.
Tản văn

Một thời bánh tráng nhúng đường

.

 “À… ơi…! Vái ông tơ một chồng bánh tráng. Vái bà nguyệt một tán đường đinh. Đôi ta là nghĩa chung tình. Dù ăn cơm quán, ngủ đình cũng ưng… À… ơi…!”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đang ru thằng cháu ngoại, má chợt buông lời: “Ở quê mình giờ này lại đến mùa nấu đường rồi con nhỉ...!”. Bỏ giở trang giáo án, tôi quay qua nhìn má. Mặc thằng cháu còn tròn xoe mắt, má ngồi thừ người, đưa mắt nhìn xa xăm. Tôi biết má đang nhớ quê, nhớ bãi bồi bên sông được trải thảm bởi màu xanh ngút ngàn của những đám mía. Nơi ấy, qua bao mùa hẹn hò, má và ba kết duyên, rồi sinh ra chị em tôi, nuôi chúng tôi khôn lớn, từng nỗi cơ cực gắn liền với mỗi mùa thu hoạch mía, mỗi mùa nấu đường. Ký ức quê nhà dẫn đưa tôi trở lại những ngày làm mía.

Cách đây chừng mươi, mươi lăm năm ở cái vùng trung du xứ Quảng quê tôi mía nhiều vô kể. Trước nhà tôi là cánh đồng lúa rộng mênh mông. Phía xa xa, bên kia cánh đồng, nơi bờ sông hiền hòa là những đám mía ba má trồng. Từ khi ngọn mía được cắm xuống đất  rồi cao khỏi đầu người cho đến lúc mía chuẩn bị trổ cờ, có biết bao nhiều điều để nhớ, để kể. Những ngày tôi theo má ra đám mía phụ việc làm cỏ, vun tém đất, bón phân... Những lần cùng ba đi đuổi bắt lũ chim mía... Ngày ấy, cứ vào độ tháng hai, tháng ba âm lịch mía quê tôi bắt đầu rộn ràng vào mùa thu hoạch. 

Đây là thời điểm mía ngon nhất “Gió heo may, mật trèo lên ngọn”.  Người róc mía, lấy ngọn; kẻ chặt gốc, gom lại từng bó và chuyển về chòi đạp mía để bắt đầu các công đoạn nấu đường. Những ngày này đi đâu cũng thấy hai bên đường làng bã mía phơi dày đặc, thấp thoáng trong nắng làn khói từ các che mía. Khi mặt trời gần đứng bóng, mùi thơm mía đường từ các lò nấu đã theo gió lan tỏa  khắp xóm dưới, làng trên. Tụi trẻ con chúng tôi lại thỏa sức ăn mía và thưởng thức các món từ đường như: nước chè hai, đường non, đường bẹ chuối... Nhưng với tôi, thích nhất món bánh tráng nhúng đường.

Nói về món ăn vặt của trẻ em quê tôi ngày ấy thì bánh tráng nhúng đường là món vô cùng thân thuộc. Sự thân thuộc từ cái bánh hình thù tròn tròn, vị ngọt thanh của đường, âm thanh giòn tan của bánh đã luôn gắn cùng tiếng cười, xuýt xoa của quãng đời thơ ấu. Tuổi thơ của ba, của má, rồi của tôi không có nhiều bánh kẹo, không đồ chơi đẹp… Phải chăng vì thế mà ngay cả tấm bánh nhúng đường dân dã lại trở thành những món quà vặt quý với lũ trẻ nghèo chúng tôi. 

Món bánh tráng nhúng đường tưởng giản đơn nhưng phải biết cách và người quen tay làm bánh mới ngon. Ngày ấy, má thường lấy những chiếc bánh được tráng bằng bột sắn lọc được giấu kỹ trong ghè mang đi nướng, chỉ những năm lúa mùa trúng đậm, mới có được chiếc bánh gạo thơm ngon hơn. Nhưng dù bánh tráng sắn hay bánh tráng gạo vẫn không hề giảm đi sự thích thú của lũ trẻ chúng tôi.

Bánh được nướng trên lửa than củi đã quạt thật hồng. Phải lật trở đều nhanh tay sao cho bánh vừa chín tới, không được cháy vàng. Nướng  xong má dùng sợi lạt tre xâu lại thành chùm rồi đứng canh khi chảo nước mía đã chuyển qua chè hai, chè ba và đợi đúng lúc thành đường non tức chè chuyển từ màu trắng sang màu vàng mới nhúng bánh. Thế nên nếu chỉ cần sớm hay chậm tay một chút là bánh sẽ mất ngon. Bánh vừa cho vào chảo là nhanh chóng xách lên. Bánh nguội, đường non sẽ sánh lại, trên mặt bánh lúc đó có màu vàng óng long lanh trông thật quyến rũ.

Gia đình tôi xa quê chừng đã mười mấy mùa mía rồi. Cũng kể từ ngày ấy, những đám mía quê tôi không ngút ngàn như xưa nữa dẫu vẫn còn một màu xanh um trong ký ức. Những lò đường cũng không còn nhiều dẫu cho mùi đường non vẫn cứ phảng phất đâu đây.

Mùa mía cứ tràn trong ký ức, trong câu ca bần thần má hát:  “À… ơi… Đi qua lò mía thơm đường. Muốn vào kết nghĩa cang thường với ai.  À… ơi”.

PHAN THỊ THANH LY

;
.
.
.
.
.