.

Quế viên Thương mãi hội

.

Câu chuyện về Quế viên Thương mãi hội xảy ra ở vùng thôn quê ven kinh đô Huế vào năm 1916 ngay trước khi diễn ra cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916. Nhưng câu chuyện này lại liên quan đến những người con xứ Quảng và những hoạt động của nhiều nhân vật ở Quảng Nam 10 năm về trước.

Một trang trong tài liệu số 29 hồ sơ 65530 (ảnh trái) tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp, ngày 16-11-1908, trong đó có nêu rõ tên chí sĩ Phan Châu Trinh, và trang bìa tập hồ sơ 7F50 (2) cũ, nay là 65530.
Một trang trong tài liệu số 29 hồ sơ 65530 (ảnh trái) tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp, ngày 16-11-1908, trong đó có nêu rõ tên chí sĩ Phan Châu Trinh, và trang bìa tập hồ sơ 7F50 (2) cũ, nay là 65530.

Từ  “hội buôn” và “hội kín” ở Quảng Nam

Trong hồ sơ lưu trữ của Pháp ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại tại Aix-en-Provence (Pháp) còn giữ được 8 bản báo cáo của viên Công sứ Quảng Nam lúc bấy giờ là Charles. Đó là các bản mật báo gửi cho Khâm sứ Trung Kỳ, từ tháng 9-1906 đến tháng 3-1908 về tình hình hoạt động của những nhà yêu nước và nhiều tổ chức “hội buôn” và “hội kín” ở Quảng Nam.

Viên quan đứng đầu bộ máy cai trị này ở Quảng Nam lúc ấy tỏ ra đã theo dõi rất sít sao các hoạt động đó và các văn bản báo cáo của ông ta, vô tình đã ghi lại một bức tranh khá sinh động về phong trào đấu tranh yêu nước ở đây từ những hình thức manh nha cho đến cuộc bùng nổ mãnh liệt là cuộc “Trung kỳ dân biến” năm 1908. Trong mật báo số 99 ngày 7-9-1906, Công sứ Charles viết như sau: “Trước đây tôi đã báo cáo về sự thành lập một hội gọi là “Hội buôn” ở Quảng Nam gồm các nho sĩ và các quan lại hưu trí hay đang nghỉ việc… Họ cho lưu chuyển trong tỉnh bản đăng ký góp vốn. Họ thu thập được khá nhiều chữ ký nhưng rất ít tiền, tài sản của hội chủ yếu gồm những số tiền hứa hẹn sẽ góp. Chắc chắn những người này đang theo đuổi một mục đích chính trị…”.

Bản mật báo số 167, ngày 7-11-1907 của Công sứ Charles nói rõ thêm: “… Hội này tập hợp tất cả những phần tử đối lập với ảnh hưởng của Pháp, những viên quan trong đảng “Cần Vương” An Nam cũ, các nhà yêu nước xu hướng quốc gia kiểu Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Lúc này hội ấy hoạt động ráo riết. Các thành viên đi khắp các làng, đề nghị dân chúng cắt tóc, mặc âu phục (!) và khuyên họ tự giải quyết mọi mâu thuẫn, không cần đến cửa quan hoặc các tòa công sứ… Họ ra sức phá hoại quyền lực của các quan lại và viên chức bản xứ.

Và khi tấn công những người này thì chính họ nhằm vào chúng ta. Tôi nhấn mạnh quan điểm này dựa vào những điều trông thấy hằng ngày, dựa vào sự hiểu biết của tôi về tính cách của Phan Châu Trinh, kẻ lãnh đạo ngầm của phong trào này… Hoạt động của hội này thực hiện nhiều nhất ở hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ và đặc biệt ở vùng giáp giới giữa 2 phủ này. Các buổi họp công khai được tổ chức để các diễn giả dạy cho bọn nhà quê thật thà những cách thức mới để đưa đất nước An Nam đến tiến bộ bằng những con đường chắc chắn”.

Đến bức mật báo cuối năm 1907, vào ngày 5-12, Công sứ Charles dường như khó kiềm chế được sự bức xúc của ông ta, khi ông ta than thở rằng: “Con số người gia nhập hội ở Quảng Nam ngày càng tăng. Trong phủ Tam Kỳ và Thăng Bình, nơi ở của các thành viên có ảnh hưởng lớn nhất của hội, có những nơi toàn xã cùng gia nhập!”. Ông ta nêu lên hiện tượng nghiêm trọng là đến lúc này thì đã có sự liên kết giữa các xã với nhau. Rồi, Charles đưa ra một dẫn chứng cụ thể ở làng Phú Lâm, một trong các xã liên kết vừa nêu.

