.

Chỉ cần 3 năm để tốt nghiệp đại học

.

 Ở Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), thông thường sinh viên mất từ 3,5 đến 4 năm để tốt nghiệp cử nhân. Vậy mà bạn Nhouphin Linsomphou, sinh viên người Lào chỉ mất 3 năm để hoàn thành chương trình học của mình.

Nhouphin bên gia đình trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: K.N
Nhouphin bên gia đình trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: K.N

Vượt qua rào cản ngôn ngữ

Nhouphin Linsomphou đến từ tỉnh Khammuane, sang Đà Nẵng vào năm 2011. Cũng như rất nhiều sinh viên người Lào du học ở Việt Nam, Nhouphin dành 8 tháng đầu tiên để học tiếng Việt ở Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Bạn thật lòng chia sẻ, 8 tháng không đủ chuẩn bị vốn ngôn ngữ để theo học một chương trình cử nhân, vì vậy bạn đã phải tự mình cố gắng rất nhiều. Gạt bỏ sang một bên nỗi nhớ gia đình, Nhouphin tự bắt mình phải tiếp xúc với bạn bè người Việt, cùng ăn, cùng chơi với họ để rèn tiếng Việt.

Sau thời gian học tiếng, tháng 9-2012, Nhouphin trở thành cô tân sinh viên lớp 38K7.1, chuyên ngành Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế. Chuyển sang một môi trường mới với bạn bè đến từ nhiều vùng miền, các môn học có những thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, Nhouphin phải tiếp tục vượt qua rào cản ngôn ngữ. Nhờ tính cách thân thiện và tinh thần cầu thị, Nhouphin được bạn bè yêu quý, giảng lại những buổi học mà cô không hiểu. Bạn còn nhiệt tình đóng góp ý kiến, trả lời câu hỏi trong lớp học. Nếu không hiểu rõ câu hỏi, Nhouphin thường nhờ thầy cô nhắc lại và trả lời theo cách hiểu của mình. Cứ mỗi lần trả lời sai được sửa, cô bạn lại càng ghi nhớ hơn những từ tiếng Việt mà mình chưa hiểu.

Chưa bao giờ bỏ một buổi học nào

Khi được hỏi làm thế nào có thể “thanh toán” chương trình học của cả 4 năm chỉ trong 3 năm, Nhouphin chỉ trả lời đơn giản, “vì mỗi kỳ em đăng ký đến 9 hay 10 tín chỉ, và em không nghỉ buổi học nào cả”. Như vậy có nghĩa là cô sinh viên này đi học đều đặn tất cả các buổi sáng và chiều, từ thứ 2 đến thứ 6, từ đầu kỳ đến cuối kỳ. Tất cả các buổi tối trong tuần, cô dành để ôn bài và làm bài tập.

Nhouphin chia sẻ, nhờ đi học đầy đủ ngay từ buổi học đầu tiên mà em lập được các nhóm học tập cùng với các sinh viên Việt Nam, trau dồi thêm kỹ năng tiếng Việt. Thói quen của rất nhiều sinh viên Lào du học tại Việt Nam, hay ngay cả sinh viên Việt Nam du học quốc tế, là hay chơi chung, làm chung nhóm với nhau, do đó ít có cơ hội cọ xát ngôn ngữ, văn hóa với sinh viên bản địa. Nhouphin đã tìm hiểu điều này từ trước khi sang Việt Nam du học, nên cô bạn kiên quyết không “giẫm lại vết xe đổ”.

Việc đi học đều đặn như Nhouphin có lẽ cũng là một “kỷ lục” trong giới sinh viên. Trừ một lần vào năm học thứ 2 bị đau dạ dày phải đi cấp cứu, còn lại chưa một buổi học nào bạn vắng mặt, dù có phải đi học liên tục cả ngày, thậm chí học vào cả cuối tuần nếu thầy cô dạy bù. Không ngại vất vả, Nhouphin muốn được tốt nghiệp sớm, tìm được việc làm ở một ngân hàng tại quê nhà và dành thời gian chăm sóc bố mẹ. Trong lễ tốt nghiệp cuối tháng 6 vừa qua, Nhouphin Linsomphou được trao bằng loại khá và danh hiệu sinh viên quốc tế xuất sắc nhất ngành Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế.

Thành tích của cô sinh viên Nhouphin Linsomphou cũng là một lời gợi ý cho các bạn trẻ Việt Nam đang chuẩn bị đi du học. Ở một môi trường mới với văn hóa và ngôn ngữ khác, hãy đừng ngại ngần cọ xát, tiếp xúc với người bản xứ để tăng khả năng ngôn ngữ. Thêm vào đó, sự chuyên tâm vào việc học hành nhất định sẽ có kết quả xứng đáng.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.