.

Những người bạn Ấn

.

Đến từ quê hương của đại thi hào Rabindranath Tagore, vừa qua các nhà văn Ấn Độ đã có cuộc viếng thăm và giao lưu với Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng. Mới đây, sự ra đời của Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Đà Nẵng trở thành cầu nối cho những lần gặp gỡ và giao lưu mang tính văn hóa và hội nhập.

Đoàn nhà văn Ấn Độ và các nhà văn Đà Nẵng (12-2014).
Đoàn nhà văn Ấn Độ và các nhà văn Đà Nẵng (12-2014).

Những người bạn đáng mến    

Với 9 lần đến Việt Nam, ông Geetesh Sharma - Nhà văn, nhà báo và là nhà hoạt động xã hội trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động gắn kết tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam nói chung và với thành phố Đà Nẵng nói riêng. Chính vì điều này mà báo chí thường gọi ông là sứ giả của tình hữu nghị Ấn - Việt.

Năm 1984, lần đầu đến với Đà Nẵng, ông Geetesh Sharma vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn trong ký ức của mình về một Đà Nẵng thấp bé và phố phường chật hẹp, việc qua lại bên này - bên kia sông Hàn thật là khó khăn. Nay đường rộng mở, nhà cao tầng mọc lên, phố phường sạch đẹp, những chiếc cầu  đầy lãng mạn bắt qua sông tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông. Ông bảo chúng tôi phải học tập thành phố của các bạn về việc này. Với ông, văn học nghệ thuật mới là chiếc cầu nối vững chắc để các dân tộc có thể hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn trong vòng tay thân ái và đoàn kết. Những năm gần đây ông thường tổ chức cho các nhà văn Ấn Độ đến Việt Nam. Từ 2008 đến nay, đã 3 lần ông đưa đoàn viếng thăm Đà Nẵng và cũng đã mời các nhà văn Đà Nẵng đến Kolkata trong dịp Festival thơ và Hội chợ sách quốc tế.

Các tác phẩm ông viết về Việt Nam gồm: “Các mối quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Thế kỷ I đến thế kỷ XXI” (India-Vietnam Relations: First to Twenty First Century - English, 2004; Bản dịch tiếng Việt - 2006), “Những dấu vết văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam (Traces of Indian Culture in Vietnam - English, 2009), Hồ Chí Minh: Vị cứu tinh của Hòa bình, Độc lập và Hạnh phúc (Ho Chi Minh: A Messiah of Peace, Independence and Happiness - English, 2010) và Danang portrays Vietnam today - 2009 (Chân dung Đà Nẵng-Việt Nam ngày nay).

Bà Kusum Jain là nhà thơ, Tổng Thư ký của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam đến Đà Nẵng lần thứ ba. Trong buổi giao lưu với các văn nghệ sĩ Đà Nẵng bà đọc những bài thơ ngắn viết về thân phận phụ nữ Ấn bằng tiếng Hindi và bản dịch bằng tiếng Anh. Qua đó bà muốn nói rằng, ở Việt Nam khi người phụ nữ làm đẹp cho mình chính là làm đẹp cho đời và được xã hội công nhận, tôn vinh, nhưng ở xã hội Ấn Độ lại là chuyện khác. Bà Kusum Jain đã viết nhiều bài giới thiệu các nhà thơ Việt Nam cổ điển và hiện đại bằng tiếng Anh.

Cô Pravamayee Shamantaray - thành viên trẻ nhất trong đoàn là nhà thơ, thạc sĩ dạy tiếng Anh ở một trường đại học. Đây là một cô gái vui tính và năng động. Buổi giao lưu với các nhà văn Đà Nẵng được làm cho vui nhộn hơn khi cô biểu diễn một bài hát múa có nguồn gốc từ bang Odisha, quê hương của cô. Sang Việt Nam lần đầu, sau 3 ngày Pravamayee Shamantaray đã nói được một số câu tiếng Việt giao tiếp, chào hỏi, cảm ơn… và tập cầm đũa gắp khá thành thạo. Cô cũng bày tỏ ý định đến Việt Nam một thời gian dài học tiếng Việt với mục đích dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Hindi, tiếng Odiya và tiếng Anh. Nhiều bài thơ Việt Nam chuyển ngữ sang tiếng Hindi đã được cô dịch sang ngôn ngữ Odiya để giới thiệu với cộng đồng người Odisha.

Từ trái tim đến với trái tim

Tuy các tác phẩm văn học của Ấn Độ chưa được dịch nhiều ra tiếng Việt, nhưng từ lâu, đại thi hào Rabindranath Tagore, mà thơ ông thường gọi một cách thân thiện là thơ Tagore, với một phong cách riêng biệt được nhiều bạn đọc Việt Nam mến mộ. Gần đây, nhà thơ Bùi Xuân (Hội Nhà văn Đà Nẵng) dịch hai thi phẩm của Tagore từ bản tiếng Anh ra tiếng Việt là “Bầy chim lạc” và “Mùa hái quả”. Anh đang dịch tập thứ ba của văn hào vĩ đại này.

Nhà thơ Trương Đình Đăng, tuổi ngót 80, có mặt tại buổi giao lưu tỏ ra xúc động khi mang tặng cho đoàn nhà văn Ấn Độ bản dịch tập thơ “Dâng” của Rabindranath Tagore được ông viết lại từ lâu bằng thể thơ lục bát cho có vần điệu, dễ đọc và dễ nhớ. Điều này đã làm cho các nhà văn Ấn Độ rất bất ngờ và xúc động. Tình cảm mà các nhà văn thành phố Đà Nẵng dành cho thi sĩ bậc thầy của nền văn học Ấn Độ như là những cánh chim báo mùa vui cho sự giao lưu văn học và văn hóa giữa Kolkata và Đà Nẵng.

Người viết bài này cũng tặng sách với các bài viết và hình ảnh về Ấn Độ để lưu dấu một lần may mắn đến thăm thành phố Kolkata và giao lưu với các nhà văn Ấn tại Festival thơ và Hội chợ sách quốc tế.
Ông Geetesh Sharma bày tỏ sự vui mừng khi qua buổi tiếp kiến, các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đồng ý với đề nghị của ông về việc biên soạn một tập sách giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng một cách đầy đủ hơn với nhân dân Ấn Độ. Ông bảo Việt Nam như là một phần đời của ông và Đà Nẵng là nơi mà ông yêu mến nhất.

Khi giao lưu với các nhà văn Đà Nẵng, ông trình bày ngắn gọn nhưng súc tích và thú vị về vệt văn hóa Ấn Độ qua nhà nước Champa đã từng hiện hữu trong lịch sử. Các nhà văn Đà Nẵng cũng đặt nhiều câu hỏi xoay quanh đề tài mà nhiều người quan tâm từ lâu này.

Một đêm ngồi ven bờ sông Hàn ngắm rồng phun lửa và phun nước, đoàn nhà văn Ấn Độ cảm nhận thêm nhiều điều về cuộc sống và con người Đà Nẵng. Họ bảo đây là một kỷ niệm khó quên. Chút se lạnh từ sông lùa vào bờ mang lại bao nhiêu gợi mở về vùng đất và con người rộng lòng, hiếu khách. Cái gì xuất phát từ trái tim chắc chắn sẽ đến với trái tim. Từ đó, những vòng tay thân ái luôn mở ra trong tình bè bạn qua nhịp cầu văn hóa giữa các dân tộc.

MAI HỮU PHƯỚC

;
.
.
.
.
.