.

Phù thủy logo

.

Có duyên với nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiết kế logo, Hồ Tú Anh - giảng viên ngành Thiết kế đồ họa của ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) - tiếp tục đoạt giải nhì Cuộc thi thiết kế logo “40 năm Đối thoại - Hữu nghị - Niềm tin” do Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức.

Họa sĩ thiết kế Hồ Tú Anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Họa sĩ thiết kế Hồ Tú Anh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vài năm gần đây, “Phù thủy logo” hay “Vua logo” đã trở thành nickname quen thuộc mà bạn bè trong giới gọi họa sĩ thiết kế Hồ Tú Anh với sự yêu mến và quý trọng.

Có duyên với giải thưởng

Hồ Tú Anh nhận ra niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực sáng tác logo từ những ngày anh là sinh viên ngành thiết kế đồ họa, khoa Mỹ thuật ứng dụng - Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Nhưng vì nhiều lý do, thời điểm đó, anh chưa có điều kiện theo đuổi đam mê mà chỉ sáng tác lẻ tẻ, ngẫu hứng.

Khi chính thức làm việc tại ĐH Duy Tân từ năm 2011 mới là thời gian khởi đầu với thành công đáng ghi nhận của Hồ Tú Anh, bắt đầu bằng việc giành giải nhất cuộc thi sáng tác slogan kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Đào tạo quốc tế CIE của ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, tại cuộc thi thiết kế poster cho Liên hoan phim Sandiago Latino lần thứ 20 diễn ra ở Mỹ, poster của Tú Anh phản ánh nhịp sống thường ngày với nhiều sắc màu khác nhau của người dân trong khu vực đã lọt vào top 10 poster được triển lãm tại liên hoan phim. Cũng trong năm này, Tú Anh đoạt giải nhì với logo thiết kế cho Quỹ Hòa nhập và phát triển cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục đoạt giải ba cuộc thi sáng tác biểu trưng số hóa truyền hình tại Việt Nam do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức vào cuối năm 2013.

Năm 2014, Tú Anh đoạt giải nhì cuộc thi thiết kế poster “Chung tay bảo vệ tê giác” tại Việt Nam, do EWT - một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn hệ sinh thái và các loài động vật hoang dã nguy cấp ở phía Nam châu Phi tổ chức. Mới nhất là giải nhì cuộc thi thiết kế logo “40 năm Đối thoại - Hữu nghị - Niềm tin” do Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức…

Tại ĐH Duy Tân, ngoài thiết kế đồ họa, Tú Anh tham gia giảng dạy môn Nền tảng thiết kế và Thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho sinh viên ngành thiết kế đồ họa (khoa Kiến trúc). Bên cạnh đam mê sáng tạo logo, hạnh phúc mỗi ngày của thầy giáo Hồ Tú Anh là trao truyền kiến thức anh thu nhận trong suốt quá trình học tập và làm việc cho các thế hệ sinh viên. Cái duyên với giải thưởng của thầy giáo trẻ dường như cũng truyền sang các học trò. Vài năm trở lại đây, nhiều sinh viên do thầy Tú Anh giảng dạy, kèm cặp thường giành các giải thưởng cao tại nhiều cuộc thi thiết kế đồ họa tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng và toàn quốc.

“Những sáng tác logo có thể coi là những thể nghiệm, khi được trao giải thưởng có nghĩa là mình đã nhận được sự đồng cảm để biết mình đi đúng hướng. Vì vậy, giải thưởng tuy không phải là tất cả nhưng đó là động lực làm tăng thêm niềm phấn khích cho công việc và đam mê”, Tú Anh tâm sự.

Đam mê gắn với lợi ích cho cộng đồng

Về thiết kế logo “40 năm Đối thoại - Hữu nghị - Niềm tin”, Tú Anh bày tỏ: “Mối quan hệ ngoại giao, gắn kết, hỗ trợ cùng phát triển giữa hai nước Việt Nam - Đức là chủ đề không mới nhưng không dễ xây dựng ý tưởng cũng như tìm hình tượng biểu đạt sao cho mới mẻ, ấn tượng. Sau hơn một tháng tìm tòi, nghiên cứu, tôi quyết định kết hợp cổng Brandenburg - biểu tượng hòa bình và thống nhất của nước Đức và Văn miếu Quốc Tử Giám - trường ĐH đầu tiên của Việt Nam và cũng là biểu tượng văn hóa của người dân nước Việt để truyền tải thông điệp về tình hữu nghị, mối quan hệ ngoại giao thắm thiết, bền vững giữa hai dân tộc mà Ban tổ chức đề ra”.

Trong khi đó, hình ảnh đầy ám ảnh tê giác đang mất dần sự sống vì bị cắt mất sừng và tê giác mẹ âu yếm con ở những giây phút cuối cùng của sự sống trong poster của Hồ Tú Anh khi tham dự cuộc thi thiết kế Poster “Chung tay bảo vệ tê giác” do EWT tổ chức vào tháng 6 năm ngoái khiến người xem phải suy nghĩ. Bên cạnh đó, việc sử dụng nghệ thuật đồ họa chữ - Typography, với điểm nhấn là chữ No trong từ RhiNo (tê giác), Tú Anh đã đồng thời thể hiện hai thông điệp: không săn bắt, giết hại tê giác và hãy bảo vệ tê giác. Với điểm nhấn đặc biệt này, poster của Tú Anh được đánh giá cao.

“Có nhiều điều quý giá mà tôi nhận được khi tham gia các cuộc thi như: kinh nghiệm, cơ hội được giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân... Riêng cuộc thi thiết kế poster “Chung tay bảo vệ tê giác” có ý nghĩa đặc biệt đối với một người đang công tác trong ngành giáo dục như tôi, khi những thiết kế do mình sáng tạo sẽ có những đóng góp thiết thực dù nhỏ, để kêu gọi cộng đồng bảo vệ thiên nhiên, các loài động vật quý hiếm và cũng chính là bảo vệ môi trường sống của con người”, Tú Anh chia sẻ.

Trong sáng tạo, “Phù thủy logo” Hồ Tú Anh quan niệm: Các xu hướng sáng tác nghệ thuật nói chung và logo nói riêng sẽ thay đổi theo thời gian nên anh chỉ tiếp cận và hiểu. Còn trường phái sáng tác thì anh thích nhất là trường phái tối giản, bởi theo anh, giá trị cao nhất, sức nặng của một tác phẩm logo là tính cô đọng, hàm súc. “Dù bạn đang đứng ở trường phái, xu hướng sáng tạo nào, sản phẩm của bạn chỉ có ý nghĩa khi gắn với thực tiễn và có ích cho cộng đồng”, họa sĩ Hồ Tú Anh nói.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.