.

Từ bỏ đam mê

Ted Bell là một chuyên gia sáng tạo hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quảng cáo. Ông là tác giả của hàng loạt thước phim, lời bình quảng bá cho các thương hiệu nổi tiếng Nikon, Sony, Ford…

Để theo được đam mê của mình, Ted Bell thản nhiên từ chối vị trí kế thừa chức vụ quản lý cấp cao trong ngân hàng, vốn là lĩnh vực truyền thống của gia đình ông. Bởi vì đam mê, Ted Bell đã chọn một lối đi khá “điên rồ”, và cũng bởi đam mê, Ted Bell trở thành tên tuổi thành công trong lĩnh vực quảng cáo trên toàn thế giới. Ông đúc kết sự thành công của mình bằng câu nói: “Hãy luôn là người nồng nhiệt nhất. Vâng, nồng nhiệt nhất chứ không phải khôn ngoan, lanh lợi nhất. Nếu bạn là người có niềm đam mê công việc lớn nhất và có lòng quan tâm đến mọi người nhiều nhất, nhất định bạn sẽ thành công”.

Câu nói của Ted Bell không hẳn là chân lý, nhưng nó đúng với số đông. Những người thành công nhất định trong nghề nghiệp phần nhiều đều xuất phát từ niềm đam mê thực sự với công việc họ đang làm. Không phải hễ việc càng danh giá mới càng nhiều thách thức.

Ở bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào, sự gian khổ cũng tồn tại như một lẽ không thể thiếu. Làm một người trông trẻ, một nhân viên chăm sóc bệnh nhân tâm thần, một nghệ sĩ, một bác sĩ, nhà báo, hay người chuyên khám phá hang động… cũng đều đối mặt với đầy những gian nan, vất vả, nhưng “thích rồi thì khó mấy cũng dễ vượt qua”.

Nghĩ về đam mê nghề nghiệp, chợt thấy hoang mang về một “lứa” người trẻ sẽ bước vào công việc tương lai hoàn toàn không hẳn vì yêu hay thích.

Những ngày vừa qua, từ Nam chí Bắc nóng hổi từng giờ, từng phút cảnh tượng rút-nộp hồ sơ tuyển sinh đại học. Giờ thì có thể nói chắc rằng, hầu hết học sinh lứa 97 (sinh năm 1997) cân não chọn trường-đồng nghĩa với chọn nghề nghiệp tương lai vì điểm số, vì muốn tìm một vé đỗ đại học chứ không vì ước mơ và đam mê. Nhưng nếu vẫn còn những em khư khư theo cho được đam mê, mặc kệ cuộc đua điểm số thì đúng là hơi… xa rời thực tế! Bởi nguyện vọng nảy sinh sau khi biết điểm thi tốt nghiệp nên giờ thì mọi thứ cứ theo điểm mà chạy.

Đạt 27,5 điểm ba môn toán, hóa, sinh, tương ứng mỗi môn trên 9 điểm, vậy mà khi điểm chuẩn cứ nhích lên 27,75 rồi 28 thì cô học sinh trường chuyên cũng phải “dẹp” đam mê vào cho được ngành y đa khoa-Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Đạt 22 điểm khối D (toán, văn, ngoại ngữ), vẫn “tháo chạy” khỏi ngành báo chí, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh…

Vì điểm chuẩn liên tục cao, cao lên từng ngày do không giới hạn số thí sinh nộp hồ sơ. Thế là những em này dù điểm khá cao vẫn thua trong cuộc đua điểm số. Mẹ của thí sinh có số điểm 27,5 nói như mếu: “Con mình đạt điểm vậy là quá nỗ lực, nhưng có những thí sinh chỉ 25 được 3 điểm cộng thành 28 thì “địch” sao được. Trong khi đó, ở ngưỡng điểm cao, cứ mỗi điểm chênh lệch là thể hiện một đẳng cấp khác biệt”.

Năng lực không đủ, cụ thể ở đây là điểm số không đủ tiêu chuẩn thì có đam mê cũng đành chịu là chuyện bình thường. Đằng này, điểm số khá tốt, đam mê có thừa, mà vẫn phải từ bỏ nghề nghiệp yêu thích của mình, có lẽ là điều tiếc nuối nhất. Cô bé đạt 27,5 điểm trên đành chọn một chuyên ngành khác trong nước mắt. Cô bé mong trở thành nhà báo giờ cũng an phận gác lại ước mơ. Trong khi đó, chắc rằng có nhiều học sinh khác chưa hẳn thích làm báo hoặc mê làm bác sĩ đa khoa, nhưng vì điểm của mình cao thì cứ vào trường “tốp trên” cho oách!

Học vì đủ điểm, còn có đam mê với trường, ngành, nghề nghiệp hay không, không cần quá bận tâm. Nghĩa là có một lứa người trẻ sẽ đến với nghề không bằng “sự nồng nhiệt nhất”. Trong khi đó, thành công, hạnh phúc, ý nghĩa trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ là được làm công việc mình thấy yêu thích và muốn đeo đuổi nhất...

BẢO KHANG

;
.
.
.
.
.