.

Cà-phê... chạy

.

Càng về khuya, con đường dẫn lên hầm đường bộ Hải Vân càng vắng người qua lại. Cuộc sống về đêm của nhóm chị em làm nghề bán cà-phê “chạy” bắt đầu bận rộn.

Nhìn họ, bất chợt lại nhớ về hình ảnh những phụ nữ tay bưng giỏ đồ mỹ nghệ, vài ba con cá ngựa, mực khô, thuốc lá ngồi trên nóc những chuyến tàu ở ga tàu chợ Kim Liên, một thời đã lui vào ký ức…

Chị Thức sửa soạn vật dụng bắt đầu cho buổi tối mưu sinh.
Chị Thức sửa soạn vật dụng bắt đầu cho buổi tối mưu sinh.

Đêm trắng ở ngã ba đường tránh

12 giờ đêm. Trong vai người chờ đón mấy bao hàng từ xe phía Bắc gửi vào, chúng tôi dựng xe máy bên “khu vực làm ăn” của một nhóm phụ nữ. Sự xuất hiện của người lạ mặt bên cái vòng xoay ngã ba đường tránh Nam hầm Hải Vân vào giờ này khiến ánh mắt các chị không khỏi dò xét, nghi hoặc. Bởi trong góc khuất của nghề, người ta sợ ai đó có ý đồ cản trở miếng cơm, manh áo. Trước đây, đã có một số nhà báo cải trang để điều tra về nhóm người cò kéo khách đi xe đường dài rơi vào bẫy đỏ đen, ba lá.

Bây giờ thì tình trạng này không còn nữa. Hoạt động mua bán về đêm cũng bớt sôi động như thuở hầm Hải Vân mới đưa vào sử dụng. Cánh tài xế xe Bắc - Nam qua đây chỉ cần uống ly cà-phê đen, hút điếu thuốc cho tỉnh táo chứ ít khi muốn ăn bữa lỡ. Từ lâu, mấy bác bánh bao, bánh chưng, chả, bắp luộc chẳng còn thiết tha gì đi rao đêm trên cái đường tránh lạnh lẽo, heo hút này. Ngoảnh lại, chỉ còn lại gần chục người, đúng hơn là bảy chị em ở cái tuổi không trẻ cũng chẳng quá già bám trụ.

- Rót em hai ly cà-phê, một đen một sữa nha chị. Mấy tiền em gửi luôn?

- Ừ, chờ lấy hàng hả? Uống nhiều đường hay ít rứa em? Cho chị hai chục.

Người phụ nữ nhanh tay đưa cà-phê cho khách, đôi mắt luôn ngó trái, nhìn phải xem có xe nào đang tới hay không.

- Bán đêm ri cực ghê chị hè?

- Chấp nhận thôi chứ làm nghề chi được.

Mấy câu mở đầu như bị cắt đôi bởi tiếng xe dồn tới. Từ phía trạm thu phí trờ ra một “con” container mình dài ngoẵng biển số TP. Hồ Chí Minh, rồi thêm chiếc chở hàng đông lạnh biển số Đồng Nai, chiếc tải ben biển số Bình Thuận lần lượt dừng lại bên vệ đường. Ba chiếc xe máy của ba người đàn bà túa ra ba nơi như đã phân định vị trí từ trước. Không có sự ồn ã nào khác, ngoài tiếng hỏi - đáp của người bán và người mua. Với cánh tài xế lâu năm, hình ảnh những phụ nữ phi “xế nổ” chạy xé gió đã trở nên quen thuộc đến mức chưa cần hỏi uống gì đã mang tới tận tay. Đêm đêm những ly cà-phê pha sẵn đựng trong những chiếc ly nhựa giúp các bác tài qua cơn buồn ngủ, để tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc vào Nam.

Nửa đêm, thường là khoảng thời gian xe đường dài chạy nhiều nhất. Đường vắng, xe tải, xe khách được đà lao nhanh như gió. Như một thói quen bán hàng, những chiếc xe máy bóp còi ám hiệu cho xe tải, xe khách đá đèn, rồi ra tín hiệu tấp vào lề đường. Có thời điểm xe xếp một dãy dài san sát cả chục chiếc, nhưng chỉ 5-10 phút sau là tiếp tục khởi hành, không ách tắc, không lộn xộn.

Điều duy nhất chúng tôi nhìn thấy mối nguy hiểm chực chờ ập đến những người bán cà-phê bất cứ lúc nào, đó là khi xe khách chưa dừng hẳn các chị đã vội vàng lao tới. Trong khi đó, mặc những chiếc ô-tô khác phía sau không có nhu cầu dừng lại cứ vun vút lao đi. Dưới cái khoảng không nhập nhòe của bóng đèn cao áp hắt lại, nào ai chắc chắn mình đã quan sát cẩn thận? Tôi bỗng muốn tìm một cái tên để đặt cho loại hình cà-phê các chị đang mưu sinh: Cà- phê chạy?

