.
KỶ NIỆM 125 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2015)

Thử bàn về một từ trong Di sản Hồ Chí Minh

.

Chỉ một từ “đàng hoàng” thôi và dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nó vẫn có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc và cũng rất thời sự.

Vì thế, đây là sự tiên báo của Hồ Chí Minh trước những thách thức gay go đang đặt ra trong cuộc sống bộn bề hôm nay…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951).
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951).

Chúng ta đều biết những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế là rất phong phú, trong đó có nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Đã có rất nhiều tác giả nghiên cứu, phân tích những giá trị đó. Tuy vậy, đúng như một nhà nghiên cứu đã viết trong dịp kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2014) đại ý rằng di sản của Hồ Chí Minh là một kho tàng vô giá, khai thác mãi không cùng; tôi bỗng nghĩ đến một từ mà Hồ Chí Minh đã sử dụng trong một văn bản cực kỳ quan trọng.

Văn bản đó là “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” công bố ngày 17-7-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta, đồng thời không quân Mỹ ngày càng mở rộng các chiến dịch bắn phá miền Bắc một cách dữ dội. Trong hoàn cảnh đó, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, khẳng định chí khí sắt đá của nhân dân Việt Nam, với những lời lẽ đanh thép:

“…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Đoạn văn có tính lịch sử này đã thành lời hiệu triệu thiêng liêng, dù gần nửa thế kỷ đã qua, đến nay hàng triệu người dân Việt vẫn còn thuộc lòng. Đặc biệt, dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn là khẩu hiệu có tính cương lĩnh trong mọi hoạt động, mọi mặt trận của đất nước ta hiện nay, nhất là trong tình hình thế giới đầy những biến động khó lường, Biển Đông luôn “dậy sóng”, nhiệm vụ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đang đứng trước những thử thách lớn.

Những điều này, có lẽ ai cũng biết, nhưng vì tính chất hệ trọng của nó, xin được nhấn mạnh, trước khi bàn về một từ của Hồ Chí Minh  trong văn bản nêu trên. Đó là từ “đàng hoàng” nằm trong câu cuối của đoạn trích, chứng tỏ sự tiên tri và thể hiện lòng tin vào tương lai của dân tộc của Hồ Chí Minh, ngay giữa lúc chiến tranh ác liệt: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Điều đó, nay đang dần thành sự thật. Cho dù vậy, đọc lại câu văn, tôi bỗng nghĩ: Một người luôn nói và viết rất ngắn gọn, súc tích như Hồ Chí Minh, hẳn là có nhiều ý tứ, nên Người viết “đàng hoàng hơn” trước “to đẹp hơn”.

Theo “Từ điển Tiếng Việt” (NXB Khoa học Xã hội, 1977) thì “đàng hoàng” có hai nghĩa: 1- Ra vẻ ung dung dư dật; 2- Công nhiên, không giấu giếm.

 Suy ngẫm kỹ, chúng ta thấy từ “đàng hoàng” chủ yếu hướng tới giá trị tinh thần, là sự đòi hỏi về nhân cách và đạo lý - những điều hệ trọng bậc nhất đối với mỗi con người. Trong cuộc sống, có không ít thứ “to đẹp” mà không “đàng hoàng”.

Việc “xây dựng lại đất  nước” đâu chỉ là nói đến các công trình to lớn hiện đại, mà trước hết là xây dựng con người, xây dựng thể chế và rất nhiều mặt, lĩnh vực của đời sống. Không ít bằng giả, danh hiệu giả, hàng giả… bị phanh phui… đều là kết quả của kiểu làm ăn mập mờ, là những điều không “đàng hoàng” chút nào! Một con người không “đàng hoàng” thì dù mang tước hiệu cao sang, sống trong lầu son gác tía cũng sẽ bị thiên hạ coi khinh.

Chỉ một từ “đàng hoàng” thôi và dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nó vẫn có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc và cũng rất thời sự.  Vì thế, đây là sự tiên báo của Hồ Chí Minh trước những thách thức gay go đang đặt ra trong cuộc sống bộn bề hôm nay…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.