.

Thầy giáo dạy múa

.

Công việc chăm sóc, giáo dục, nuôi dạy trẻ ở trường mầm non lâu nay vẫn mặc định được xem là của các giáo viên nữ, bởi đàn ông chân tay cứng, khó thể hiện những động tác mềm mại khi múa cho trẻ.

Thầy Trà Thanh Phong hướng dẫn học sinh Trường mầm non 19-5 tập tiết mục văn nghệ mừng Đảng, đón Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh:N.Đ
Thầy Trà Thanh Phong hướng dẫn học sinh Trường mầm non 19-5 tập tiết mục văn nghệ mừng Đảng, đón Xuân Ất Mùi 2015. Ảnh:N.Đ

Vậy mà thầy Trà Thanh Phong, giáo viên Trường mầm non 19-5, quận Hải Châu lại múa dẻo chẳng thua kém các cô. Thầy Phong là giáo viên nam dạy múa gần như duy nhất ở Đà Nẵng hiện nay.

Chọn nghề vì yêu trẻ

Những ngày áp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, không khí ở Trường mầm non 19-5 vui nhộn hẳn so với ngày thường. Một sân khấu rộng được dựng lên giữa sân trường để chuẩn bị đêm văn nghệ mừng Đảng, đón Xuân 2015 do nhà trường tổ chức. Xen giữa những học sinh mầm non áo quần lộng lẫy, đầu cài hoa xanh, đỏ, thầy Thanh Phong hướng dẫn tập dượt cho các em từng động tác múa, nhún nhảy theo điệu nhạc rất nhịp nhàng. Cứ vậy, hết tiết mục văn nghệ của lớp này đến lớp khác, tiếng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt của thầy trò và phụ huynh vang lên không dứt.

Nhà ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, hồi còn nhỏ Phong và các bạn suốt ngày vui chơi với các bạn cùng xóm rất hồn nhiên, vô tư. Những năm tiểu học, Phong là “cây” văn nghệ của trường. Sẵn có tố chất ca hát, nên học hết lớp 12, cậu học trò Trà Thanh Phong chọn theo học ngành Quản lý Văn hóa của trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng. “Trong ngành học này có bộ môn múa. Thấy mình múa “dẻo”, các thầy cô động viên mình chuyển sang học chuyên ngành diễn viên múa”.

Vừa học, cậu sinh viên Trà Thanh Phong vừa tranh thủ đi dàn dựng tiết mục văn nghệ cho các trường mầm non, tiểu học, THCS để luyện nghề, cũng như kiếm thêm thu nhập. Sự nhiệt tình, cộng với tài năng bẩm sinh, cậu sinh viên Trà Thanh Phong đã gây được tiếng vang lớn trong ngành GD&ĐT khi dàn dựng nhiều tiết mục văn nghệ và đoạt giải cấp thành phố cho các trường: THCS Trưng Vương, THCS Nguyễn Huệ, TH Lê Bá Trinh… Năm 2008, Thanh Phong tốt nghiệp và được lãnh đạo Trường mầm non 19-5 nhận về công tác. Ngoài việc dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho nhà trường vào các ngày lễ, mỗi tuần thầy Phong có 3 buổi dạy múa balê, nhảy hiện đại, các điệu múa truyền thống cho học sinh.

Múa dẻo không thua kém các cô

Dạy trẻ mầm non đòi hỏi giáo viên phải thật sự mềm dẻo, hiểu được các em thì mới “lái” các em vào quỹ đạo chung. Muốn làm được điều này, giáo viên phải luôn ngọt ngào, biết kể chuyện, pha trò để thu hút trẻ nhỏ. Đó là kinh nghiệm thầy Phong có được trong suốt 7 năm làm giáo viên dạy múa. Trẻ con hay nghịch ngợm, ít tập trung, vì thế kỹ năng quan trọng nhất là thu hút sự chú ý, trò chuyện được với trẻ. Trong quá trình lên lớp, thầy phải hóa thân, đóng vai như các cháu để huấn luyện từng động tác.

Gặp trường hợp học sinh tiếp thu chậm, thầy phải nhẹ nhàng bày lại từng động tác để cháu làm cho bằng được. “Càng đứng lớp, mình càng thấy yêu trẻ. Những lúc gặp phải những muộn phiền trong cuộc sống, nghĩ đến ánh mắt trẻ thơ, những tiếng cười hồn nhiên, vô tư của các cháu, mình cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Có lẽ, cái nghề dạy múa cho trẻ mầm non như một duyên nợ níu chặt vào đời mình rồi”, thầy Phong tâm sự.

Kể từ ngày thầy Trà Thanh Phong phụ trách dạy múa, các phong trào văn hóa, văn nghệ của Trường mầm non 19-5 luôn đoạt giải nhất cấp quận, cấp thành phố. Đặc biệt, năm 2010, tiết mục múa “Sức sống” do thầy Phong dàn dựng đại diện cho ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng dự thi cấp Quốc gia đoạt Huy chương đồng. Theo cô Lê Thị Thanh Thời, Hiệu trưởng Trường mầm non 19-5, thầy Trà Thanh Phong rất có tâm huyết với nghề, hết lòng thương yêu trẻ thơ. Dù là nam giới, lên lớp thầy múa dẻo, mềm mại không thua gì các đồng nghiệp nữ, các bé mẫu giáo rất thích các tiết dạy của thầy.

Bà Phan Thị Thuận Nhi, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm này, thầy Trà Thanh Phong là giáo viên nam đầu tiên trên địa bàn thành phố dạy múa cho học sinh trường mầm non. Dù là nam, song trình độ chuyên môn, “ngón nghề” của thầy không hề thua kém bất kỳ giáo viên nữ nào.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.