Cà-phê rượt hay cà-phê đuổi?... Và tôi tạm dừng lại ở tên gọi cà-phê… chạy.

2 giờ sáng. Tôi vờ sốt ruột vì chuyến xe chậm trễ không lấy được hàng phải ráng ngồi lại bên cái vòng xoay lỉnh kỉnh những vật dụng của các chị bán cà-phê đêm. Tiếng xe máy rồ ga phóng đi để lại những làn khói khét lẹt. Kể cũng lạ, suốt cả đêm vào ra liên tục vậy nhưng chẳng thấy sự tranh giành nào giữa những người bán. Có lẽ  nào trong cái sự bôn ba của cuộc sống, việc cạnh tranh từng đồng bạc lẻ luôn có mối thỏa thuận ngầm, một sự mặc định trong “trật tự thế giới” của những người buôn thúng bán bưng đầy bất trắc và rủi ro này.

Từ 3 đến 4 giờ sáng, trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ hầm đường bộ Hải Vân tạm thời đóng cửa để làm vệ sinh, lúc này cánh tài xế dừng chân lâu hơn. Nhóm phụ nữ cũng ngược xuôi vừa bán vừa lân la làm quen với nhà xe để có thêm bạn hàng. Việc bán thêm một ly cà-phê, một lon bò húc, một chai nước suối thôi cũng góp phần tạo nên bữa cơm đủ đầy của các chị. Với những người không quen thức đêm cho dù có dốc cạn ly cà-phê cũng không thể nào chống lại cơn buồn ngủ. Còn các chị, giấc ngủ đêm chốc lát khi mệt mỏi là nằm dài trên chiếc xe máy như những cánh xe ôm nam chuyên nghiệp.

Bình minh bắt đầu hừng ở đằng đông. Khi những chuyến xe đêm đã vãn, cũng chính là lúc các chị em thu dọn đồ dùng buôn bán, trở về nhà ngả lưng sau một đêm dài khó nhọc.

Sẵn sàng chờ xe đến, các chị lao ra mang cà-phê tới tận đầu xe tải.
Sẵn sàng chờ xe đến, các chị lao ra mang cà-phê tới tận đầu xe tải.

Nỗi lo phía tương lai

Ngày mưa bão, ngã ba đường tránh trở nên vắng vẻ. Số người “đứng chốt” vẫy bán cà-phê cũng trồi sụt. Hai ngày sau cơn bão số 3 vừa qua, tôi tìm về nhà một số chị theo chỉ dẫn từ anh cảnh sát khu vực.

Xóm Kim Liên đông đúc nhà cửa hơn trước, nhưng nét quê vẫn còn hiện trên mỗi bóng nhà nằm nép mình dưới chân núi Hải Vân. Trong căn nhà chị Trang,  vật dụng trong nhà lớn nhỏ như chiếc xe máy, cái ti-vi, nồi cơm điện, đều được mua trả góp mỗi tuần hoặc mỗi tháng từ nghề cà-phê “chạy”.

Chị trải lòng: “Hồi đầu buôn bán cũng có giành giựt ghê lắm. Nhưng riết rồi để tồn tại cùng làm ăn thì phải biết điều với nhau. Ban đêm mọi người bắt phiên chạy. Ai đứng trước khi có xe tới thì chạy trước, không được tranh giành khách. Nghề ni chạy theo xe cực rứa đó, ai cũng biết nguy hiểm nhưng đành chấp nhận. Nhà năm miệng ăn, không làm thì đổ nợ luôn à…”.

Cách đó không xa, căn nhà của chị Lê Thị Thức (người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhóm) được ví vui là “túp lều lý tưởng” còn đọng những đám nước mưa. Chị không muốn thổ lộ nhiều, nhưng ánh mắt chực đỏ hoe. Sống dưới chân đèo Hải Vân từ khi còn nhỏ, chị đã trải qua biết bao nghề lao động chân tay nhưng ước mơ cuộc sống tạm đủ đầy vẫn chưa tới. Các con tuổi ăn tuổi lớn, chị đã là bà ngoại nhưng mấy thế hệ chưa ai ổn định việc làm.

