.

Làng Sen - quê chung...

.

Có một làng quê Việt Nam giống như bao làng quê khác. Một làng quê thuần Việt, thuần nông, thuần chất có tên gọi làng Sen bởi ở đầu làng có hồ sen nở hoa tươi thắm, tinh khiết, tỏa hương thơm ngát nhất là những ngày tháng 5 mùa hạ.

 Đường vào Làng Sen quanh co với những ao sen ngát hương thơm... (Ảnh Internet)
Đường vào Làng Sen quanh co với những ao sen ngát hương thơm... (Ảnh Internet)

Cũng trong tháng 5, cách đây 125 năm, làng Sen đã sinh ra một con người vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ta quen gọi bằng cái tên trìu mến, kính trọng, gần gũi thân thương: Bác Hồ! Làng Sen đã trở thành “Quê chung” vì có hàng ngàn người từ khắp mọi miền đất nước và cả bạn bè năm châu đã về đây thăm và bất ngờ khi được thấy ngôi nhà tranh năm gian kèo gỗ đã gắn bó với Bác Hồ những năm tháng ấu thơ.

Ta bồi hồi xúc động khi trở về khu vườn thân quen quê Bác. Vẫn những hàng cau cao vút trước sân; vẫn hàng rào hoa râm bụt đỏ; vẫn những cây trái quen thuộc như bao vườn quê nông thôn khác; vẫn cái giếng Cốc thân quen trong trẻo mạch nguồn mà ngày về thăm quê sau bao năm cách xa Bác vẫn nhận ra; vẫn liếp cửa đan bằng tre che nắng trước hiên. Bao hiện vật đơn sơ giản dị trong căn nhà nhỏ này có sức sống, sức gợi với bao tình cảm thân thương gắn bó tuổi thơ của một vĩ nhân. Vẫn chiếc phản gỗ láng bóng dấu thời gian, vẫn khung cửi dệt vải thâu đêm của thân mẫu Bác Hồ. Và đặc biệt cánh võng đay ngỡ như còn chao nghiêng theo nhịp gió đồng.

Chính trên cánh võng này cậu bé Nguyễn Sinh Cung được mẹ Hoàng Thị Loan ru những câu Kiều, Chinh phụ ngâm và những điệu dân ca đò đưa, ví dặm. Bà đã có ảnh hưởng lớn việc hình thành nhân cách cao đẹp của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời thơ ấu, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh sau này. Những mạch nguồn văn hóa truyền thống dân gian buổi ban đầu đó đã thấm vào Người để hội tụ và kết tinh thành minh triết Hồ Chí Minh. Một minh triết được chắt lọc từ bao tinh hoa của dân tộc. Làng Sen - cái nôi nuôi dưỡng Người cũng là một làng quê có truyền thống hát ví phường vải với sân khấu cổ truyền…

Nhạc sĩ An Thuyên trong ca khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” đã viết về tuổi thơ của Người thật cảm động: “Bác theo phường đi nghe hát – Quần xắn gối đứng đầu sân” thật giản dị, mộc mạc. Sau này, khi trở thành một chính khách lỗi lạc trong các ứng xử ngoại giao quốc tế hay giữa các diễn văn quan trọng, Bác Hồ kính yêu vẫn thỉnh thoảng lẩy Kiều thật linh hoạt, dí dỏm mà sâu sắc như: “Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay – Mối tình đoàn kết càng ngày càng sâu” hay: “Trăm năm trong cõi người ta – Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”.

Những làn điệu dân ca ví dặm đã ngấm vào Người từ lúc nào mà Bác còn sửa được cả ngôn ngữ địa phương của nghệ sĩ Mai Tư trong đoàn văn công Quân khu 4 khi chị hát: “Ru em, em ngủ cho muồi”. Bác đã sửa lại: “Ru tam, tam théc cho muồi” (“tam” tiếng miền Trung dùng để chỉ “em”; “théc”“ngủ”). Sau những năm bôn ba hải ngoại, thông thạo nhiều thứ tiếng, Bác vẫn giữ nguyên giọng nói miền Trung trầm ấm như hơi thở đồng quê. Trước lúc đi xa, Người vẫn khao khát, mong muốn được nghe một khúc dân ca ví dặm, câu đò đưa phường vải năm nào…

Thưa Bác! Làn điệu dân ca ru Người năm xưa đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận. Làng Sen đã trở thành Quê chung - một địa chỉ văn hóa như nhà thơ Xuân Hoài đã viết: “Bỗng nghe tiếng nói trăm miền – Khi con bước đến làng Sen, làng Chùa – Bước chân bè bạn năm châu – Đứng gần nhau, xích gần nhau lối này”. Chợt ngân lên hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang đã trở thành quen thuộc như hai câu ca dao: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”…

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.