.

Hãy là người chủ động

Kể từ khi bắt đầu đi làm, tôi luôn tự hỏi rằng nếu được đặt bút chọn ngành một lần nữa, liệu tôi có chọn báo chí? Chưa bao giờ tôi có được câu trả lời vì đơn giản là tôi không có cơ hội để trải nghiệm một ngành nghề nào khác. Không có thời gian quăng mình vào dòng đời để tìm lối đi cho cuộc đời mình. Hẳn rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đang ở trong tâm trạng như tôi, tâm trạng học tạm bợ, làm tạm bợ và sống tạm bợ với cái ngành, cái nghề mình đã chọn.

1. 12 năm chúi mũi đèn sách, học sinh hiện nay mỗi ngày phải học tới 3 ca sáng-chiều-tối, không có thời gian ăn, ngủ, nghỉ, thậm chí làm bài tập. Đùng một phát, 18 tuổi, phải đứng trước một quyết định “một sống một còn”: quyết định chọn nghề. Điều mà trước đó không có trong bất cứ bài giảng nào, sách giáo khoa nào, bất cứ tiết học ngoại khóa nào. Phân vân, hoang mang, lo lắng, không tin vào bản thân mình có thể thi vào ngành đó, làm nghề đó. Chúng tôi khi ấy lọt thỏm vào một trào lưu vớ vẩn là chạy theo những nghề có vẻ “hot”, chơi lô-tô với số phận mình cũng chỉ vì chúng tôi không hề có điểm tựa. Bạn bè tôi đứa nào cũng làm 3, 4 hồ sơ thi đại học. Mỗi hồ sơ một nghề khác nhau!

“Trèo cao thì ngã đau đó nghe!” – người thân của tôi lạnh lùng nói khi nghe tôi quyết định thi báo chí. Nhưng ít ra tôi còn may mắn hơn gấp bội so với bạn bè mình. Bởi họ không những không biết được mình muốn gì, thích gì mà còn đứng trên đường ranh giới theo nghề bố mẹ thích. Những đứa trẻ lớn xác nhưng tâm hồn còn quá non nớt như chúng tôi bị áp lực và bắt buộc phải làm theo nếu không muốn xảy ra xung đột trong gia đình.

2. Cách đây không lâu, một bạn sinh viên năm 3 ngành báo chí gửi bài cộng tác cho chúng tôi. Email ghi rõ gửi bài cộng tác nhưng hóa ra “bài” ấy chỉ là một cái tin, không hơn không kém. Hỏi ra mới biết lâu nay bạn viết truyện, tản văn và chưa bao giờ viết một bài báo nào. Kể ra ở đây không phải là để trách bạn ấy bởi suy cho cùng bạn sinh viên kia cũng chỉ là hậu quả của nền giáo dục thiếu định hướng.

Và trách làm sao được khi chính tôi cũng đã từng trong hoàn cảnh ấy và từng có suy nghĩ ấy. Nhớ lại ngày đầu tiên đi thực tập, một chị phóng viên đã hỏi tôi em thích viết gì. Tôi bảo tôi thích viết truyện, tản văn. Chị nói một câu làm tôi thấm mãi: Đã học báo, quyết định đi làm báo thì hãy viết báo và chỉ viết báo. Đừng lệch lạc! Câu nói như một gáo nước lạnh khiến tôi tỉnh hẳn.

Ngày đi học, chúng tôi có thể học đủ các cách viết tin hình tháp xuôi, tháp ngược, kim cương, đồng hồ cát… Nhưng khi đã đi làm, anh em phóng viên chúng tôi chưa khi nào nghĩ: À bây giờ mình sẽ viết cái tin này theo cấu trúc hình tháp ngược và phải viết như thế này, thế này, thế này… Nghề báo là một nghề đặc biệt mà ở đó nó sẽ dạy cho bạn biết bạn phải làm thế nào để ra một cái tin, một cái bài nếu các bạn kiên trì, chịu khó.

Một người bạn của tôi khi còn ngồi trên ghế giảng đường luôn than vãn không biết học có đúng ngành không, sau này không biết làm gì. Cứ nghĩ rằng bạn sẽ từ bỏ hoặc làm trái ngành. Nhưng không, nhờ hiểu rõ sở trường, sở đoản của bản thân cộng thêm sự dìu dắt của những anh, chị đi trước, bạn tôi nay đã là một biên tập viên năng động, giỏi giang.

Một đứa bạn khác, sau khi kết thúc 4 năm đại học với tấm bằng giỏi chuyên ngành Quản trị kinh doanh đã liều lĩnh ôn thi lại đại học, đăng ký ngành bác sĩ đa khoa. Bên cạnh các ý kiến khâm phục nghị lực phi thường, cũng không ít người bảo bạn khùng, phí thời gian, học không thôi hết mười mấy năm… Đã quyết thì làm, người bạn ấy bây giờ vẫn đang cần mẫn ở giảng đường y khoa với khao khát tới ngày được cầm dao phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân.  

Tôi từng nhiều lần nghe các anh, chị trong nghề thắc mắc không biết trong 4 năm các em sinh viên báo chí đã học gì, mà không thể phân biệt nổi mình viết tin hay bài trước khi gửi đi. Và các bạn chưa hề đưa bài báo mình mới hoàn thành nhờ giáo viên chỉnh sửa, góp ý. Đến khi đi làm, có bạn mất cả năm vẫn chưa viết được một bài báo hay, gọn ghẽ, có đầy đủ thông tin. Các bạn hãy đặt câu hỏi cho giáo viên, sẽ nhận được vô số kinh nghiệm và những bài học mà trong sách giáo khoa chưa cập nhật.

Khi đã đi qua tuổi học trò, quãng đời sinh viên, tôi mới ngộ ra rằng mình đã thật lãng phí tuổi trẻ của mình. Ở tuổi đôi mươi, chúng ta chẳng có gì để mất ngoài một trái tim ít sợ hãi. Nếu đã không thể quay đầu lại, thì hãy là một người trẻ chủ động với con đường mình đang đeo đuổi, đừng yếu hèn, đừng phó mặc.

CHIÊU ANH

;
.
.
.
.
.