.
Phương hay Thuốc quý

Chùm ngây - cây rau, cây thuốc

.

Còn nhớ hồi tháng 10-2007 có một tờ nhật báo đăng bài nói về cây Moringa oleifera do một Việt kiều ở Mỹ mua một số hạt giống đầu tiên gửi về giúp dân trồng xóa đói giảm nghèo nên gây xôn xao dư luận một dạo (có người còn đặt cho cái tên cây “thần diệu”, cây “độ sinh” nghe khá hấp dẫn).

Chùm ngây – Moringa oleifera. Ảnh: P.L
Chùm ngây – Moringa oleifera. Ảnh: P.L

Thực ra cây đã được biết đến và dùng hơn nghìn năm nay ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ. Tại nước ta, cây thuốc này có đã lâu. Trong Từ điển Cây thuốc Việt Nam biên soạn lần đầu năm 1996, TS.Võ Văn Chi đã có đưa vào dưới tên Chùm ngây - Moringa oleifera Lam., thuộc họ Chùm ngây - Moringaceae. Ở Việt Nam, cây thường trồng ở các tỉnh, thành từ Đà Nẵng, Quảng Nam qua các tỉnh Nam Trung bộ đến tận Kiên Giang, trong các vườn gia đình làm rau ăn. Người ta thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, rễ chùm ngây có tính kích thích, hoạt huyết, gây trung tiện, làm dễ tiêu hóa, trợ tim và bổ tuần hoàn, làm dịu; có tác dụng tốt đối với hệ thần kinh và gây sảy thai cũng như vỏ cây. Quả có tác dụng làm giảm đau; hoa kích thích và kích dục; hạt làm dịu cơn đau. Gôm từ thân cây chảy ra, màu trắng, cũng có tác dụng làm giảm đau nhẹ. Nhiều bộ phận của cây như quả, lá non, hoa, các nhánh non đều có thể dùng làm rau ăn nhưng phải nấu chín.

Nghiên cứu khoa học về chùm ngây:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về lá chùm ngây non ở miền Nam nước ta, trong 100g còn tươi có 6,35g chất đạm, 1,7g chất béo, 8g bột đường, 1,9g chất xơ, 3,75g chất khoáng (trong đó phosphor 50mg, kali 216mg, calci 122mg, magnesium 123mg, đồng 0,1mg, sắt 16mg, caroten 6.250 UI), các vitamin B1 0,2mg, B2 0,21mg, PP 2,25mg và C 110 - 220mg. Như vậy, lá chùm ngây non là loại rau giàu dưỡng chất.

Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng, giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, acid amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol. Theo các nghiên cứu khoa học, lá và hoa còn tươi của cây chùm ngây có chứa: vitamin C nhiều hơn trái cam 7 lần, calci nhiều hơn 4 lần và protein gấp 2 lần so với sữa, vitamin A gấp 4 lần so với cà rốt, potassium gấp 3 lần chuối.

Cách chế biến món ăn:

- Các món canh: nấu canh với tôm, tép, cá trê, thịt nạc... hoặc nấu canh chay với bí ngô, bắp non bào nhỏ và đậu phộng sống giã nát. Sau khi nêm nếm cho vừa ăn, dùng lá chùm ngây non rửa sạch xắt nhỏ bỏ vào nồi canh khi nước đang sôi, trộn đều rồi nhấc xuống ngay, không để sôi thêm.

- Trộn dầu giấm: Lá chùm ngây non và đọt non vừa đủ dùng, rửa sạch, trộn với dầu giấm, ít muối, tiêu, đường. Món sống này không còn mùi hăng của lá. Có thể thêm vào ít cà chua và hành tây.

Vài kinh nghiệm chữa bệnh:

Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglay: cứ 5 ngày thì dùng 2 nắm rễ cây chùm ngây còn tươi (150g) rửa sạch băm nhỏ nấu với 2 lít nước còn nửa lít thuốc chia uống 2 lần trong ngày. Phụ nữ Raglay trong tuổi sinh đẻ nếu uống nước sắc rễ chùm ngây thì không có con.

Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid. Làm giảm acid uric, ngăn ngừa sỏi oxalat: mỗi ngày dùng 100 g rễ tươi (30 g khô) rửa sạch, nấu với 1 lít nước sôi 15 phút. Uống cả ngày.

Giúp ổn định huyết áp và đường huyết, bảo vệ gan, trị suy nhược: mỗi ngày dùng 150g lá chùm ngây non rửa sạch, giã nát, thêm 300 ml nước sạch, vắt lấy nước cốt (hoặc dùng máy xay sinh tố) thêm 2 muỗng canh mật ong, trộn đều, chia uống 3 lần trong ngày.

Trị u xơ tiền liệt tuyến: rễ chùm ngây tươi 100 g + lá trinh nữ hoàng cung tươi 80 g (hoặc rễ chùm ngây khô 30 g + lá trinh nữ hoàng cung khô 20 g). Nấu với 2 lít nước còn lại nửa lít. Uống 3 lần trong ngày.
Lắng nước: dùng 2 trái chùm ngây tươi đã có hột già. Lấy hột giã nát quậy đều 5 phút với 3 lít nước. Để lắng 2 giờ thì có nước trong dùng được.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng cây chùm ngây.

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.