.

Lê Hoàng Anh: "Ăn, ngủ" với phần mềm

Nhà nghèo, phải đến đọc ké tài liệu tại nhà sách, nên được sở hữu riêng một chiếc máy vi tính càng là điều trong mơ.

Thế nhưng, sau 10 năm miệt mài nghiên cứu, Lê Hoàng Anh, sinh viên năm 4, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã trở thành chủ nhân của nhiều sản phẩm sáng chế được trao giải thưởng trong nước và quốc tế.

“Nhảy” sang tin học và liên tiếp “rinh” giải thưởng

Nhắc đến Lê Hoàng Anh, các sinh viên Trường Đại học Sư phạm đều nhớ đến một “chuyên gia” công nghệ thông tin với nhiều phần mềm độc đáo. Hoàng Anh từng là học sinh chuyên hóa của Trường THPT Thái Phiên. Một lần hay tin đội tuyển tin học của trường thiếu người, thế là Anh “nhảy” sang lĩnh vực này, tham gia thi các giải cấp thành phố cùng những phần mềm đầu tiên.

Bắt đầu đi theo tin học, Lê Hoàng Anh đã vấp phải không ít khó khăn như thiếu kinh phí đầu tư, ít kinh nghiệm và thiếu người định hướng. Để nâng cao hiểu biết, ngoài kiến thức phổ thông tại trường, Hoàng Anh phải “ăn dầm nằm dề” tại các nhà sách và thư viện. Không đủ tiền mua sách, Anh cố đọc hết tại chỗ rồi tập trung nhớ và ghi chép cẩn thận. Toàn bộ tiền tiêu vặt, Hoàng Anh cùng anh trai tiết kiệm để “đầu tư” mua máy vi tính dùng chung.

Dù điều kiện học tập khó khăn, nhưng từ năm lớp 10, Lê Hoàng Anh đã cho ra mắt sản phẩm đầu tay mang tên “Phần mềm tra cứu bản đồ Đà Nẵng trên PC/mobile”. Đây là sản phẩm không chỉ giúp tra cứu bản đồ thành phố, mà còn giúp người dùng tìm được con đường ngắn nhất để di chuyển. Năm đó, Hoàng Anh đạt được giải khuyến khích tin học trẻ không chuyên thành phố Đà Nẵng 2005 – 2006.

Thừa thắng xông lên, Lê Hoàng Anh liên tiếp cho ra đời những sản phẩm mới lạ, đạt các giải cao trong các cuộc thi sáng tạo trong nước lẫn quốc tế như “Từ điển sinh vật” (giải ba Tin học trẻ toàn quốc năm 2007), “All in One For Mobile” (huy chương đồng Triển lãm sáng tạo quốc tế lần thứ 7 tại Hà Nội năm 2010), phần mềm “Tra cứu dấu vân tay” (Huy chương vàng cuộc thi triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ quốc tế tại Đài Loan năm 2012), “Vui học đến trường” (giải thưởng dành cho sản phẩm giáo dục xuất sắc nhất toàn quốc năm 2013).

Trong năm 2014, Hoàng Anh cũng có hai sản phẩm đạt giải: Eco smart (giải nhì cấp Bộ trong cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng - Sử dụng tài nguyên bền vững”) và IT Robot (giải khuyến khích cuộc thi “Ngày hội sáng tạo” do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức). Nhiều sản phẩm, công trình của Hoàng Anh đã được các công ty mua lại.

Đặc biệt, với phần mềm “Vui học đến trường”, Hoàng Anh phải mất hơn 4 năm để hoàn thành. “Từ việc lấy ý tưởng, chế tạo sản phẩm đến triển khai ứng dụng thử tại Đà Nẵng và ứng dụng ra toàn quốc là cả một quá trình làm việc kiên trì, khoa học”, Hoàng Anh chia sẻ. Anh cũng cho hay: “Trong số các công đoạn để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện, phần việc khó khăn nhất là kiểm tra để tìm ra lỗi. Khi đến tay khách hàng, sản phẩm không được sai sót bất cứ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất”.

Không chỉ tập trung vào việc nghiên cứu, chế tạo, chàng sinh viên đam mê công nghệ còn tích cực tham gia vào các chương trình, tổ chức liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh là tình nguyện viên cuộc thi Robocon 2013 và Robocon châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Đà Nẵng, là thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo trẻ Đà Nẵng; đồng thời tham gia chế tạo máy đếm người cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm và làm chỉ đạo viên cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh tại Đà Nẵng…

Hiện tại, dù đang bận rộn cho kỳ thi tốt nghiệp của sinh viên năm cuối, Hoàng Anh vẫn làm Freelancer-chuyên nhận và thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ cho các công ty trong và ngoài nước, và là Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Tecviet.

VIẾT PHÚC

;
.
.
.
.
.