.

Suy nghĩ về tỉ lệ của mái Gươl

.

Một kiến trúc đặc biệt, một ngôi nhà cộng đồng được toàn bộ người dân trong làng góp công xây dựng,  nhà Gươl luôn là điều khiến người bạn Cơtu có thể giúp người miền xuôi làm khách trọ hoặc giới thiệu với niềm tự hào.

Mặt chính của một Gươl.
Mặt chính của một Gươl.

Ứng xử hợp lý với môi trường thiên nhiên

Tôi không nhớ hết mình đã kéo thước đo bao nhiêu Gươl từ Hiên đến Giằng - tên cũ của Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang hôm nay. Từ những năm 1985 đến nay, năm nào cũng trở lại thăm vài vùng núi của miền Tây Bắc Quảng Nam, quan sát những ngôi nhà truyền thống mái lợp tranh, lá đang bị mất dần khi người miền núi đang chịu ảnh hưởng của kiến trúc miền xuôi. Sự hấp dẫn của cái mái cong ở đầu hồi, xinh xắn như cái mai rùa, không giống bất cứ kiến trúc của các dân tộc láng giềng ở vùng Trường Sơn và Tây Nguyên mà mái Gươl của người Cơtu đã tạo nên sự bí ẩn đối với những ai cần  tìm hiểu.

Những năm 1993-1996 của thế kỷ trước, kiến trúc sư người Nhật, ông Shiigeda Yukata đã bị hấp dẫn bởi những ngôi nhà có mái hình mai rùa này nên đã lặn lội đến làng Zara, xã Tabhing huyện Giằng để nghiên cứu. Có cái gì đó trông như mái nhà của người Ainu - tộc người cổ bản địa ở phía bắc Nhật Bản. Và rất giống việc tôn thờ con vật thiêng - con trâu - nên hình tượng lặp lại kiểu trang trí các môtíp đầu trâu trên ngôi nhà truyền thống TongKonan của người Toraja ở Sulawesi, Indonesia. Thông qua nhiều tài liệu cùng những thông tin trên Internet ta có thể biết được nhiều kiểu nhà, những kiến trúc dẫu ở nơi rất xa nhau nhưng lại có những điểm giống nhau kỳ lạ! Sự chọn lựa ngẫu nhiên hay cố ý theo yếu tố vật thờ chắc chắn đặt nặng lên đôi tay và khối óc của những nhà “thiết kế cổ xưa” để cho ra kiểu kiến trúc độc đáo của từng tộc người.

Với người Cơtu, ngôi nhà cộng đồng có 2 kiểu mái: Kiểu nhà có mái tròn như cái nón đội gọi là Choong Gươl (đã từng xây dựng ở thôn Tống Cói, xã Ba, Đông Giang đã bị hỏng vào năm 2008 và đây là nhà cuối cùng); loại thứ hai chỉ uốn tròn hai đầu hồi thường gọi chung là Gươl mà chúng tôi sẽ đề cập đến.

Người Cơtu đã đóng góp vào kho tàng kiến trúc dân gian ngôi nhà Gươl với cách ứng xử hợp lý và khôn ngoan với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, khi hằng năm những kiến trúc ở vùng này thường xuyên bị đe dọa bởi những cơn bão biển từ phía đông vào. Chính mái nhà xuôi, tròn, uốn cong mềm mại đã hóa giải những cơn bão mạnh. Tôi chắc rằng địa bàn cư trú ngày trước của người Cơtu đến tận gần vùng cửa biển ở Nam Ô của thành phố Đà Nẵng, nơi từng có những mái Gươl hiên ngang đón gió biển. Vì vậy nếu ta thử dựng một ngôi nhà cộng đồng có mái đứng hứng đầy gió (hình lưỡi rìu) như nhà Rông ở Tây Nguyên thì không phù hợp ở địa bàn này.

Bên trong của Gươl.
Bên trong của Gươl.

Người Cơtu không tu bổ, phục hồi Gươl như người Kinh

Gần 4 năm trước, tôi đi thăm trở lại những mái Gươl từ Nam Giang đến Tây Giang với người bạn kiến trúc sư trẻ đang làm đề tài nghiên cứu. Ở vùng núi lúc ấy nắng nóng rát, buổi chiều thường có những cơn mưa dông lớn và kéo dài, chúng tôi vẫn thong thả ngồi trong mái Gươl đo vẽ. Buổi trưa nóng thì ngả lưng trên sàn tre êm ái đón gió. Chúng tôi có thời gian nhìn ngắm và kiểm tra những số đo, những tương quan về tỷ lệ giữa chiều rộng, chiều dài với chiều cao nhà cũng như tỷ lệ từ đất lên sàn, từ sàn đến nóc mái và quan trọng nhất là độ xuôi mái bao nhiêu độ để có mái Gươl đẹp nhất!

