.
Mẹ và bé

Trẻ cần những câu chuyện đáng sợ

.

Giữa cổ tích và kinh dị, hẳn nhiên mẹ sẽ chọn phương án đầu tiên để kể con nghe. Tuy nhiên, những câu chuyện đáng sợ cũng rất cần cho sự phát triển của con trẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, những câu chuyện kinh dị ngoài cung cấp tính giải trí tuyệt vời, còn là “người bạn” đồng hành quan trọng trong một vài giai đoạn phát triển mang tính quyết định của trẻ em.

1- Lấy sợ trị sợ

Không phải là nỗi sợ bước ra từ chuyện kể, trẻ ở độ tuổi nào cũng phải đối mặt với đa thể loại các nỗi sợ khác nhau: Lo lắng mình bị cho ra rìa khi có em, ghét đi học, sợ cô giáo, hoảng hốt khi ở một mình, lạc ba mẹ hoặc sợ bị bỏ rơi.

Đối với trẻ, sự thật là không có sự hoang mang nào lớn bằng việc bị tách khỏi ba mẹ, người thân của mình. Thay vì để bé con đắm chìm trong những suy nghĩ ắt hẳn phải diễn ra này, tại sao mẹ không để những câu chuyện cổ tích đáng sợ dạy con cách đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi?

Trẻ khoảng 5 tuổi đã có thể thấm nhuần giá trị tinh thần của chuyện kể đem lại. Từ nhân vật trong truyện, trẻ gián tiếp cảm nhận và trải nghiệm những cảm xúc khi nhân vật chính gặp nguy hiểm và tìm cách chống đỡ.

Thông qua sự dũng cảm của nhân vật chính trước tình huống đáng sợ, bé được trấn an rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Đây chính là bước đầu tiên trong quá trình vượt qua chính mình của trẻ suốt cả thời gian về sau.

Không chỉ riêng về sự ám ảnh hay sợ hãi, những câu chuyện dạng này còn giúp trẻ giải quyết với cảm xúc tiêu cực đang “vật lộn” trong suy nghĩ. Chẳng hạn như thói đố kỵ, ghen ghét hay ích kỷ của Cám dành cho Tấm, dạy cho trẻ bài học về hậu quả của anh chị em trong nhà nếu không biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

2- Nuôi dạy con: Đâu là giới hạn?

Sợ nhưng cũng phải có giới hạn. Không phải tất cả những tình tiết bạo lực và đáng sợ trong sách truyện đều được liệt vào danh sách an toàn. Đối với trẻ 8 tuổi trở lên, khi trí tưởng tượng đã vô cùng mênh mông và rộng lớn, nếu mẹ gợi ý truyện không phù hợp, chẳng hạn cái ác thắng cái thiện, hậu quả sẽ vô cùng khôn lường. Trẻ vô tình bị bỏ lại với cảm giác lo sợ khôn nguôi về ma quỷ ở xung quanh mình.

Cùng là một câu chuyện nhưng khi được thể hiện bằng chữ và bằng hình ảnh sẽ mang lại hiệu ứng hoàn toàn khác nhau. Thêm đồ họa sinh động, hẳn nỗi sợ sẽ tăng lên gấp bội, và thay vì học được điều cần thiết, ấn tượng còn lại ở trẻ chỉ là hình ảnh ghê rợn.

Do đó, tốt nhất mẹ đừng nên cho trẻ tiếp cận với đề tài kinh dị thông qua phim ảnh. Cảnh sói ăn thịt bà cô bé quàng khăn đỏ vẫn nhẹ nhàng qua lời kể của mẹ hơn qua phim. Dù gì đi nữa, trong lòng ba mẹ, trẻ vẫn cảm thấy an toàn nhất.

Q.T (Theo marrybaby)

;
.
.
.
.
.