.

Nỗi niềm cảm cựu mênh mang

.

Không phải ngẫu nhiên mà những câu thơ hoài cổ xưa nay trên thi đàn lại tạo nên sự đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc.

Người có học vấn phổ thông ai mà không nhớ bốn câu cuối nao lòng trong bài Ông đồ của Vũ Đình Liên: Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ, hai câu thực đầy ám ảnh trong bài Thăng Long thành hoài cổ của Bà huyện Thanh Quan: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, bốn câu lục bát về đô thị hóa theo kiểu lấp sông nóng hổi tính thời sự trong bài Sông Lấp của Tú Xương: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò, mấy câu thơ khóc vợ của chủ thể trữ tình trong bài Khóc Bằng phi - chưa rõ tác giả thật sự là ai: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi, hoặc trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan: Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh… Người có học vấn rộng hơn chút nữa còn biết về nỗi nhớ con hoàng hạc/thời hoàng kim trong thơ Thôi Hiệu: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản - Hạc vàng một đi không trở lại, về nỗi nhớ cố nhân trong thơ Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu xuân phong - Mặt người giờ ở nơi nao/ Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông...  

Dường như càng lớn tuổi, càng sống lâu/sống sâu với cuộc đời, con người càng thấm thía nỗi niềm cảm cựu mênh mang, càng muốn nhìn lại quá khứ thoắt ẩn thoắt hiện trên tấm gương chiếu hậu của chiếc xe trần thế. Có nỗi niềm cảm cựu rất riêng của từng cá nhân, cũng có nỗi niềm cảm cựu chung của cả một cộng đồng.

Có nỗi niềm cảm cựu được gợi lên từ những gì con người thấy lại/gặp lại trong đời thật: một con sông quê, một ngôi nhà cổ, một mái trường xưa, một người bạn cũ… Cũng có nỗi niềm cảm cựu được khơi dậy từ những gì con người chỉ có thể hình dung trong ký ức/hoài niệm bởi đã vĩnh viễn không còn trong cõi nhân gian - mà thường với nỗi niềm cảm cựu như thế này, nhất là những hoài niệm/ký ức về người đã khuất, mênh mang mới thật sự mênh mang.

Nhà văn Nga Ilya Ehrenburg có một truyện cực ngắn rất hay cực tả sự bất tử của những người ngã xuống vì đất nước: Chúng tôi đến thăm vợ một đồng đội mới hy sinh. Chúng tôi đồng thanh: - Chị ơi, anh ấy vẫn đang sống… (nghe vậy người vợ liệt sĩ rất ngỡ ngàng, nhưng rồi chợt hiểu khi nghe đồng đội của chồng nói tiếp… - BVT chú thích) - Trong trái tim chúng tôi! Đằng sau và ngay giữa dấu ba chấm ấy là nỗi niềm cảm cựu thật sự mênh mang của người vợ liệt sĩ cũng như của các người lính Hồng quân vừa trở về từ chiến trường lửa đạn.

Thời buổi này không còn mấy ai viết thư tay, cho nên những người hoài cổ quý vô cùng khi lưu giữ được một/một vài bức thư viết tay của người thân đã qua đời, và lâu lâu - thường vào ngày giỗ - lại mang ra đọc trong nước mắt và trong nỗi niềm cảm cựu mênh mang. Chưa kể tình cảm, nghĩ suy thậm chí kỳ vọng mà người quá cố bộc bạch giãi bày trong thư, chỉ riêng bút tích và chữ ký của họ cũng đủ sức khơi gợi bao nỗi nhớ thương đối với người đang sống.

Nên chăng, trong các ngày giỗ, nếu gia đình nào còn giữ được thư viết tay của người đã khuất, có thể dùng kỹ thuật để phóng đại trên màn hình kèm theo lời đọc nội dung thư - kiểu video clip, như một cách để nhắc nhở con cháu về hình ảnh người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ. Tất nhiên không chỉ thư viết tay mà các di vật khác của người quá cố cũng đều có tác dụng tương tự trong việc tạo nên nỗi niềm cảm cựu không chỉ của từng cá nhân/từng gia đình mà còn của những cộng đồng lớn hơn - nếu người quá cố là danh nhân lịch sử/nhân vật nổi tiếng/người của công chúng... Kỷ niệm ngày Bác Hồ từ trần, cán bộ, đảng viên và nhân dân hẳn rất xúc động nếu được xem lại đoạn phim tài liệu về cảnh đồng chí Lê Duẩn đang đọc Điếu văn, càng xúc động hơn nếu được xem lại đoạn phim tài liệu về cảnh Bác đang đọc Tuyên ngôn Độc lập…

Người Đà Nẵng hoài cổ rất đồng tình với việc lãnh đạo thành phố quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi - để biến cây cầu dã chiến có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước và từng được đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng; cũng rất đồng tình với việc lãnh đạo thành phố quyết định giữ lại nguyên vẹn tất cả thương tích của con tàu ĐNa 90152TS của ngư dân Đà Nẵng bị Trung Quốc đâm chìm hồi tháng 5 năm 2014 để làm bằng chứng lịch sử nhằm đấu tranh chống lại “chính trị cường quyền”, nhằm giúp cho người Đà Nẵng lưu giữ một ký ức về một hiểm họa trên biển cả, không chỉ là thiên tai mà còn là sự ngang ngược bất chấp đạo lý và pháp lý của một thứ “tàu quen” chứ không phải là “tàu lạ” như lâu nay ta vẫn gọi.

Người Đà Nẵng hoài cổ cũng mong muốn lãnh đạo thành phố quyết định giữ lại nguyên vẹn cái uy nghi đầy quyền lực của một cơ quan hành chính công quyền là Tòa Thị chính Tourane và nhiều năm nay là trụ sở UBND thành phố, chẳng hạn chuyển di tích văn hóa - lịch sử này thành một bảo tàng về hành chính-công vụ độc đáo của Đà Nẵng.

Nỗi niềm cảm cựu là một phẩm chất văn hóa của con người. Đương nhiên chiếc xe trần thế không ngừng đi tới, nếu cứ chăm chăm nhìn vào gương chiếu hậu mà lơ đễnh không nhìn về phía trước mặt, cũng rất dễ gặp bất trắc trên đường. Thế nhưng nhiều khi nguy cơ lại đến từ phía sau lưng, đòi hỏi con người phải biết nhìn cả hai phía.

Quá khứ không hoàn toàn là dĩ vãng, trên tiến trình đi tới tương lai, con người phải biết ứng xử đúng mực với quá khứ và nhất là không nên thô bạo phũ phàng với quá khứ. Còn nhớ câu nói nổi tiếng của nhà thơ Rasul Gamzatovich Gamzatov: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác”. Đương nhiên cũng không nên quên Jean Jaurès từng nói rất hay về mối quan hệ giữa quá khứ và tương lai: “Trung thành với quá khứ nghĩa là phải đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó”.

Điều đó có nghĩa là chỉ nên cảm cựu chứ không nên thủ cựu. Người có nỗi niềm cảm cựu là người sẵn sàng khoan dung chấp nhận cái mới - thậm chí cái khác mình - và hơn thế nữa, là người biết sáng tạo nên cái mới; còn người có đầu óc thủ cựu thì luôn bài xích cái mới, thậm chí dị ứng với cái mới, luôn khư khư giữ cho bằng được những gì quen thuộc, kể cả những gì quen thuộc song đã lỗi thời.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.