.

Bao la cõi người

.

Trong chặng đường phát triển của thành phố Đà Nẵng luôn có dấu ấn của một con người - ông Nguyễn Bá Thanh, cố Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố.

Người dân xúc động tiễn biệt người con ưu tú Đà Nẵng về với đất mẹ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Người dân xúc động tiễn biệt người con ưu tú Đà Nẵng về với đất mẹ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhân 49 ngày mất của ông,  ĐNCT xin gửi tới bạn đọc tấm lòng đầy kính trọng đối với con người đã dành nhiều tâm huyết cho một Đà Nẵng đột phá, sáng tạo và ngày càng khẳng định vị thế của mình.

Trước năm 1997, tôi không biết ông Nguyễn Bá Thanh là ai cả, tôi chỉ ấn tượng khi lần đầu tiên nghe ông nói chuyện với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục thành phố Đà Nẵng lúc mới chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng ra hai đơn vị hành chính.

Buổi nói chuyện không dài dòng, cao xa, không triết thuyết, ông chỉ thăm hỏi, gặp gỡ anh em làm công tác quản lý giáo dục. Ông cảm ơn và động viên rồi ông mong ngành giáo dục nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục con em nhân dân thành phố những ngày tới. Ông dành 30 phút để anh em phát biểu ý kiến. Tôi nhớ anh Trương Bá Tùng có phát biểu gì đó cùng một vài ý kiến ngắn của hai ba người nữa rồi nghỉ. Hình như một vài năm sau, tôi cũng có dịp nghe ông nói chuyện ở Hội trường Trường THCS Trưng Vương.

Tôi nhớ vài anh em ra ngoài lan can hút thuốc, ông nhìn ra rồi tiếp tục nói chuyện thoải mái, dí dỏm… Buổi gặp nói chuyện lần này cũng ngắn gọn và ông yêu cầu một số công việc cụ thể, không phải chuyên môn mà về bảo quản cơ sở vật chất, về đề xuất yêu cầu thành phố hỗ trợ giáo dục của từng đơn vị trường qua Sở Giáo dục-Đào tạo.

Năm 2000, thành phố tiếp tục chỉnh trang cơ sở vật chất cho giáo dục. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân chia tách thành hai trường, tôi về trường mới Hà Huy Tập, ở Xuân Đán. Lúc này, trường chỉ là một cơ sở nhỏ hẹp với 6 phòng học, một văn phòng dài 8m, rộng 2m, 2 cửa ra vào.

Tôi làm tờ trình xin thành phố một nơi mới để xây trường tạo điều kiện cho học sinh học tập. Để tranh thủ thời gian, tôi và anh Võ Văn Phương lúc đó là Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh đến gặp ông Chủ tịch UBND thành phố. Trước 6 giờ, anh C. đứng ở cửa ra vào phòng làm việc, hỏi: “Đi đâu sớm thế?”.

Tôi nói xin gặp Chủ tịch, ảnh không cho vào. Tôi thoáng thấy một người to cao đang đánh răng, cái khăn vắt trên vai, tôi đoán chắc ông Chủ tịch đây rồi, và ông khoát tay cho vào ngồi ở bàn khách (bộ salon gỗ cũ bình thường). Nhanh chóng ông hỏi có việc gì. Anh Võ Văn Phương trình bày vắn tắt và ông bảo để tờ trình lại mà không nói gì. Chào ông ra về, lòng hồi hộp chờ đợi, không biết kết quả thế nào.

Chưa tới 3 ngày sau, nghe anh Sơn kỹ sư xây dựng gọi điện báo “một giờ nữa anh Thanh xuống trường xem thực tế”. Tôi hốt hoảng báo cho Chủ tịch UBND phường là cô Lê Thị Nhớ. Tức tốc, cô cùng một vài nhân viên Ủy ban xuống trường đứng chờ ở sân. Chờ hơn nửa giờ, không thấy ai! Thì ra, ông xuống ngay khu đất xin giải tỏa đền bù xây dựng trường (Khu nhà vườn của cô giáo Tạ Thị Hồng Duẩn), giáo viên trường đã nghỉ hưu, cô Duẩn có mở lớp giữ trẻ và một số em chuẩn bị vào lớp một. Trời mưa cả đêm nên khu vườn khá bẩn, những vũng nước còn đọng lại.

Ông xắn quần, tay áo xăn lên, lấy gói thuốc lá trong túi áo, mở gói thuốc còn nguyên xi, rút 1 điếu chìa về anh con trai cô giáo Duẩn. Anh con trai ở trần với chiếc quần đùi, tay xăm hình, mắt trừng trừng không nói một tiếng nào, đưa tay cầm điếu thuốc. Cô Lê Thị Nhớ, Chủ tịch Ủy ban phường nói với anh (con cô giáo Duẩn) đây là anh Thanh, Chủ tịch UBND thành phố, anh cũng không nhìn và bỏ vào nhà. Ông có trao đổi gì đó với mấy cán bộ tháp tùng. Tôi chỉ nghe anh Sơn nói: “Báo cáo anh, cái này (tức xây dựng và đền bù) phải trên 2 tỷ anh à”. Ông nói lại: “Nếu cần thì 4 - 5 tỷ cũng làm”; rồi ông đi nhanh ra xe chạy luôn không vô trường.