Vài năm nay, người chồng của chị đổ bệnh, phải lên xuống bệnh viện thường xuyên. Người đàn ông vốn là trụ cột lao động trong gia đình giờ đây đành phải chuyển đôi gánh nặng qua đôi vai người đàn bà 51 tuổi. Chị trò chuyện mà canh cánh nỗi lo khi nhắc đến món nợ vay ngân hàng chính sách 3 triệu đồng đến nay đã quá hạn với số tiền ngấp nghé lên tới 8 triệu đồng vẫn chưa có khả năng trả nổi. Chị bám lấy cái nghề “ngủ ngày cày đêm” với mong mỏi làm sao có thể trả hết số nợ nần.

Cái khó, cái khổ đã đẩy không ít chị em đi đến chuyện phải vay nóng và trong số đó có người đã từng lâm vào cảnh đổ nợ phải tạm lánh đi làm ăn xa. Chị N. (xin được giấu tên) có chồng nhưng không may mắn như người ta có chỗ dựa về vật chất và tình cảm do bị chồng đánh đập, bỏ bê con cái. Chị ráng làm lụng lấy tiền để lo nuôi hai đứa con khôn lớn. Buôn bán lẹt xẹt thì chỉ đủ trả tiền hàng, chưa kể lâu lâu gặp một trận đau sạch túi. Với những người đàn bà đơn thân, nghỉ làm ngày nào là không có tiền chi tiêu ngày đó. Cũng không lấy làm lạ khi những đêm trời mưa tầm tã, nhiều chị em vẫn lặng lẽ nhặt nhạnh từng đồng tiền lẻ từ những ly cà-phê đêm muộn. Thức suốt đêm, hít khói xe, dầm sương, dãi gió, đâu ai muốn đánh đổi tính mạng bằng giá trị của những ly cà-phê.

Chợt nhớ đến lời đứa con gái của chị Trang: “Ước chi mẹ con quay trở về với nghề cũ, cực nhưng không quá nguy hiểm” (chị từng bán rau củ ở chợ tạm công nhân đã giải tỏa). Hay là lời tâm sự của đứa con trai chị Thức năm nay 19 tuổi đã nghỉ học nhưng không tìm được việc làm. Hồ sơ của em gửi đi khắp các công ty trong khu công nghiệp nhưng chưa được nhận. Trong lời thốt ra khiêm tốn, em chỉ mong mình sớm có việc làm để mẹ bớt cực. “Nhiều bữa trời mưa, mẹ khó nhọc chở thùng đá kẹp chiếc giỏ phía trước, phía sau xe, em chỉ muốn khóc. Mẹ em lớn tuổi rồi không ai muốn mẹ đêm khuya cực nhọc như vậy”.

Còn nhớ, một thời, công tác tuyên truyền vận động và cả biện pháp quyết liệt của chính quyền địa phương đã buộc một bộ phận người dân làm nghề chặt củi, nhảy tàu phải chuyển nghề. Hình ảnh những phụ nữ tay bưng giỏ đồ mỹ nghệ, vài ba con cá ngựa, mực khô, thuốc lá ngồi trên nóc những chuyến tàu hàng chợ ở ga Kim Liên tưởng đã lui vào ký ức; giờ đây cũng vẫn là chị Trang, chị Thức, chị Huệ, chị Nhung… với một cách mưu sinh khác. Bán mỗi đêm vài chục ly cà-phê, công việc không phải ổn nhưng cũng tạm để giữ cuộc sống không rơi vào khốn khó. Kiếm được một công việc ổn định thật khó, bởi ai nấy đều đã quá cái tuổi trở thành công nhân trong các khu công nghiệp.

“Đa số những chị em bán hàng trên đường tránh trình độ thấp, không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bấp bênh. Nhà thì trong kiệt, hẻm, heo hút, phải buôn bán đủ chỗ đủ nghề kiếm sống. Chúng tôi cũng vận động các doanh nghiệp tại địa phương tạo điều kiện về công ăn việc làm cho số lao động thất nghiệp hay con cái của họ, nhưng doanh nghiệp cũng có cái khó”, ông Bùi Tấn Trung, Phó trưởng Công an phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho biết.

Khi nghe ai đó phong thanh về việc mai này xe cộ sẽ chuyển sang đường Hồ Chí Minh, các chị lại đầy lo lắng. Liệu còn cơ hội để bám trụ ở cái ngã ba đường tránh mỗi đêm? Liệu với tình trạng xe cộ đầy nguy hiểm và bất trắc, cơ quan chức năng có cho mình bán nữa? Liệu ông trời có cho mình sức khỏe?...

“Hồi đầu buôn bán cũng có giành giựt ghê lắm. Nhưng riết rồi để tồn tại cùng làm ăn thì phải biết điều với nhau. Ban đêm mọi người bắt phiên chạy. Ai đứng trước khi có xe tới thì chạy trước, không được tranh giành khách…”.

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.