.
Phương hay Thuốc quý

Bạc hà - giải cảm bậc nhất, giải uất càng hay!

.

Cùng với tựa đề bài này, người viết xin được nối thêm một vế thứ ba cho câu thành ngữ khá phổ biến trong giới Đông y, mong được quý đồng nghiệp ghi nhận: “Nam bất ngoại Trần bì, Nữ bất ly Hương phụ, Stress… khả thủ Bạc hà”.

Bạc hà - Mentha arvensis L.,  thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
Bạc hà - Mentha arvensis L.,  thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.

Theo Đông y, Bạc hà vị cay, the, tính mát; vào kinh phế, can, là vị thuốc đứng đầu trong  nhóm thuốc tân lương giải biểu (cay mát giải cảm). Bạc hà có công năng sơ phong, tán nhiệt, trừ uế, giải độc; chủ trị ngoại cảm phong nhiệt, đau đầu, đỏ mắt, sưng đau hầu họng, bụng trướng khí do thức ăn đình trệ, lở miệng, đau răng, ghẻ lở, ban chẩn.

Sách Bản thảo cương mục viết: “Bạc hà, vị cay, năng phát tán; tính mát, năng thanh lợi, chuyên dùng tiêu phong, tán nhiệt. Vì vậy nó là thuốc chủ yếu chữa đầu đau, đầu phong, các bệnh về mắt, hầu họng, răng miệng, trẻ nhỏ sốt cao co giật cũng như lao hạch, ghẻ lở”.

Sách Bản thảo tân biên lại viết: “Bạc hà không chỉ hay giải phong tà mà còn rất hay giải uất ức lo buồn. Dùng hương phụ giải uất không thể thần hiệu bằng dùng bạc hà giải uất. Bạc hà nhập các kinh can đởm, rất giỏi giải tà ở bán biểu bán lý, so với sài hồ tác dụng nhẹ nhàng mà hiệu quả rất rõ ràng”.
Các chứng uất phần lớn do stress (căng thẳng tâm lý, thần kinh) gây nên,  rất  phổ biến trong thời đại công nghiệp ngày nay, nhất là với chị em phụ nữ, biểu hiện thường gặp: nóng nảy buồn bực, hay tức cành hông, giận chồng chém chó, đầu đau mắt đỏ, kinh nguyệt thất thường, nóng lạnh không chừng, ngực căng, táo bón…

Bài thuốc điển hình để sơ can giải uất là bài Tiêu dao tán gồm: Sài hồ 40g, Đương quy 40g, Bạch thược 40g, Bạch truật 40g, Bạch linh 40g, Chích thảo 20g, Bạc hà 20g. Tất cả tán bột, mỗi lần dùng 8-12g uống với nước sắc gừng nướng. Cũng có thể dùng thuốc thang sắc uống.  

Theo sách Hòa tễ cục phương, bài này chủ trị chứng can uất huyết hư sinh ra mạn sườn đầy tức, đau đầu hoa mắt, mồm táo họng khô, mệt mỏi, chán ăn hoặc hàn nhiệt vãng lai, kinh nguyệt không đều, hai vú căng tức, lưỡi hồng nhạt, mạch hư huyền.

Dưới đây là một số bài thuốc khác có bạc hà:

1. Trị cảm cúm, đau đầu, sổ mũi: Bạc hà 5g, Hạt quan âm 10g, Cúc hoa vàng 10g, Kinh giới 7g, Kim ngân hoa 15g, sắc uống.

2. Trị phong nhiệt, hóa đàm, làm thanh sảng đầu mặt,  thông lợi yết hầu ngực bụng: Bạc hà tán bột luyện mật làm hoàn như hạt ngô đồng, mỗi lần ngậm 1 hoàn. Hoặc hòa bột thuốc với đường cát ngậm cũng được.

3. Trị phong nhiệt gây đau đầu, đau mắt: Bạc hà 5g, Cúc hoa dại 9g, Lá dâu 9g. Hãm nước sôi  uống (nếu sắc thuốc cho bạc hà vào sau cùng).

4. Trị đau răng do phong hỏa: Bạc hà 10g, Cúc hoa dại 10g, bạch chỉ 6g, Hoa tiêu 2g, Tổ ong 9g. Đổ 300ml nước sắc còn 200ml, đợi hơi nguội ngậm súc miệng 5-10 phút, mỗi giờ súc một lần.

5. Trị mắt toét (mí mắt viêm nứt tấy đỏ): Bạc hà tẩm nước cốt gừng để một đêm, phơi khô tán bột, mỗi lần dùng 4g hãm  nước sôi, chờ bớt nóng  rửa mắt.

6. Trị loa lịch kết khối (lao hạch), đau đớn, vỡ miệng, chảy mủ không dứt, bất kể mới cũ:  Bạc hà một bó như cái bát lớn (phơi râm), Tạo giáp (bồ kết) 10 quả loại dài 20cm không mọt, cạo bỏ vỏ đen, tẩm giấm nướng vàng. Cả hai bẻ vụn ngâm với 1.200ml để 3 ngày đêm, phơi khô lại tẩm rượu để 3 ngày đêm nữa, tẩm phơi cho đến khi hết rượu thì sấy khô, tán rây lấy bột mịn, quết với cơm làm hoàn bằng hạt ngô đồng. Trước bữa ăn dùng nước sắc Hoàng kỳ uống 20 hoàn, trẻ em giảm nửa liều.

7. Trị phong ngứa: Bạc hà, Thiền thoái (xác ve) lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 4g với rượu ấm.

8. Trị lỵ ra máu: Lá Bạc hà sắc nước uống.

9. Trị đổ máu cam không dứt: Vắt nước cốt bạc hà tươi nhỏ vào. Hoặc dùng loại khô hãm lấy nước tẩm bông nhét vào mũi.

10. Trị ong hay bọ cạp rắn rết cắn: Bạc hà (tươi) vò xát dán lên chỗ bị cắn.

11. Trị hỏa độc sinh mụt như bị cứu bỏng, khí hỏa độc nhập vào trong  làm cho 2 bắp chân lở loét chảy nước: Bạc hà 30g nấu lấy nước bôi nhiều lần.

12. Trị đau trong tai: Bạc hà tươi giã vắt nước nhỏ vào.

Lưu ý: Người thể tạng âm hư huyết táo, can dương thái quá, biểu hư ra nhiều mồ hôi kỵ dùng.

Một số tài liệu khác nói cấm kỵ cụ thể hơn: Người mới khỏi bệnh chớ dùng bạc hà, khiến hư thoát mồ hôi ra không cầm (Dược tính luận);  Bạc hà khích động chứng tiêu khát, nên bệnh đái đường không dùng (Thiên kim - Thực trị thiên);  Uống nhiều uống lâu, khiến người hư yếu sợ lạnh; những người âm hư phát nhiệt, ho khạc, tự ra mồ hôi không được dùng bạc hà (Bản kinh phùng nguyên); Bạc hà vị cay thơm phạt khí, uống nhiều tổn phế thương tâm, bệnh hư nhược nên tránh (Bản thảo tùng tân).

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.