.

Phong cách thưởng thức rượu Vang

.

Tất cả các loại thức uống có cồn, từ bia rượu cho đến rượu truyền thống của hầu hết mọi dân tộc trên thế giới đều không có một chủng loại rượu  nào được xem là có văn hóa như văn hóa rượu Vang.

Một cách cầm ly Vang. Ảnh: N.X.B
Một cách cầm ly Vang. Ảnh: N.X.B

Vậy văn hóa rượu Vang là như thế nào? Nếu bạn đang cầm một ly rượu Vang trong tay để uống thì phải cầm và uống ra sao để chứng tỏ là người có am hiểu văn hóa rượu Vang?

Có thể nói, người Việt Nam chúng ta đã được nghe nói đến rượu Vang sớm nhất ở châu Á, kể từ ngày Việt Nam bị Pháp đô hộ. Người Pháp gọi rượu Vang là “Vin”, nên chúng ta đã dựa theo phát âm của họ mà gọi là Vang. Vậy rượu Vang có nguồn gốc từ đâu và có mặt trên hành tinh này từ bao giờ?

Căn cứ vào những chùm nho và bình rượu trên các phù điêu tìm thấy trong những ngôi cổ mộ ở Ai Cập, giới khảo cổ và nhân chủng học lấy đó làm cơ sở để cho rằng nguồn gốc của cây nho và rượu Vang là ở Ai Cập. Và qua phương pháp khoa học để tính tuổi thì được biết những cổ vật này đã được làm ra từ thời các đời vua Pharaon, cách nay hơn 6.000 năm.

Sau khi xây dựng xong Đế quốc La Mã, Hoàng đế Probus đã triển khai chương trình bành trướng việc trồng nho và làm rượu khắp châu Âu. Chẳng bao lâu nước Pháp đã có một diện tích trồng nho 8.640km2, đứng hàng thứ nhì châu Âu sau Tây Ban Nha. Theo thời gian, nhiều nước trên thế giới cũng đã trở thành những nước nông nghiệp trồng nho.

Theo số liệu gần đây của Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) thì trên thế giới hiện có 75.866km2 đất trồng nho, nhiều hơn đất trồng các loại cây lương thực khác. Và giống  nho làm rượu chiếm đến 70%, nho thực phẩm (ăn tươi, sấy khô, làm si-rô…) chỉ 30%.

Những nước trồng nho làm rượu phân làm hai nhóm: những nước trồng nho từ thời Hoàng đế Probus gồm Pháp, Tây Ban Nha, Ý… gọi là Cựu Thế giới (Old World) và những nước do các nhà thám hiểm Christopher Columbus, Marco Polo, Captain Cock… phát hiện trong những chuyến hải hành như châu Mỹ, Nam Phi, Chi Lê, Argentina, Tân Tây Lan, Úc… gọi là Tân Thế giới (New World).

Về giống nho thì khi di cư, di dân mang theo một số giống nho châu Âu nhưng khi đem trồng ở những vùng đất mới thì có đến 50% không thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên phải lai tạo với giống nho địa phương.

Kết quả, những quốc gia này cũng đã sản xuất được những chai Vang nổi tiếng, chiếm cả ngôi quán quân của Pháp như rượu Vang vùng Napa Valley của Mỹ trong những cuộc thi Paris Tasting Wine năm 1976 và liên tiếp những cuộc thi lần thứ 2 vào năm 1996 và lần thứ 3 vào năm 2006.

Thiên tài nước Ý Leonardo da Vinci thời Phục hưng xem rượu Vang là món quà của Thượng Đế. Có lẽ vì thế mà chẳng ai tìm thấy trên thế giới này có những người cụng ly Vang với nhau nghe “cộp” một tiếng rồi hô to “100 phần trăm” và đưa ngay lên miệng, uống ừng ực như uống bia rượu.

Vì phong cách của người uống Vang không được “phàm phu tục tử” như thế. Phải uống cho có văn hóa nghĩa là phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” như người xưa đã dặn.

Tuy rằng hiện nay nền kinh tế Việt Nam chưa mấy khởi sắc nhưng những năm gần đây đã có nhiều người có chiều hướng uống Vang thay thế cho bia rượu. Họ có khá nhiều lý do chính đáng để thay đổi thói quen.

Như rượu Vang có nhiều lợi ích cho sức khỏe, uống bia rượu dễ mang bệnh tật vào người, về tốn kém thì còn hơn cả uống Vang, hơn nữa không bị mua nhầm rượu giả, rượu nhái. Nhất là rượu Vang sẽ mang đến cho người uống một niềm đam mê kỳ diệu không khác gì mấy người uống trà ngon.

Và khi có được hoàn cảnh để uống Vang thì sẽ cảm thấy có ít nhiều thay đổi về tinh thần trong cuộc sống! Tuy nhiên phải là rượu Vang đỏ làm từ 100% nước nho làm rượu của nho vỏ đỏ, vì loại Vang này mới có những dược chất quý hiếm mà y học thế giới đã phát hiện. Vang trắng, hồng, rượu sủi tăm thì không có được những tính năng như rượu Vang đỏ nhưng cũng có nhiều chất bổ dưỡng thông thường.

Uống Vang, dù là Vang đỏ, trắng, hồng hay Vang sủi tăm (sâm banh) cũng đều phải dùng ly đúng loại, nghĩa là ly có chân cao. Chủng loại Vang nào cũng phải uống đúng với độ lạnh thì mới cảm thấy tuyệt vời nên chỉ cầm ở chân ly chứ không được cầm ở bầu đựng rượu, vì thân nhiệt chuyền qua, ảnh hưởng đến rượu trong ly.

Rót rượu Vang vào ly dĩ nhiên là không được kê cổ chai lên miệng ly và chỉ rót 2/3 hoặc 1/2 ly. Có như thế thì người uống mới có điều kiện để thử nếm rượu mình sắp uống có mùi vị ngọt, chua hay chát, thơm mùi trái cây hay mùi gỗ sồi, mùi hoa lá? Rượu mới vô chai hay đã được ủ lâu, mau. Sau khi uống vào thì hậu vị ra sao, cổ họng có bị gắt hay êm dịu.

Đam mê và thú vị là ở những giây phút thưởng thức và thử nếm ấy! Nếu vào nhà hàng gọi món ăn và muốn uống chai Vang thích hợp để tăng khẩu vị thì nhà hàng sẽ có nhân viên tiếp Vang (Sommelier) tư vấn và ta sẽ được mục kích “một màn biểu diễn” trình Vang và khui Vang hấp dẫn, đầy kịch tính và thú vị khác.

NGUYỄN XUÂN RA

;
.
.
.
.
.