.

Đến Budapest, nhớ về Đà Nẵng

.

Người Đà Nẵng luôn tự hào với bạn bè cả nước cũng như quốc tế về tên gọi “Thành phố của những cây cầu”. Là người Đà Nẵng, tôi luôn thầm tự hào về điều đó và so sánh về những cây cầu khi đến bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Và, Budapest, thủ đô của Hungary, chính là Đà Nẵng của tôi giữa lòng châu Âu.

Tác giả ở cây cầu Xích nối liền hai thành phố Buda và Pest ở Hungary.
Tác giả ở cây cầu Xích nối liền hai thành phố Buda và Pest ở Hungary.

Là dòng sông dài thứ hai của châu Âu (dài 2.850km), chảy qua rất nhiều nước Trung và Đông Âu, sông Danube được rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc nổi tiếng lấy làm đề tài cho tác phẩm để đời của mình như bài Sông Danube xanh (The Blue Danube) của Johann Strauss. Trong những thành phố mà dòng sông này chảy qua, Budapest, đã được vinh dự đặt tên là “Viên ngọc của Danube” hay “Nữ hoàng sông Danube” bởi vẻ đẹp lãng mạn, cổ kính mà nó mang trên mình.

Đà Nẵng và Budapest có một điểm chung là có nhiều cây cầu bắc qua sông với các lối kiến trúc riêng biệt và lịch sử khác nhau. Những cây cầu ở Budapest có nhiệm vụ nối 2 thành phố Buda - bờ tây và Pest - bờ đông. Đối với tôi, cây cầu Xích (Chain Bridge) là cây cầu đẹp và ấn tượng nhất bởi hình ảnh 4 chú sư tử nằm canh gác oai nghiêm ở 4 phía đầu cầu. Từ Pest, băng qua cầu Xích, hình ảnh ngọn đồi Buda với lâu đài và quần thể di tích của Hoàng gia Hungary sẽ hiện ra ngay trước mắt. Khách du lịch có thể dùng thang máy hoặc đi bộ để leo lên đỉnh của ngọn đồi. Từ đấy, bức tranh toàn cảnh của Hungary sẽ khiến bạn phải trầm trồ bởi vẻ đẹp của 2 thành phố Buda và Pest cũng như sự duyên dáng của những cây cầu bắc qua dòng sông Danube.

Cây cầu Margaret là cây cầu thứ hai được xây dựng ở Budapest nối quảng trường Jászai Mari ở Buda và bờ Pest gần cạnh tòa nhà Quốc hội Hungary, cũng là tòa nhà Quốc hội lớn nhất châu Âu. Giữa cây cầu còn có một lối đi dẫn xuống hòn đảo nhỏ Margaret nằm ở giữa dòng sông Danube hiền hòa.

Hòn đảo này là nơi người dân và khách du lịch đến tản bộ cũng như tập thể thao trong một không gian xanh và thoáng mát. Ngoài hai cây cầu nổi tiếng kể trên, còn có nhiều cây cầu khác nối hai bên bờ thành phố như cầu Elizabeth (cầu trắng) và cầu Liberty (màu xanh lá cây đậm)… có nhiệm vụ bảo đảm cho việc giao thông qua lại của hai bờ thủ đô cũng như là những điểm nhấn cho tour du thuyền trên sông Danube của khách du lịch, đặc biệt là vào buổi tối.

Suối nước nóng và nụ cười thân thiện

Du khách từ khắp mọi nơi trên thế giới đến Đà Nẵng vì sức hút của một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh mà tạp chí Forbes đã từng bình chọn. Còn đối với Budapest, chính những hệ thống suối nước khoáng nóng chằng chịt bên trong lòng thành phố đã mang đến một nét đặc trưng hiếm có cho thành phố Đông Âu này.

Bất kỳ ai đến Budapest cũng không quên dành thời gian để ngâm mình trong làn nước khoáng nóng có tác dụng chữa rất nhiều bệnh. Király là nơi nhiều người chọn để giải tỏa được những mệt mỏi sau mấy ngày tham quan ở Budapest. Đây là một trong những bể tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng cổ nhất ở thủ đô từ năm 1565. Các bể nước nóng từ 32o đến 40o tùy vào nhu cầu của khách. Sau vài tiếng ở bể khoáng nóng Király, cơ thể bạn khỏe và sảng khoái lên rất nhiều.

Ngoài phong cảnh đẹp hút hồn, Budapest còn khiến du khách phải muốn dừng chân ở lại lâu dài để thưởng thức hết những món ăn đặc sản của Đông Âu với giá cả rất rẻ. Goulash và súp cá là hai món không thể thiếu trong danh sách các món phải ăn khi đến Hungary. Goulash là một món thịt bò nấu với rượu cùng các loại gia vị truyền thống hết sức đặc trưng của các nước Đông Âu. Gọi một phần goulash trong bánh mỳ và nhâm nhi một ly bia Hung, tận hưởng không khí ấm cúng trong một nhà hàng nhỏ là niềm vui của bất cứ du khách nào khi đến đây.

Hẳn mọi du khách đến Đà Nẵng đều ấn tượng với sự nhiệt tình, thân thiện của người dân. Ở Budapest cũng vậy, sự hồn hậu của những con người nơi đây thể hiện ngay từ nụ cười thân thiện khi mới lần đầu gặp. Tôi nhớ mãi lúc đang lơ ngơ tìm đường để đến nhà trọ ở Budapest, một chú trung niên người Hung dù chỉ biết nói tiếng Anh bập bẹ nhưng đã rất nhiệt tình chỉ dẫn trên bản đồ để giúp tôi. Hay hình ảnh các bác soát vé ở các bến tàu điện ngầm, luôn tươi cười mỗi lần tôi đi qua đã đọng lại trong tâm trí tôi mãi không thôi.

Trong những ngày lang thang khám phá Budapest, hơn một lần tôi nhớ nhung và ao ước rằng giá như bây giờ mình được trở về Đà Nẵng thân yêu. Và giờ đây, khi đang thong dong bằng xe máy trên cây cầu Trần Thị Lý, tôi lại bỗng dưng tự nhủ không biết đến bao giờ mình mới được quay lại ngắm nhìn những cây cầu hùng vĩ bắc ngang dòng sông Danube hiền hòa của xứ sở Hungary xinh đẹp.

TRẦN LÊ VI

;
.
.
.
.
.