.
Nghĩ

"Đại dịch" tai nạn giao thông

Trong 9 tháng đầu năm 2015, tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người. Con số này được nêu lên trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trật tự an toàn giao thông và triển khai kế hoạch công tác cuối năm tổ chức ngày 2-10 vừa qua.

Những con số này được hầu hết các báo phản ánh thành tin, bài theo kiểu “đến hẹn lại lên” sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc. Những con số vô cảm, trừu tượng xếp cạnh nhau khó thu hút được sự chú ý của bạn đọc, dần dần tạo nên tâm lý chai lỳ với thông tin TNGT. Tuy nhiên, trên thực tế, con số đó đã xấp xỉ hay thậm chí cao hơn số lượng người chết trong các đại dịch có sức lây lan khủng khiếp trên toàn cầu.

Điển hình, với tốc độ lây lan đáng sợ nhưng đại dịch MERS cũng chỉ lấy đi sinh mạng 442 người trong suốt 30 tháng, bằng 6,8% số lượng người chết tại Việt Nam do TNGT trong 9 tháng. Đại dịch Ebola hoành hành trong 30 tháng lấy đi sinh mạng của 7.000 người, chỉ nhỉnh hơn số lượng người chết vì TNGT ở Việt Nam trong 9 tháng là 500 người.

Trung bình một ngày tại Việt Nam có hơn 25 người chết vì TNGT. Chỉ trong 9 tháng, hơn 6.500 gia đình vĩnh viễn mất đi người thân của mình. 15.000 gia đình khác phải vào bệnh viện để thất thần theo dõi, chăm sóc và nguyện cầu cho sự hồi sinh của người thân bị thương, đôi khi là thương tật suốt đời. Con số đó vẽ lên thực tế rằng: Khi lưu thông trên đường, bất kỳ ai, phương tiện nào cũng đều có thể gây ra tai nạn hoặc bất thần bị phương tiện khác đâm vào. Việc dắt xe đi làm vào mỗi sáng không đồng nghĩa với sự quay về an toàn mỗi chiều…

Tại Đà Nẵng, trong hơn 8 tháng đầu năm 2015, TNGT đã cướp đi sinh mạng của 80 người, nghĩa là bình quân cứ mỗi tháng ở thành phố này có gần 10 người chết khi ra đường. Số vụ tai nạn có giảm, nhưng số người chết so với cùng kỳ lại tăng tới 12,7% (9 người)! Điều đáng nói là hệ thống đường sá của thành phố thuộc vào loại tốt nhất nước, dân số không đông, lực lượng chức năng được huy động tối đa để giữ gìn an ninh, trật tự. Vậy tại sao số người chết lại cứ tăng? Vì sao người dân vẫn phải gánh con số đáng sợ, xót xa trên? Vì sao việc mở mang hệ thống đường sá, xây dựng những cây cầu hiện đại, nâng cấp quốc lộ không làm nỗi nhức nhối TNGT giảm xuống?

Có lẽ, bởi vì thủ phạm chính gây ra TNGT không phải là “dòng sông” xe chảy che kín cả mặt đường, không phải nằm ở “thiên mệnh” “trời kêu ai nấy dạ” mà là do con người.

Tham gia giao thông, người dân vẫn “chào nhau” bằng tiếng còi xe. Vẫn bất chấp mọi luật lệ, phép tắc, tự trọng để chen lấn, tranh giành từng khoảng trống, để ganh đua dù chỉ nửa vòng bánh xe. Vẫn “tranh thủ” nhắn tin, nghe điện thoại để “tiết kiệm” một vài phút trên đường… Với những hành động này, người Việt đã tự tước đi lòng tự trọng và trách nhiệm với chính mình trong việc tuân thủ luật an toàn giao thông. Tự tước đi quyền được yên tâm khi biết rằng, bản thân và những thành viên còn lại trong gia đình được an toàn tuyệt đối khi đi trên đường.

Sau nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, một người Mỹ đã băn khoăn và mãi không lý giải được vì sao sau khi mua xe máy, việc đầu tiên người Việt làm là mua cả bộ khung sắt nhỏ, to để bảo vệ hệ thống đèn xe, kiên nhẫn đợi người thợ dán giấy bóng để tránh trầy xước cho xe và chấp nhận đầu tư cả khung sắt bọc quanh sườn xe để sự va đập mạnh không ảnh hưởng lắm đến chiếc xe. Tuy nhiên, rất nhiều người Việt lại không sử dụng hoặc sử dụng mũ bảo hiểm dỏm để đối phó với lực lượng chức năng chứ không vì mục đích bảo vệ tính mạng - tài sản quý giá nhất của mình.

Có lẽ, ý thức từ tốn, tôn trọng nhau khi tham gia giao thông - điều không mất nhiều công sức và tiền bạc - mới giúp giảm con số thương vong do TNGT, mới hạn chế được nỗi đau dai dẳng do TNGT mang lại.  

Có lẽ không là quá lời nếu khẳng định, ý thức chấp hành luật lệ, cách ứng xử trong im lặng khi lưu thông trên đường là thước đo văn hóa của một cá nhân, một thành phố và rộng hơn là văn hiến của một dân tộc.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.