.

El Nino và kinh tế thế giới

.

Hiện tượng thời tiết El Nino không phải gây thiệt hại hoàn toàn cho kinh tế thế giới mà thực tế chỉ cho một số nền kinh tế, và vẫn đem lại lợi ích cho nhiều nền kinh tế khác.

Ngôi nhà của người đàn bà này bị phá hủy ở Peru vì lũ bùn hồi năm 1998.
Ngôi nhà của người đàn bà này bị phá hủy ở Peru vì lũ bùn hồi năm 1998.

Người dân California, Mỹ đang mong chờ ngày kết thúc của đợt hạn hán lịch sử hiện nay. Chính phủ Peru vô cùng vất vả với tình trạng lũ lụt trầm trọng. Ở cả California và Peru đều có khả năng xảy ra tình trạng giá cà-phê, sô-cô-la và đường tăng cao.

Cứ vài năm, những cơn gió lại thay đổi và nước ở Thái Bình Dương ấm hơn. Người ta gọi đó là hiện tượng El Nino. Hiện tượng này được các thủy thủ Peru đặt tên vì nó thường xảy ra ở gần thời điểm Giáng sinh, có nghĩa là vùng biển Peru ở ngoài khơi Thái Bình Dương ấm lên. Nước bao quanh đường xích đạo ở Thái Bình Dương kết hợp với gió ở phía trên đã làm thay đổi khí hậu trên toàn thế giới. Hạn hán nghiêm trọng ở Úc, Ấn Độ nhưng ở nơi khác thì lại lũ lụt, Thái Bình Dương nhiều bão hơn nhưng Đại Tây Dương thì ít bão hơn.

Mùa đông ở Mỹ nhẹ nhàng hơn nhưng ẩm ướt hơn. Các nhà khí tượng thủy văn luôn nói rằng El Nino tác động tới cuộc sống và túi tiền theo những cách khác nhau ở những vùng miền khác nhau. Mùa vụ ở nhiều nơi mất trắng nhưng nơi khác lại bội thu. Đánh bắt cá liên tục trúng đậm. Nhiều người chết vì lụt lội nhưng có người cảm thấy thoải mái hơn vì ít lạnh.

El Nino hiện nay bắt đầu từ tháng Ba và đang có dấu hiệu mạnh dần lên. Nếu dấu hiệu này không chững lại thì El Nino sẽ rất mạnh vào đầu tháng 8, nó lên tới đỉnh vào cuối năm và kéo dài sang mùa xuân năm 2016. Các nhà khí tượng thủy văn nhận định nó không mạnh bằng El Nino 1997-1998. Một nghiên cứu năm 1999 cho thấy kinh tế Mỹ hưởng lợi gần 22 tỷ USD từ El Nino. Nghiên cứu này còn cho biết 189 người chết ở Mỹ vì lốc xoáy từ El Nino nhưng lại có 850 người được cứu sống nhờ mùa đông ít lạnh.

Một nghiên cứu có sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc nói rằng El Nino khiến Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela thiệt hại gần 11 tỷ USD. Tổ chức Y tế Liên Mỹ cho biết lụt lội ở Peru phá hủy nhiều cầu, nhà, bệnh viện, mùa vụ; làm 354 người chết và 112 người mất tích. Ngành công nghiệp khai thác mỏ ở Peru và Chilê cũng thiệt hại nghiêm trọng.

Dù El Nino năm nay dự báo nhẹ hơn 1997-1998 nhưng kinh tế hiện tại liên kết với nhiều quốc gia nên mức độ tác động mạnh hơn. Những nước hưởng lợi là Mỹ, Trung Quốc, Mexico và châu Âu; trong khi Ấn Độ, Úc và Peru nằm trong nhóm những nước bị thiệt hại nặng nhất. Một đợt El Nino mạnh có thể thúc đẩy GDP Mỹ tăng 0,55%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo là tăng khoảng 90 tỷ USD trong năm nay. Ngược lại, Indonesia sẽ bị El Nino tác động xấu tới khai khoáng, năng lượng, coca và cà-phê.

GDP Úc sẽ giảm khoảng 1% trong năm nay. Peru đáng lo nhất vì El Nino có thể đẩy đất nước này vào suy thoái. Những loại nông sản xuất khẩu như xoài và măng tây trồng tại những thung lũng ven biển bị ảnh hưởng nặng (không có bông và kết trái) vì nắng nóng. Chưa hết, lụt lội buộc chính phủ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 14/25 tiểu bang, làm tiêu tốn 70 triệu USD.

ANH THƯ (Theo Japan Times)

;
.
.
.
.
.