Làng Phú Lâm chính là làng của lý trưởng Lê Cơ, là anh con cô của Phan Châu Trinh. Tổ chức liên kết nói trên còn gọi là “tam thập xã thôn” ở vùng giáp ranh 4 phủ huyện là Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình và Quế Sơn. Charles báo cáo rằng: “Đứng đầu tổ chức này là lý trưởng làng Phú Lâm. Nhưng y chỉ là nhân vật thứ yếu trong hội kín Quảng Nam. Thủ lãnh thực sự là Phó bảng Phan Châu Trinh, tiến sĩ Huỳnh Thúc Hanh (tức Kháng) và Ấm Hàm…”.

Ngoài các hoạt động của quyên góp tiền quỹ, liên kết “bảo hiểm”, một trong những hoạt động của các nơi có hội buôn là thành lập các trường học và điều hành việc dạy học. Trong bản mật báo ngày 8-1-1916, Charles nêu rõ bằng chứng: “Trong 2 phủ Thăng Bình và Tam Kỳ họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi ”.

Đến Quế viên Thương mãi hội ở Huế

Vào ngày 5-6-1916, viên Khâm sứ mới của Pháp ở Trung Kỳ là Le Marchant de Trigon viết báo cáo gửi ra cho Toàn quyền Đông Dương lúc đó chính là Charles, có một chi tiết bất ngờ  "...Những lời khai do Hội đồng xét xử thu thập gần đây giúp bắt cựu tá lý Nguyễn Trung,  ở Bộ Binh. Việc này chứng tỏ có một số quan lại đương chức và cựu quan lại tham gia phe nổi dậy.” (TL 70, HS 65530, ANOM). Vậy, cựu tá lý Nguyễn Trung - hay Nguyễn Thượng Trung - là ai, đồng mưu như thế nào trong vụ khởi nghĩa bất thành ở Kinh đô Huế? Có thể tóm lược như sau:

Sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa, bộ máy cai trị tiếp tục truy tìm để bắt bớ thêm những người còn chưa bị lộ, để lần ra manh mối của tổ chức bạo loạn ở khắp các địa phương Trung Kỳ. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6-1916, trong khi lấy cung những người bị bắt ở Thừa Thiên, các nhà chức trách mới phát hiện ra rằng, ở Huế và xung quanh Huế như nhiều làng, xã, tổng ở Phú Vang, đã hình thành tổ chức “hội buôn”. Đứng đầu “hội buôn” này dưới cái tên “Quế viên Thương mãi hội” là ông Nguyễn Thượng Trung, cựu tá lý Bộ Binh, đã về nghỉ hưu ở làng Thanh Lam, tổng Ngọc Anh, huyện Phú Vang.

Tham gia hội này có cả chục người, trong đó có cả các chức sắc trong làng, xã, tổng. Tá lý Nguyễn Thượng Trung lại là một người quen thân với Nguyễn Văn Siêu, một trong bốn thủ lĩnh hàng đầu của cuộc khởi nghĩa tại Huế. Suốt một thời gian dài, ông là người cộng tác thân cận và đắc lực với Trần Cao Vân, Thái Phiên cũng như với nhiều yếu nhân của xứ Quảng ra Huế gây dựng cơ sở và lực lượng cho phong trào yêu nước. Một trong những người bạn chiến đấu đó là Phạm Thành Chương, con trai thứ hai của một danh thần đời Tự Đức quê ở xứ Quảng - tiến sĩ Phạm Như Xương, một nhà yêu nước chống Pháp ngay từ khi quân giặc ngoại xâm mới đặt chân lên đất nước Việt Nam.

Tiếp bước người cha đáng kính, Phạm Thành Chương đã quyết chí chiến đấu, bền bỉ và mưu trí cùng các vị thủ lĩnh Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề xây dựng lực lượng, cơ sở yêu nước. Trong nhiều bản khai của bản thân ông cũng như của những người bạn chiến đấu, Phạm Thành Chương nổi lên là người cộng tác với Thái Phiên trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Chính ông là người đi vẽ bản đồ thành Mang Cá, là người đi chỉ đạo việc chuyên chở vũ khí từ các làng mạc ven đô để đưa về nơi tập kết, chuẩn bị cho giờ khởi sự.

Mặc dù là một người xứ Quảng, nhưng ông lại có nhiều bạn tâm giao ngay ở các vùng thôn quê ven đô Huế. Những vùng quê đó, cũng chính là địa bàn mà Thái Phiên đã lăn lộn nhiều năm khi ra nhận thầu xây những công trình kè đập ở Thuận An - một công việc “công tư lưỡng lợi” - đó là việc hoạt động hợp pháp, nhưng chính là để xây dựng kinh tài cho tổ chức yêu nước, vừa làm đường dây liên lạc với các yếu nhân trong tổ chức cách mạng. Qua một người là cơ sở của mình, Phạm Thành Chương và Nguyễn Quang Siêu đã chỉ đạo việc sản xuất vũ khí thô sơ như dao, rựa, mã tấu, và điều khiển việc vận chuyển số vũ khí này tập kết về các địa điểm cần thiết chuẩn bị cho cuộc chiến đấu khi lệnh được phát ra.

