Đà Nẵng cuối tuần

Từ điện ảnh tới kinh tế thế giới

07:42, 01/03/2015 (GMT+7)

Patricia Arquette đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Diễn viên 46 tuổi này đóng vai bà mẹ đơn thân mạnh mẽ trong bộ phim Boyhood.

Giám đốc IMF Christine Lagarde.
Giám đốc IMF Christine Lagarde.

Nữ diễn viên người Mỹ sau khi nhận tượng vàng đã có bài phát biểu ngắn gọn khiến mọi người vỗ tay tán thưởng không ngớt. Sức lan tỏa của bài phát biểu đó không chỉ dừng lại trong giới diễn viên mà cả thế giới đều hoan nghênh. “Để những phụ nữ đã sinh con, để mỗi người nộp thuế và mọi công dân, chúng ta hãy đấu tranh cho sự công bằng. Đây là thời điểm để cân bằng về mức hưởng lương giữa nam và nữ…”, Patricia Arquette nói.

Đồng thanh tương ứng! Sau lời phát biểu kêu gọi sự bình đẳng giới trong trả lương của nữ diễn viên Arquette, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra kết quả nghiên cứu về sự mất cân bằng chi lương cho nam và nữ đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Giám đốc IMF là Christine Lagarde – người phụ nữ đầu tiên đứng đầu tổ chức này càng thích thú hơn với bài phát biểu của Arquette. Kết quả nghiên cứu về sự bất công giữa nam và nữ trong việc được trả công của IMF là rất đáng suy ngẫm. Tùy theo sự bất công ở mỗi nước là GDP giảm từ 15% tới 35%.

IMF lấy dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới để phân tích ở hơn 40 quốc gia. IMF nhận ra được mặc dù đã có sự tiến bộ nhưng gần 90% các nước có ít nhất 1 cản trở pháp lý cho nữ giới. 28 nước có từ 10 cản trở pháp lý trở lên. Chẳng hạn như người chồng có quyền cấm vợ đi làm! Một nửa số quốc gia mà IMF nghiên cứu lần này đã tăng 5% ở lực lượng lao động nữ trong 5 năm qua nhờ những thay đổi luật pháp về giới tính.

Tuy nhiên, những nước như Hi Lạp, Ý, Nhật Bản bị giảm GDP 15% vì mất cân bằng chi trả công cho nữ; trong khi đó Qatar, Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất bị giảm GDP tới 35%. Ngay cả một nước phát triển mạnh mẽ như Canada nhưng phụ nữ chỉ nhận được 80% lương so với nam giới làm cùng công việc.

Giám đốc IMF, Christine Lagarde chỉ ra mô hình tiêu biểu về cân bằng trả lương nam nữ ở Peru đã giúp nước này phát triển kinh tế mạnh mẽ. Peru thay đổi hiến pháp năm 1993 nhằm bảo đảm sự cân bằng cho nam và nữ, chấm dứt sự phân biệt đã tạo điều kiện cho nữ gia nhập lực lượng lao động. Chỉ trong vòng 5 năm, lực lượng lao động nữ đã tăng 15%.

Một yếu tố đáng để thúc đẩy việc trả lương công bằng cho nam nữ là lực lượng lao động hiện tại trên toàn thế giới có dấu hiệu lão hóa. Do đó, cần tăng tỷ lệ lao động nữ, công bằng trong trả lương để tránh tình trạng thiếu lao động trong những năm tới. Giám đốc Christine Lagarde hy vọng khí thế ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 sắp tới sẽ giúp nhiều quốc gia thay đổi về điều bất hợp lý này.

ANH THƯ (Theo The Star, WSJ)

.