.

Xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hai năm 1945-1946

.

Nói đến Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nói đến Nhà nước dân chủ mới đầu tiên được thành lập ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám.

Điểm khác biệt cơ bản của Nhà nước này so với thể chế quân chủ từng tồn tại trong lịch sử hàng ngàn năm trước đấy là sự hình thành Quốc hội khóa I. Người Quảng đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, vậy đã đóng góp như thế nào vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian hai năm 1945-1946, và nhất là trong việc xây dựng chính quyền cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập?

Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến (tại ATK năm 1948). Ảnh: Internet
Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến (tại ATK năm 1948). Ảnh: Internet

Trong Chính phủ lâm thời và Chính phủ Liên hiệp lâm thời có một người Quảng là ông Lê Văn Hiến - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng ngay sau khi Đà Nẵng giành được chính quyền. Tại Quốc dân Đại hội - được xem là tiền thân của Quốc hội khóa I - họp ở Tân Trào chiều ngày 16 tháng 8 (có một người Quảng nữa là ông Phan Thêm - tức Cao Hồng Lãnh tham dự), ông Lê Văn Hiến được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam theo giới thiệu của ông Nguyễn Chí Thanh - đại diện Trung Kỳ.

Khi thành lập Chính phủ lâm thời trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng, ông Lê Văn Hiến được Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội để đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Lao động (trong Chính phủ lâm thời chỉ có hai vị đại diện cho Việt Minh là Hồ Chí Minh và Lê Văn Hiến) và tiếp tục đảm đương nhiệm vụ này trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời trước khi chuyển sang nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, trong không khí trang trọng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo thành lập Chính phủ chính thức đầu tiên. Khi giới thiệu Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc”. Có thể nói ông Lê Văn Hiến là người Quảng đầu tiên tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là một trong số bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp năm 1946.

Ngày mồng 3 tháng 9 năm 1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội - cách gọi tắt của Quốc dân Đại hội. Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I diễn ra vào ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946.

Tỉnh Quảng Nam đã bầu đủ 15 đại biểu tỉnh mình vào cơ quan quyền lực tối cao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, danh sách xếp theo alphabet như sau: Phạm Bằng, Phan Bôi, Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Phan Thao, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Trần Viện, Lê Thị Xuyến và Đinh Tựu. Thành phố Đà Nẵng cũng đã bầu được một đại biểu duy nhất là ông Lê Dung, quê Quảng Bình - người thay ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra còn có hai người Quảng là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng ứng cử và đắc cử tại các đơn vị tuyển cử ở tỉnh khác là ông Hà Văn Tính (tỉnh Quảng Ngãi) và ông Trần Lê (lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định). Đó là chưa kể những người Quảng là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng như hai anh em ông Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) và ông Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo) được mời tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa I không qua tổng tuyển cử.

Có một người Quảng không phải là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng được mời tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày: “Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước - thời gian này ông còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt). Ngược lại có một người Quảng là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng do chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc nên không tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, chỉ trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng: Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch Hoàng Hữu Nam - tức là ông Phan Bôi.

Lúc về thăm quê hương vào cuối năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam: “Tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng chỉ bàn đường lối chung, công tác lớn, còn mọi việc đều do anh Hoàng Hữu Nam đảm trách giải quyết. Thanh niên bây giờ giỏi lắm, đó là lực lượng đáng tin cậy của Nhà nước cách mạng”. Chỉ tiếc rằng cả hai ông đều mất trên đường đi công tác vào tháng 4 năm 1947: ông Huỳnh Thúc Kháng lâm bệnh nặng và qua đời ngày 21 tháng 4 năm 1947 tại Quảng Ngãi, còn ông Hoàng Hữu Nam không may chết đuối trên sông Lô ngày 24 tháng 4 năm 1947. Trong Nhật ký của một bộ trưởng, ông Lê Văn Hiến từng kể lại cảm xúc tiếc thương của Hồ Chủ tịch khi cùng lúc mất đi hai người cộng sự thân thiết và đắc lực.   

Trong phiên chất vấn sáng ngày 31 tháng 10 năm 1946, ngày thứ tư của kỳ họp lần thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có hai người Quảng đăng đàn: một là đại biểu Lê Văn Hiến - với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính - đã trả lời các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về ngân sách, thuế khóa, lương công chức…; hai là đại biểu Trần Đình Tri tỏ ý lo lắng trước tin đồn đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Nguyễn Hải Thần tự phong chức Tổng Tư lệnh Hải, Lục, Không quân, lập Chính phủ ở hải ngoại; đồng thời đã phát huy khí chất “hay cãi” của người Quảng để đề nghị trong tình thế nước nhà chuyển sang giai đoạn mới, cần phải có một Chính phủ mạnh mẽ đủ uy tín để đối nội cũng như đối ngoại, Chính phủ đó phải là một chính phủ liêm khiết… Đích thân Hồ Chủ tịch đã trả lời hai nội dung do đại biểu Trần Đình Tri nêu trước Quốc hội.

Sau Tổng tuyển cử, không kể ông Lê Văn Hiến và ông Phan Bôi đã được điều động ra công tác tại Hà Nội từ trước, còn có một đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng được chuyển về công tác chuyên trách ở Quốc hội là bà Lê Thị Xuyến - một trong mười đại biểu nữ và là đại biểu nữ duy nhất được bầu làm ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội ngay tại kỳ họp đầu tiên ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, được phân công phụ trách Ủy ban Văn hóa-Xã hội của Quốc hội và đảm đương nhiệm vụ này cho đến khi giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Như vậy sau Tổng tuyển cử đầu tháng 1 năm 1946, số đông đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng vẫn làm nhiệm vụ đại biểu ở ngay đơn vị bầu cử của mình, góp phần xây dựng chính quyền địa phương vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Nhĩ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thự được cử làm Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Huệ được Hội nghị Đại biểu công nhân toàn quốc họp ở Hà Nội vào tháng 5 năm 1946 cử giữ chức Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới nhưng vẫn tiếp tục công tác ở quê nhà; đại biểu Quốc hội Phan Thao làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền, ủy viên Thư ký Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội Phạm Bằng vẫn tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện Tiên Phước nhưng do sức khỏe suy yếu nên đã từ trần trong năm 1946…

Quá trình xây dựng chính quyền địa phương vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 ở đất Quảng không chỉ có công đóng góp của các đại biểu Quốc hội khóa I và các cán bộ chính trị là người Quảng xa quê, mà còn có công đóng góp của các cán bộ chính trị là người Quảng đang công tác ở Quảng Nam và Đà Nẵng như Võ Chí Công, Chế Viết Tấn, Nguyễn Ngọc Chấn… cũng như của đông đảo nhân dân vừa đổi đời sau Cách mạng Tháng Tám, chẳng hạn như vai trò quan trọng của họ qua các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân và trong ủy ban hành chính các cấp.

Bảy mươi năm đã trôi qua, nhiều nhân chứng quan trọng trong giai đoạn lịch sử này - chẳng hạn như các đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng thuộc các đơn vị tuyển cử có liên quan như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và những người cùng thời như các ông Nguyễn Sơn Trà, Đoàn Bá Từ... đã lần lượt về với cõi vô cùng. Ngày nay giới sử học đất Quảng đành phải dựa vào tư liệu thành văn còn lưu trữ để giải đáp những điều chúng ta chưa biết về đóng góp của cha anh đối với lịch sử nước nhà và quê nhà bảy mươi năm trước.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.