.

Giải thưởng Sách Hay 2015 phát hiện gì mới?

1. Giải thưởng Sách Hay do Viện Ired và Quỹ Phan Châu Trinh bảo trợ là giải thưởng đặc biệt. Lễ họp báo công bố vừa tổ chức tại phòng khánh tiết của khách sạn REX - TP. Hồ Chí Minh vào sáng 27-9, là lần thứ 5. Nó đặc biệt ở nhiều điểm, nhưng điểm đáng chú ý nhất chính là sự công tâm gần như tuyệt đối của nó. Từ công tâm đến phát hiện cái mới cách nhau không xa…

Giải thưởng Sách Hay khác với đa phần các giải lớn nhỏ khác, từ Trung ương đến địa phương, từ cấp to đến cấp nhỏ. Thời gian qua, tuyệt không có các vụ lùm xùm ngoài lề sau giải. Bởi ít có sự quen thân giữa thành viên xét giải và đối tượng có tác phẩm được xét giải, qua đó, không có chuyện chạy giải, mua giải như dư luận râm ran ở vài giải khác. Nhưng điều làm nên khác biệt lớn nhất ở đây là, ngay cả các thành viên trong các hạng mục cũng không “họp hành bàn bạc”. Mỗi thành viên làm việc độc lập. Hơn nữa, mỗi thang điểm (sơ khảo và chung khảo) của các thành viên đều được thông báo sau đó.
Cuối cùng, mãi đến giờ chót (trong ngày công bố), tác phẩm giành “Giải thưởng Sách Hay” năm đó mới được “bật mí”.

2. Ngay ở diễn văn khai mạc buổi lễ, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đã giải thích đầy khiêm tốn, rằng: “Cần xem Giải thưởng Sách Hay là một quá trình xét khách quan, vô vị lợi và công minh của Hội đồng xét giải nhằm giới thiệu sách hay đến với người đọc, chứ họ không phải đại diện cho một đơn vị, tập thể hay cá nhân nào đó định giá tác phẩm để phát giải”.

Khiêm tốn là vậy, nhưng mỗi năm độc giả đến với Giải thưởng Sách Hay ngày càng đông. Đông đến chật hội trường có sức chứa hơn hai trăm người. Người đọc thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi đến để tiếp nhận thông điệp mới. Bởi, như tinh thần của Giải thưởng Sách Hay là “mỗi cuốn sách là một thông điệp”. Vậy đâu là những thông điệp mới của năm nay?

3. Nếu hạng mục sách thiếu nhi, hai tác phẩm “cũ” là: Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi và Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Carlo Collodi qua bản dịch của AY nhận giải không gây bất ngờ, thì ở hạng mục sách Văn học, Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie do Nham Hoa dịch, và Miền hoang của Sương Nguyệt Minh được xướng tên, là một ngạc nhiên thú vị. Salman Rushdie là tác giả Những vần thơ của quỷ bị án vắng mặt quá nổi tiếng, thì miễn bàn; mà ở đây Những đứa con của nửa đêm “là tiếng nói của lục địa Ấn Độ” - lời nhà văn Nguyên Ngọc, nơi có thể mở ra một khả năng mới của tiểu thuyết hiện đại. Còn Miền hoang rất mới mẻ, tại sao? Văn học bổ khuyết cho thiếu khuyết của lịch sử, mà lịch sử nhiều cuộc chiến tranh vừa qua bị bỏ trống, nhưng không nhiều nhà văn Việt Nam bổ khuyết và chưa bổ khuyết nhiều vào sự trống vắng đó. Sương Nguyệt Minh dấn vào đề tài cuộc chiến biên giới Tây Nam Tổ quốc là một hành vi dũng cảm. Chẳng những thế, đề tài mới lạ còn được nhà văn thâm canh bằng thủ pháp khá hiện đại.

Ở hạng mục sách Kinh tế được chọn để vinh danh, có: Chủ nghĩa tự do truyền thống của Ludwig von Mises do Phạm Nguyên Trường dịch; còn ở hạng mục sách Quản trị, là Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins qua bản dịch của Trần Thị Ngân Tuyến. Tiếc, cả hai hạng mục này đều không có sách viết. Người ta đặt câu hỏi: Do tư duy kinh tế và quản trị của người Việt yếu chăng? Ở hạng mục sách Giáo dục, sách dịch được trao cho Ý niệm đại học của Karl Jaspers do Hà Vũ Trọng và Mai Sơn dịch; bên sách viết đoạt giải là cuốn Một trăm năm Đông Kinh Nghĩa thục của nhiều tác giả. Riêng tác phẩm này, Giản Tư Trung nhấn mạnh về hai thông điệp: Đông Kinh Nghĩa thục đã gióng lên tiếng trống khai trí cho toàn dân tộc, đồng thời chia sẻ tinh thần tự lực khai hóa cho mỗi cá nhân con người Việt Nam thời đó. Và hiện nay, tinh thần khai hóa kia vẫn còn mang tính thời sự.

Ở hạng mục sách Nghiên cứu năm nay, giải thưởng sách dịch thuộc về Luận về biếu tặng của Marcel Mauss qua bản dịch của Nguyễn Tùng; đặc biệt sách viết là công trình Việt Nam và Nhật Bản: Giao lưu văn hóa của cố GS. Vĩnh Sính được vinh danh, cuốn sách mà theo một bài báo cho biết, giá bán xôn chỉ bằng một nửa giá ly cà-phê cóc bán ở vỉa hè Sài Gòn: 5.000 đồng!

4. Theo GS Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản gần nhà mà xa ngõ. Hai dân tộc đồng văn và đồng chủng, nhất là cùng thuộc vùng “ngoại vi” của văn minh Trung Hoa, nhưng trong quan hệ với Trung Hoa, mỗi nước phản ứng mỗi khác. Nếu xét về chính trị, do núi liền núi sông liền sông nên Việt Nam luôn phải lo đối phó với Trung Quốc để giữ độc lập cho đất nước; trong khi về văn hóa, Việt Nam gần như hoàn toàn tôn sùng và quy phục họ, thì Nhật Bản ngược lại. Về mặt văn hóa, tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, người Nhật có hai phái rõ rệt. Một phái ngưỡng mộ và tiếp nhận có chọn lọc, phái kia chống đối và phê phán quyết liệt văn hóa Trung Hoa. Chính nhờ tinh thần phê phán này mà Nhật Bản sớm tiếp nhận văn minh Tây phương, chứ không phải bế quan tỏa cảng như Việt Nam (thời nhà Nguyễn). Họ dịch sớm và học sớm, ở đó tinh thần “độc lập dân tộc cần đặt nền tảng trên độc lập cá nhân” rất được tôn trọng.

Cuối cùng, hạng mục Phát hiện mới thuộc về 3 tác phẩm in 5 năm trở lại: Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính H’mông của Nguyễn Mạnh Tiến, Hồ sơ về Lục Châu học: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng Quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930 của Nguyễn Văn Trung và Nhật ký sen trắng của Cao Huy Thuần.

Buổi lễ bế mạc khi đã quá ngọ: 12 giờ 5; khách thính vẫn còn đầy khán phòng.

Người đọc Việt Nam không phải quay lưng hẳn với sách hay, với giải thưởng, khi họ biết: đó là một giải thưởng công tâm.

INRASARA

;
.
.
.
.
.