.

Khi Nadal coi thường thất bại

.

“Tôi vẫn ổn mà. Chẳng qua hôm nay không phải là ngày của tôi…”. Bình thản và không để lộ chút vướng mắc nào, Nadal (ảnh) phát biểu như thế sau trận thua Berdych và bị loại ngay vòng tứ kết giải quần vợt Úc mở rộng.

Đấy quả là chuyện lạ khi tay vợt từng đoạt 14 chức vô địch Grand Slam không biểu lộ buồn bực sau một trận thua, lại là thua một tay vợt từng thất bại trước chính anh trong liên tiếp 17 lần so vợt trước đó.

Được tiếng là chiến binh không đầu hàng nghịch cảnh để quyết đấu đến phút cuối và thực hiện nhiều cuộc lội ngược dòng kì vĩ, tay vợt Tây Ban Nha khiến không ít người ngạc nhiên về sự buông xuôi. Một chiến bại đã được bản thân Nadal thấy rõ trước đối thủ vốn kém hơn mình về thứ bậc và cả tâm lý?

Đừng quên đây mới là lần thứ ba trong sự nghiệp tranh tài ở đấu trường Grand Slam tay vợt này để thua đối thủ một set với điểm số 0-6 (điểm số cụ thể trong thất bại của Nadal trước Berdych là 2-6, 0-6 và 6-7).

Phải ngược dòng lịch sử những 9-10 năm trước người ta mới tìm thấy một set thua trắng hiếm hoi của Nadal trước hai đối thủ khác: Năm 2004, anh thua Roddick ở giải Mỹ mở rộng và hai năm sau đó, thua Federer ở giải Wimbledon 2006. Làm sao mà “ổn” được theo lời trần tình của kẻ chiến bại!

Những người yêu thích lối chơi của Nadal có thể tìm thấy phần nào niềm an ủi khi nại ra các lý do biện hộ thất bại bẽ bàng của anh: Nadal mới trở lại đấu trường đỉnh cao sau 7 tháng rời xa để phẫu thuật ruột thừa và điều trị chấn thương dai dẳng. Tìm lại phong độ từng đưa tay vợt này vào hàng đỉnh cao một sớm một chiều là điều chẳng dễ.

Ngay trước giải đấu này, chính Nadal tâm sự rằng mình không trông chờ đi sâu vào giải vì còn trong hành trình tìm lại phong độ: “Đừng ngạc nhiên nếu tôi phải dừng bước ngay từ vòng hai”. Bản thân tay vợt không dám tơ tưởng đến chuyện vào sâu, vậy thì cớ gì người hâm mộ phải thất vọng khi chứng kiến Nadal thua trắng Berdych và dừng cuộc chơi ngay từ vòng tứ kết giải Grand Slam đầu tiên của năm mới?

Có đấy! Đó là vì cái cách thua trận quá dễ dàng, chóng vánh, là hình ảnh buông xuôi khác thường của người vẫn được tụng ca là đấu sĩ không dễ bị khuất phục. Đó là cái bóng cũ mèm, thiếu vắng sáng tạo của chính Nadal khi đối đầu với một Berdych tươi tắn, khao khát phục thù sau 17 lần thất bại.

Suốt trận, người ta chứng kiến vẻ tội nghiệp của Nadal khi chới với đuổi theo các pha dứt điểm có chủ ý của đối thủ: Giao bóng dạt sâu về phía trái tay của Nadal, Berdych chờ đối thủ vất vả trả bóng trong tư thế nhoài người rồi dứt điểm sâu về mạn kia của sân bóng khiến đối thủ không kịp di chuyển cứu bóng. Đấy là ngón đòn mà cả Federer lẫn Djokovic đều áp dụng khi so tài với Nadal.

Mặt khác, cú trái tay có độ xoáy cao của Nadal có vẻ thôi còn uy lực và bị Berdych- cũng như Djokovic hay Wawrinka trước đó - hóa giải dễ dàng. Khi ngón nghề sở trường bị đối thủ bắt bài vì thiếu phần sáng tạo trong khi chưa nghĩ ra cách đối phó với các đòn độc của đối thủ, Nadal thất thủ trước Berdych là chuyện rõ ràng.

Suốt trận, anh chỉ tung ra 24 cú dứt điểm thành công so với 46 cú đánh bóng ăn điểm của đối thủ. Chỉ số này, cùng với 6 lần giao bóng hỏng vì lỗi kép của Nadal cho thấy anh là kẻ dưới thế so với đối thủ về nhiều mặt.

Vậy mà tay vợt số 3 của thế giới vẫn thấy ổn! Anh giấu nỗi thất vọng vào lòng để chờ cơ hội trở lại hay thực tâm yên phận với cảnh đi xuống của chính mình?

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.