.
Phương hay Thuốc quý

Sâm Ngọc Linh - cây thuốc quý

.

Một mốc son của ngành dược liệu nước nhà đã được khắc ghi vào lúc 16 giờ ngày 19-3-1973.

Đó là thời điểm đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Khu 5 do dược sĩ Đào Kim Long dẫn đầu đã phát hiện một loài “nhân sâm đốt trúc” mọc thành quần thể ở độ cao 1.800m tại núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum.

Năm 1974, qua báo cáo sơ bộ của dược sĩ Nguyễn Thới Nhâm về kết quả phân tích sơ bộ thành phần hóa học cây sâm này so với sâm Triều Tiên và sâm tam thất, Khu ủy 5 đã cho bảo vệ chặt chẽ vùng sâm này và sử dụng chữa bệnh có hiệu quả cho các thương bệnh binh, cán bộ và nhân dân dưới tên gọi là sâm K5.

Trải qua hơn bốn mươi năm với hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, sâm K5 hay còn gọi sâm Ngọc Linh, sâm Việt Nam, đã được cả thế giới biết đến với tên khoa học Panax vietnamensis, thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae, là một loài sâm đặc hữu của nước ta, một cây thuốc quý của thế giới.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, sâm Ngọc Linh là loài cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm, có khi tới 1m. Thân rễ nạc, đường kính 1-3,5cm, dài có thể tới 1m, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hằng năm để lại; trên thân rễ có nhiều rễ phụ, cuối thân rễ có rễ củ có dạng con quay, hình trụ, có khi có hình dạng ngoài như củ nhân sâm.

Thân khí sinh mọc thẳng đứng, màu xanh hoặc hơi tím, đường kính 5-8mm, thường rụng hằng năm, nhưng đôi khi vẫn tồn tại 2-3 thân trong vài năm. Lá kép hình chân vịt mọc vòng, thường là 3-5, ở ngọn thân; cuống lá kép dài 6-12mm mang 5 lá chét mà lá chét giữa lớn hơn, dài 15cm, rộng 3,5cm; lá chét có phiến hình trứng ngược, hình mác ngược hay bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn có khi kéo dài thành mũi, gốc hình nêm, có lông ở cả hai mặt, gân phụ 10 cặp hình lông chim, gân nhỏ hình mạng.

Cụm hoa ở cây 4-5 năm là một tán đơn trên cuống dài 10-20cm, đôi khi có thêm 1-4 tán phụ hay 1 hoa đơn độc ở phía dưới tán chính; mỗi tán có 50-120 hoa, cuống hoa dài 1-1,5cm; lá đài 5, hợp ở dưới thành hình chuông, cánh hoa 5, màu vàng lục nhạt; nhị 5; bầu 1 ô với 1 (2-3) vòi nhụy. Quả nang, màu đỏ tươi thường có chấm đen ở đỉnh; hạt 1-2, hình thận, màu trắng hay vàng nhạt. Ra hoa tháng 4-6, có quả tháng 7-9.

Thành phần hóa học của thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa hơn 50 hợp chất saponin, ngoài 26 saponin có cấu trúc đã biết trong sâm Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản, còn có 24 saponin có cấu trúc mới, đó là thành phần hoạt chất có tác dụng sinh học chủ yếu của sâm Ngọc Linh. Hàm lượng saponin toàn phần rất cao, đến 10,75% ở thân rễ cây mọc hoang. Còn có 7 hợp chất polyacetylen; 17 acid béo trong đó có các acid palnitic, stearic, oleic, linoleic và linolenic; 18 acid amin trong đó có đủ 8 loại acid amin cần thiết cho cơ thể; 20 nguyên tố vi lượng trong đó có Fe, Mn, Co, Se, K. Các thành phần khác là glucid, tinh dầu. Trong thân rễ tươi có daucosterol.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, sâm Ngọc Linh thể hiện các tác dụng dược lý tiêu biểu của Nhân sâm – Araliaceae như: tăng lực – chống nhược sức, chống stress, gia tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ tế bào gan và phòng chống ung thư. Ngoài ra, sâm Việt Nam còn thể hiện một số tác dụng đặc hữu so với sâm Triều Tiên và một số loài sâm khác như: tác dụng giải lo âu, chống trầm cảm, chống oxy hóa và tác dụng kháng khuẩn. Cụ thể, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh có 13 tác dụng và chủ trị như sau:

1. Tăng thể lực, chống nhược sức, chủ trị chữa suy nhược cơ thể;

2. Kích thích các hoạt động của não bộ, chữa suy nhược thần kinh;

3. Tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dục, chữa được suy nhược sinh dục;

4. Tăng tạo hồng cầu và hemoglobin, chủ trị thiếu máu;

5. Đặc hiệu với vi khuẩn Streptococci, chủ trị viêm họng;

6. Chống stress, giải lo âu và chống trầm cảm, chủ trị các bệnh lý gây bởi stress.

7. Tác dụng tăng cường chức năng gan và bảo vệ tế bào gan, chủ trị xơ gan, giải độc gan;

8.Giảm cholesterol huyết, giảm lipit, tăng HDL (cholesterol tốt, có lợi sức khỏe), nên chủ trị xơ vữa động mạch;

9. Hạ đường huyết, hiệp lực với thuốc hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường;

10. Điều hòa hoạt động tim mạch, chủ trị loạn nhịp tim, hạ huyết áp;

11.Chống oxy hóa (antioxidant), chủ trị lão hóa;

12. Phòng chống ung thư, hỗ trợ thuốc trị ung thư;

13. Gia tăng sức đề kháng không đặc hiệu, chủ trị suy giảm miễn dịch.

Do các tác dụng đặc hiệu và quý hiếm nói trên mà mấy thập kỷ qua nguồn sâm Ngọc Linh hoang dã đã bị truy lùng gần như cạn kiệt. Hiện nay hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã và đang triển khai nhiều dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Mới đây, một đề án táo bạo với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia trồng sâm đứng thứ nhì thế giới vừa được chính quyền tỉnh Quảng Nam thông qua và chờ Chính phủ phê duyệt. Hy vọng giấc mơ này sớm trở thành hiện thực.

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.