.

Sinh viên làm thêm: Nên hay không?

.

Chuyện sinh viên vừa học vừa làm vẫn luôn là đề tài bàn luận của nhiều gia đình. Nên hay không nên làm thêm trong thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường? Chào bạn trẻ xin chia sẻ góc nhìn của một số bạn trẻ và giảng viên đại học về chủ đề này.

Trần Thị Trà Vy (19 tuổi, lớp 14 chuyên ngành tiếng Anh thương mại, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng): Tôi học từ làm thêm

Có một công việc làm thêm khi đang đi học là vấn đề gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Với tôi, làm thêm không chỉ là việc tạm thời cho vui, mà là một kế hoạch nghiêm túc.

Vừa tốt nghiệp THPT, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là sẽ kiếm một công việc ngoài giờ để có thể hỗ trợ kiến thức cho việc học và có thêm tiền tự lo cho bản thân, hạn chế xin tiền bố mẹ.

Tôi là một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, vì thế tôi rất thích được làm việc trong môi trường năng động, có nhiều điều kiện giao tiếp bằng ngoại ngữ. Các anh chị khóa trên hầu như ai cũng từng làm thêm ở các khu nghỉ mát hoặc làm hướng dẫn viên du lịch. Thật sự, tôi thấy họ rất may mắn khi có thể tìm được một công việc cùng ngành ngay khi đang ngồi trên giảng đường đại học.

Những người bạn của tôi lại khác, có người không được bố mẹ ủng hộ đi làm thêm vì sợ con vất vả và lơ là việc học. Có người phải làm thêm ở các quán cà-phê cóc, môi trường khá phức tạp và không liên quan tới chuyên ngành. Học kỳ đầu tiên tôi cũng có làm thêm nhưng trái ngành. Tôi phụ bán hàng, đi dạy và tham gia làm cộng tác viên cho một công ty chuyên đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Tôi nghĩ khá là thú vị và thử thách.

Qua học kỳ hai, khi nghe tin Pizza Hut - một tập đoàn về Pizza trên toàn thế giới cần tuyển nhân viên, tôi nhanh chóng nộp hồ sơ, được gọi phỏng vấn và được chọn. Tôi biết đây chính là môi trường dành cho mình. Cửa hàng có nhiều khách nước ngoài tới thưởng thức, điều đó sẽ giúp tôi cải thiện vốn tiếng Anh. Tôi là một cô bé còn rất non nớt, chưa từng va chạm nhiều với cuộc sống bên ngoài trường học và chưa vấp phải những khó khăn. Ở nhà, tôi thậm chí cũng không “được” giao việc nhà.

Khi đi làm, mọi thứ hoàn toàn khác. Dù là nhân viên nhỏ tuổi nhất, tôi cũng phải làm việc nghiêm túc như tất cả mọi người. Những buổi đầu làm việc, với bản tính trẻ con, tôi rất hay đùa giỡn. Thế nhưng, dần dần tôi hiểu rằng, điều đó sẽ gây bất lợi cho tôi sau này.

Mỗi ngày đi làm, tôi lại rút ra thêm được những bài học hay và giá trị cho bản thân, thay vì chỉ ở nhà ăn, học và ngủ. Khi đi làm, tôi biết cách đối xử với mọi người xung quanh, cảm thấy mình chín chắn và trưởng thành hơn trước nhiều. Khi dọn vệ sinh hay bưng bê thức ăn, tôi cũng rút ra bài học về sự cẩn thận.  Khi đặt món và đón tiếp khách hàng, tôi lại học được sự nhanh nhẹn và nhạy bén.

Mỗi tuần, tôi làm việc từ 3 đến 4 buổi (mỗi buổi 5 tiếng đồng hồ). Vì hiện tại là thời gian nghỉ hè nên tôi cho phép mình làm thêm nhiều hơn trong năm học. Thời gian còn lại, tôi vẫn tự học tiếng Anh, đi dạy kèm và học thêm một khóa tiếng Nhật. Ngoài ra, tôi vẫn thấy mình dư dả thời gian đủ để đi chơi cùng bạn bè.

Bạn vẫn có thể quyết định không đi làm nếu bạn thấy nó chiếm nhiều thời gian và sức khỏe của bạn. Nhưng với tôi, nếu có thể vừa học vừa làm, chúng ta sẽ học thêm được cách quản lý và sắp xếp thời gian tốt hơn cho mình.

Lúc chưa làm thêm, mỗi khi ngồi vào bàn học, tôi cảm thấy mình là một người “giàu có” thời gian nên cứ học tà tà, thong thả. Thi thoảng tôi còn lướt facebook và đọc thông tin trên mạng trong lúc học bài. Từ ngày đi làm thêm, tôi thấy thời gian mỗi ngày thật hạn hữu nên phải sắp xếp sao cho hợp lý. Tôi cũng chợt cảm nhận từng phút được ngồi vào bàn yên tĩnh học bài thật quý giá. Và tôi đã cố học tập trung và hiệu quả nhất có thể để còn làm được nhiều việc có ích khác đang chờ mình.

Nguyễn Lê An Phương (Giảng viên khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, cựu sinh viên Đại học Queensland - Brisbane – Australia và Học viện William Angliss - Melbourne – Australia): Tôi luôn luôn nhắc sinh viên của mình phải đi làm thêm

Sinh viên cần đi làm thêm là chuyện tất nhiên. Bởi làm thêm sẽ cho các bạn trẻ kiến thức thực tế (khác với lý thuyết trong sách vở); thêm thu nhập, dù nhiều hay ít cũng rất đáng tự hào và trân trọng. Lúc còn học tại Úc, tôi thấy hầu hết học sinh chỉ mới 15 tuổi đã bắt đầu đi làm thêm. Họ làm những việc từ đơn giản đến phức tạp. Tôi cũng kiếm việc phụ bếp và bán bánh mì để làm ngoài giờ học. Khi trở về Việt Nam, tôi cảm thấy biết ơn những giờ đứng… bếp đó đã cho mình có vốn sống, hiểu biết còn nhiều hơn cả kiến thức trên giảng đường. Dĩ nhiên, tại Úc có quy định sinh viên chỉ được làm một số giờ cụ thể trong tuần để bảo đảm việc học.

Nguyễn Thị Hải Hà – sinh viên Thiết kế đồ họa: Hạn chế làm thêm

Bạn bè của Hà có rất nhiều người vì ham mê làm thêm mà bỏ dở việc học. Họ thấy kiếm nhiều tiền quá dễ, nên xao nhãng công việc chính là học tập. Có bạn thậm chí nuôi sống được cả gia đình từ việc làm thêm. Ngược với số tiền các bạn kiếm được là điểm số trên lớp rất thấp. Dù có người quyết định nghỉ học để dành trọn thời gian đi làm và vẫn thành công trên con đường họ chọn, nhưng theo Hà, phải hạn chế, cân nhắc chuyện làm thêm để ưu tiên cho việc học.

Phạm Minh Thiện – sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng: Chọn những việc mình thích

Thiện kiếm được việc làm thêm, nhưng thấy chưa phù hợp nên qua thời gian thử việc, Thiện đã xin nghỉ. Theo Thiện, làm thêm rất tốt, nhưng quan trọng phải chọn được việc mình thích để cảm thấy có động lực học hỏi.

Hạ Duyên ghi

;
.
.
.
.
.