấm áp và hạnh phúc biết mấy. Nhưng ấm áp bình dị ấy lại mấy khi có được giữa thời buổi của sự “thuận tiện, thực tế và dùng được”.

Con nghĩ mãi về điều này cô ạ, nhưng con không trả lời được mình nghĩ vậy để làm gì và giải quyết điều gì. Có điều, càng nghĩ, con lại thấy mình may mắn vì riêng con và lớp luôn có một ngày 20-11 của tình thầy trò và bè bạn.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.