Cơ sở của Phạm Thành Chương là Đặng Khánh Khải đã được Phạm Thành Chương giao nhiệm vụ cùng đi vận chuyển vũ khí từ các làng ven Huế… đã cho biết rằng, đội ngũ những người đồng đội của Phạm Thành Chương  mà ông quen biết có thể kể như Ngô Xuân Hòa, Nguyễn Châu Trinh, Nguyễn Trọng Ngân, Đào Duy Khánh, Hường Nhẫn, Bát Hiệp, Bùi Trí Đại, ông Nậy… ở các làng Thanh Lam, Hà Trung, Tây Thành, Bác Vọng, An Lưu, An Hòa...

Các làng Thanh Lam, Dưỡng Mong và nhiều làng xa xôi khác còn là một cơ sở gây dựng kinh tài cho tổ chức cách mạng, theo cách mà trước đây các làng xã ở Quảng Nam đã từng thực hiện thời Duy tân khởi xướng, đã từng được ông Lê Cơ thực hành ở làng Phú Lâm. Đó là việc lập ra hội buôn, thu hút nguồn kinh tài, vật lực của những người có nhiệt tâm tham gia. Chánh tổng Ngọc Anh là ông Nguyễn Trâm, lại mục huyện Phú Vang là ông Võ Nghinh đã ghi tên vào hội buôn này cho biết, tham gia vào Hội Quế viên còn có quan Hường-Trị, cựu lang-trung ở bộ Học; quan Hường-Tân, cựu chủ sự của Phủ Phụ chính; Đội Siêu, Bá Sóc, Thơ Thiêm, Tú Du, Ký Hiếu, Thầy Nghệ, các lại mục của huyện Phú Vang đều muốn gia nhập hội như Hường Tuyển, Lý Lập, Bá Ngạc.

Hầu hết các hương chức và người giàu của các làng lân cận đã ký tên vào danh sách góp vốn cho Hội Quế viên. Như vậy, một hình thức hoạt động rất cơ bản từ Quảng Nam để tập hợp phong trào từ hơn 10 năm trước đó, giờ đây đã được vận dụng ở ngay sát kinh đô Huế. Có một điều thú vị là, những tổ chức hội buôn trước đây ở Quảng Nam đã bị chính viên Khâm sứ Charles, hồi đó còn là Công sứ Quảng Nam hết sức nghi kỵ và lưu ý các nhà chức trách Pháp phải ngăn chặn.

Thế mà nay, lại mọc lên ngay sát kinh thành, tồn tại ngoài vòng kiểm soát của ông ta. Và mãi khi ông ta đã trở thành Toàn quyền, thì người ta mới phát hiện ra rằng, tổ chức “hội buôn” Quế viên Thương mãi hội ở Phú Vang đã thu hút không chỉ những hưu quan mà cả những quan chức đương nhiệm ở ngay vùng ven kinh thành Huế.

Việc phát hiện này làm cho Charles bị bất ngờ, vì chính ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm về công cuộc trị an, khi mà tổ chức yêu nước tiếp tay cho khởi nghĩa này lại xuất hiện ở cửa ngõ kinh thành Huế. Trước việc này, ông ta đành phải xử lý tình huống theo kiểu “hoãn binh chi kế” với việc gửi cho Khâm sứ Trigon bức công điện số 1396 ngày 13-6-1916, yêu cầu “Xin chuyển cho tôi tất cả các tin tức liên quan đến vấn đề này trong chuyến thư tín tiếp sau”.

Với việc phát hiện ra Quế viên Thương mãi hội ở xứ Huế, dường như Charles đã gặp lại những người “bạn cũ” xứ Quảng, những người đã một thời làm cho ông ta hao tâm tổn trí để ứng phó. Viên Toàn quyền Charles lại một lần nữa nhận ra sự thật cay đắng là chính ông ta và những người cai trị thực dân chưa khi nào hiểu thấu bài học về chí khí của dân tộc Việt Nam: Với tinh thần yêu nước, với mối hận thù quân xâm lược, mỗi người dân Việt luôn xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc! Đó là những bài học đã được trao truyền cho lớp học sinh thiếu niên trong những trường học ở vùng nông thôn heo hút của Thăng Bình và Tam Kỳ từ những năm còn trong đêm dài nô lệ khi những nhà duy tân xuất sắc của xứ Quảng miệt mài đi vào trong dân, lăn lộn trong dân, hướng về người dân.

NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀN

;
.
.
.
.
.