Tôi nhớ rõ như in sáng mai hôm ấy.

Một tuần sau, thấy thợ về dọn dẹp tường rào của trường và thông báo xây dựng trường mới 3 tầng với 24 phòng học; trước mắt, không giải tỏa nhà cô giáo Duẩn. Tôi cho học sinh học ca 3 về cơ sở lẻ, trường xây dựng từ tháng 3 đến đầu năm học sau vừa kịp khai giảng trên ngôi trường mới to đẹp, khang trang. Học sinh, giáo viên, phụ huynh vui mừng không kể xiết! Những năm học sau, số học sinh tăng vọt, chất lượng dạy và học cũng đi lên thực chất, làm nức lòng người dân địa phương.

…Nghe tin ông trở về lại quê nhà để tiếp tục điều trị bệnh. Tôi mơ hồ bao chuyện buồn vui khi nhìn mây trắng bay đầy trời và những cơn gió lạnh lập xuân lướt qua. Thường trực trong tôi là ông còn quá trẻ, ở độ chín để cống hiến cho quê hương xứ sở. Ông đã tốt nghiệp đại học, đi làm chủ nhiệm hợp tác xã vùng quê, rồi đi làm giám đốc nông trường chè ở vùng miền núi rất bình thường.

Tôi nghĩ, nếu như người khác, thời điểm đó (sau năm 1975) với bằng cấp và được đào tạo trường học sinh miền Nam dưới mái trường XHCN, người ta không làm ở HTX một miền quê hoang sơ nghèo khó, lại sau chiến tranh, làng mạc còn xơ xác, người dân còn quá nghèo khó.

Hôm trước Tết, nhà thơ Đông Trình gửi cho tôi bài thơ viết tay “Bao la cõi người”:

“Tuổi đời đã ngoài bảy mươi
Quanh tôi bè bạn bao người ra đi
Không nói gì, biết nói gì
Lẽ đời đã hiểu từ khi lọt lòng
Dòng đời hai nhánh đục trong
Luật đời Sinh – Tử một vòng luân lưu
Làm sao giữ trọn thương yêu
Để khi nằm xuống không điều
ăn năn…”


Và theo tôi, ông không hối tiếc gì, không phải ăn năn gì khi ra đi, chỉ người ở lại, đa phần thương tiếc ông, mỗi người một cách nhưng nói chung là kính trọng, yêu mến ông, một “vĩ nhân” của riêng họ, những người khá giả và những người nghèo khó. Lam lũ mưu sinh trên thành phố này, thành phố ngày trước là cách sông trở đò. Những xóm nhà chồ lửa chài leo lét lúc đêm về.

Khi ông ra đi thực sự, tôi đã ở quê nhà Quảng Trị. Ba ngày liền (30, mồng một, mồng hai Tết) tôi không buồn chạm đến một ly bia hay ngụm rượu. Nơi quê hương Quảng Trị, những cơn mưa lất phất và gió lạnh buốt qua những ô ruộng mượt mà lúa non. Tiếng tu hú, chim cuốc kêu liên hồi. Rừng cây của làng xanh ngát. Sáng tinh mơ, từ xóm đổ ra đường cái quan, mấy o, mấy mẹ, các em nhỏ tíu tít đi chợ Huyện mua sắm, ngắm Tết.

Chợt ngậm ngùi nhớ về Đà Nẵng những ngày này, chắc chắn lòng người chùng xuống, một cái Tết có cái gì đó hụt hẫng, bơ vơ. Nếu tôi không về quê, tôi sẽ mua nhánh hoa lên gần khu nhà ông đặt xuống, chắp tay hướng về nơi ông đã nằm yên để bày tỏ lòng kính trọng của cá nhân mình… Thôi thì một ngày nào đó, sẽ đến nơi ông yên giấc ngàn thu thắp nén nhang, nhìn di ảnh ông và cúi đầu nghe gió thổi.

Từ Đà Nẵng, đồng nghiệp báo ra từng chi tiết về đám tang ông, về nơi yên giấc ngàn thu nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Đốt nén hương hướng về Đà Nẵng, nơi tôi nhận quê hương thứ hai đời mình, hướng về ông với tất cả tấm lòng kính trọng biết bao! Xin mượn mấy câu thơ của nhà thơ Đông Trình để kết thúc đôi dòng tản mạn này:

“Chiều nay ai đã đi xa
Mình tôi lạc giữa bao la cõi người!”.

NGUYỄN ĐỨC THẮNG

;
.
.
.
.
.