Điều làm chúng tôi quan tâm nữa là sự phân chia hợp lý của tỷ lệ phần mái lá với thân nhà. Khi đứng bên ngoài quan sát, ta chỉ cảm nhận được mái Gươl này đẹp hơn mái Gươl kia, nhưng chưa thể lý giải được vì sao? Vài thông tin về kỹ thuật làm Gươl mà chúng tôi có được từ anh Arắc Sự, cán bộ phụ trách văn hóa xã Chaval, huyện Nam Giang cung cấp. Như những qui ước rộng - dài với nhà rộng 5 mét thì chiều dài 7 mét, xem như tỷ lệ 5/7, hay chiều rộng nhà bằng chiều dài của kèo đỡ mái là những thông tin khá lý thú mà bước đầu chúng tôi tiếp nhận được.

Qua những gì thu thập được, chúng tôi đúc kết được vài số đo cụ thể, thể hiện mối tương quan về tỷ lệ của chiều rộng với chiều dài Gươl: (xem bản dưới)

Đây là số đo phủ bì của chiều dài và chiều rộng của mái Gươl khi đã phủ tranh. Thoạt nhìn ta chỉ có thể quan sát được mặt đứng của mặt chính của Gươl còn phần mặt bên hay chiều rộng có thể khó nhận biết hơn. Thường thì  khung bằng gỗ bao quanh làm vách lửng cho mọi người ngồi bên trong sinh hoạt cũng đã cho ta những tỷ lệ rộng - dài tương ứng là 5/7, 6/10. Đứng xa nhìn mặt chính với  phần mái Gươl cần lưu ý độ nghiêng của hai mái hồi tức là độ dốc của hai mái hồi (thường 60 độ là độ nghiêng của mái trước và mái sau). Một điều đáng lưu ý là  tỷ lệ của phần giới hạn mái tranh - từ nơi đầu tranh đến mặt đất so với chiều cao của toàn nhà. Sẽ quá cao nếu từ nền đất đến đầu tranh quá 2.300 (mm) với một Gươl trung bình. Từ đó chúng tôi tạm nhận xét số đo từ nền đất đến sàn không nên quá 2.000 (số đo chúng tôi ghi được ở những Gươl đẹp thường chỉ 1.200 đến 1.600).

Quan sát, nhìn ngắm để chọn Gươl đẹp chúng tôi tạm kết luận Gươl trong khuôn viên của huyện ủy (dựng vào năm 2011) có số đo như bản trên nhưng với độ dốc 57 độ, kết hợp phần nền đất đến mái tranh 2.200, sàn chỉ cao không quá 1.000, trong tỷ lệ chiếm  tổng thể chiều cao đến nóc nhà là 6.700. Qua các số liệu trên, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ giữa chiều cao mái tranh so với chiều cao toàn nhà là 2/3. Đã có nhiều Gươl đẹp như Gươl thôn T’ghêy xã Avương, Tây Giang nay đã mất.

Theo tập quán làng cũng như các điều kiện về nhân tài, vật lực, làng nhiều người thì dựng Gươl to, ít người thì dựng Gươl vừa. Và như vậy không thể tùy tiện to - nhỏ, rộng - dài mà chắc rằng người thợ mộc Cơtu đã có những kinh nghiệm của các kích thước ngày xưa dù chỉ đo bằng sải tay, cánh tay, khuỷu tay. Người Cơtu không tu bổ, phục hồi Gươl như người Kinh, nếu hỏng thì làm lại mới và có thể dựng nơi khác.

Chúng tôi may mắn còn giữ số đo, một số bản vẽ  mà  nhiều Gươl dựng trước năm 1995 nay đã bị hỏng và biến mất. Nhiều Gươl mới dựng lại nhưng không phải Gươl nào cũng đẹp. Sự tùy tiện trong kích thước, và quan trọng nhất là sử dụng các công cụ mới trong chế tác như máy bào,… học các kiểu liên kết gỗ (mộng mẹo) của người miền xuôi và đồng thời tùy tiện chọn các đề tài trang trí khá xa lạ với văn hóa địa phương cũng sẽ giảm đi giá trị của ngôi nhà cộng đồng mà vị quan ba người Pháp Le Pichon trong những năm 30 của thế kỷ trước đã từng ca ngợi khi được nghỉ ngơi trong Gươl.

Cuối cùng người viết bài này cũng thấy cần tiếp tục có một tổng điều tra về công việc chế tác Gươl gồm khảo sát, đo vẽ, chụp ảnh, thống kê lại những Gươl đã dựng trên toàn địa bàn cư trú của đồng bào Cơtu.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

;
.
.
.
.
.