.

Lãng phí thực phẩm

.

Nhóm G20 vừa lên tiếng về tình trạng lãng phí thực phẩm (do thất thoát và bị bỏ vào sọt rác quá nhiều) là một vấn nạn kinh tế lớn toàn cầu.

Nhiều thực phẩm còn tốt đã bị vứt vào sọt rác
Nhiều thực phẩm còn tốt đã bị vứt vào sọt rác

Trong lúc cả thế giới có tới 800 triệu người thiếu ăn thì lượng thực phẩm lãng phí lên tới 1,3 tỷ tấn mỗi năm. G20 kêu gọi các nước trên thế giới cố gắng kiểm soát tình hình bởi tình trạng này sẽ dẫn tới nguy cơ an ninh lương thực, dinh dưỡng, tính ổn định xã hội và cả biến đổi khí hậu. Thay vì ném lượng thực phẩm thừa vào sọt rác hay để cho thất thoát thì mọi người hãy cố gắng đưa nó tới người nghèo. “Chúng tôi thực sự lo lắng về lượng thực phẩm lãng phí và mất mát là quá lớn”, đại diện G20 nói. Không phải tới bây giờ G20 mới lên tiếng báo động về tình trạng này mà Tổ chức Lương nông Liên Hợp Quốc (FAO) năm ngoái đã cảnh báo gần 30% sản lượng nông nghiệp toàn cầu bị thất thoát hoặc bị bỏ đi. FAO cũng cho rằng nếu lượng thực phẩm bị vứt đi hay thất thoát này có thể giúp cho 800 triệu người thiếu ăn vượt qua cảnh khốn khó.

Lời báo động – kêu gọi của G20 được rất nhiều tổ chức, cá nhân trên thế giới giơ tay hưởng ứng. Rất nhiều nhà hàng từ Amsterdam cho tới New York bắt đầu tham gia. Lượng thức ăn thừa được các cửa hàng thực phẩm địa phương thu về và chế biến lại. Báo chí khắp nơi cũng tham gia công cuộc tuyên truyền tích cực nhằm hạ tỷ lệ phung phí thực phẩm trên toàn thế giới xuống càng nhanh càng tốt.

Nổi bật nhất là nhà hàng – dịch vụ ăn uống công cộng Tapori Tiffins ở Thụy Điển đã cho ra đời nhóm Rude Food (tạm dịch là Thức ăn khỏe mạnh). Nhóm này không đơn giản chỉ là gom thức ăn thừa, thực phẩm bỏ đi để xử lý lại mà nhóm làm việc có kế hoạch dài hơi khi can thiệp ngay từ công đoạn trồng trọt, sản xuất, bán sỉ và lẻ; xác định những điểm bỏ phí thực phẩm để chế biến lại.

Kết quả của Rude Food thu được khiến các nhà hàng khác phải suy nghĩ lại. Nếu như các nhà hàng khác phải bỏ ra tới 25% chi phí cho thực phẩm thì Rude Food chỉ cần có 5%. Không chỉ cung cấp bữa ăn sáng và trưa, Rude Food còn có chỗ để khách hàng tham quan các các sản phẩm từ thực phẩm bỏ phí và thất thoát cũng như có chỗ để khách hàng tham gia chế biến lại thực phẩm bỏ phí và thất thoát.

Rude Food muốn tạo ra sự nhận thức mới cho người tiêu dùng. Ở các nước đang phát triển, thực phẩm thất thoát trong quá trình sản xuất. Các nước công nghiệp thì thực phẩm mất do lượng cung vượt quá cầu. Hai sự lãng phí khác nhau nên cần có những hướng dẫn của chính quyền các nước tùy theo tình hình.

Chẳng hạn, với nước nghèo, trình độ sản xuất thấp thì cần hướng dẫn nuôi trồng đúng phương pháp, đủ sản lượng cần thiết thay vì làm ra dư thừa quá mức. Ở nước phát triển thì cần phân loại thực phẩm nhằm tránh tình trạng người mua lựa loại thực phẩm tốt và gạt những thứ xấu xí hơn qua một bên cho tới lúc quá hạn. Quả không dễ để thực hiện có kết quả tốt nếu mọi người không cùng nỗ lực hết mình.

ANH THƯ (Theo Triplepundit)

;
.
.
.
.
.