.
Mỗi tuần một địa chỉ

Ghi điểm với không gian xưa

.

Những tưởng, với không gian cũ mèm, thấp thoáng nét rêu phong của kiến trúc nhà Việt những năm giữa thế kỷ XX, quán cà-phê Cộng (96 – 98 Bạch Đằng) chỉ phù hợp với người lớn tuổi, muốn tìm về nét xưa hoài cổ, nhất là kỷ niệm một thời bao cấp.

Không gian xưa cũ ở Cộng.
Không gian xưa cũ ở Cộng.

Nhưng đến đây rồi mới biết, 90% lượng khách là giới trẻ. Họ thong thả ngồi tán gẫu, uống cà-phê, nhìn ngắm những dấu ấn của thời gian, khơi gợi ký ức những ngày bình yên trong vòng tay gia đình.

Trần Thị Mai Nhung, quê Quảng Ngãi, đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng chia sẻ, Cộng là một trong những quán cà-phê cô thường xuyên lui tới mỗi dịp cuối tuần. Chỉ khi xa quê, cô mới thấy những ngày cuối tuần không đủ thời gian về với ba mẹ là nỗi buồn, niềm day dứt khôn nguôi.

Ngôi nhà của ba mẹ cô ở quê, cũng bình yên với bàn ghế gỗ, với bức tường vôi sơn màu vàng nhạt, nằm nép mình dưới hàng dừa xanh, mát dịu hương đồng. Mẹ cô, một bà mẹ quê khéo tay sáng chạy chợ, chiều tranh thủ nhận sửa sang quần áo cũ. Có lẽ vì thế, mà khi đến Cộng, nhìn bàn máy may nằm yên ắng, lòng cô lại rưng rức nhớ.

Với ông Nguyễn Văn Đạt, nhà ở đường Nguyễn Hoàng thì khác. Ấn tượng của ông trong một lần cùng người bạn cao niên đến quán lại chính là bảng thực đơn được viết bằng tay nghệch ngoạc, không thẳng thớm. Ai nghĩ, giữa thời đại công nghệ đánh máy này, lại có một quán cà-phê sử dụng giấy mực để viết bảng thực đơn. Chính nét chữ không mấy chỉn chu ấy khiến ông thấy ngồ ngộ, thấy nhớ về những lớp học bình dân học vụ ngày xưa mình tham gia, thấy nhớ Đà Nẵng những ngày đầu giải phóng, nhịp sống đô thị xen lẫn đồng quê gốc rạ, mộc mạc thân tình.

Không gian trưng bày ở Cộng đưa mọi người về với miền ký ức. Sự gỉ sét, ăn mòn của kim loại mới ngày nào tưởng là đồ bỏ đi, nhưng khi được bày biện một cách có ý thức, lại trở thành kỷ vật vô giá của thời gian.

Không chỉ ghi điểm với đèn bão, đồng hồ báo thức, quạt điện cũ, máy cát-sét, ở Cộng còn là những bức tường cũ kỹ, những cánh cửa gỗ theo kiến trúc gần gũi, quen thuộc dưới mỗi nếp nhà Việt trước đây. Có lẽ vì gần gũi, nên người ta sẵn sàng bỏ vài chục ngàn để vào đó thưởng thức một ly cà-phê.

Hiện nay, cũng như Cộng, có khá nhiều quán cà-phê, quán cơm tại Đà Nẵng kinh doanh hiệu quả, "ghi điểm" bằng cách khơi gợi những câu chuyện ký ức trong lòng mỗi con người.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.