.

Giữ lửa làng nghề

.

Những tưởng, các gia đình làm nghề truyền thống chỉ có người già mặn mà, nhưng thật đáng mừng, nhiều bạn trẻ sẵn sàng gác lại giấc mơ “công chức nhà nước” để tiếp quản và phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Huỳnh Đức Sol (bên trái) thuần thục làm bánh khô mè từ nhỏ để nay kế nghiệp gia đình.
Huỳnh Đức Sol (bên trái) thuần thục làm bánh khô mè từ nhỏ để nay kế nghiệp gia đình.

Những “truyền nhân” 9x

Từ nhỏ, Huỳnh Đức Sol (1990) quen với mùi gạo, mùi đường, quen với những chiếc bánh khô mè nhỏ xinh mà ông bà, bố mẹ nhào nặn bên bếp lửa. Cũng từ nhỏ, Sol đã tập làm bánh khô mè, khô nổ. Tất cả mọi công đoạn làm nên chiếc bánh khô mè như ngâm gạo, nhào bột, quét đường, lăn mè… Sol đều làm một cách khéo léo không thua bất cứ người thợ nào trong gia đình.

Lúc học xong phổ thông, Sol quyết tâm vào đại học với hy vọng “kiếm một công việc nhà nước cho “chắc ăn”. Vì thấy bà nội, rồi bố, mẹ theo cái nghề này vất vả quá”.

Biết là vậy, nhưng khi tốt nghiệp xong ngành kế toán của ĐH Duy Tân, Sol “rẽ ngang” để tiếp quản cơ sở sản xuất bánh khô mè của gia đình. Thêm nữa là thương hiệu bánh khô mè bà Liễu mà bà nội gầy dựng suốt bao năm qua khiến Sol không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Gìn giữ sản nghiệp của gia đình là điều mà cả nhà mong chờ Sol tiếp nối.

Ba Sol, ông Huỳnh Đức Khiển - chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu mẹ (200/1 Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ) bộc bạch: “May có nó gánh giùm không thì lo lắm. Tôi đang chuyển giao mọi công việc trong xưởng bánh cho con”. Còn Sol, ngoài thời gian chạy hàng, thiết kế mẫu mã bao bì của sản phẩm, còn theo học lớp quản trị kinh doanh nhằm nâng cao kỹ năng quản lý.

Tốt nghiệp lớp trung cấp kế toán giữa năm 2014, nhưng em Nguyễn Thị Mai (1993) đang là “nhân lực chính” tại lò bánh của bà Đinh Thị Huệ (64 tuổi, thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Mai là cháu ngoại của bà Huệ, với hơn 30 năm làm nghề bánh tráng.

Bà Huệ cho hay: “Thời gian trước cả thôn hầu như nhà nào cũng có lò bánh, nay chỉ còn chưa đến 15 hộ lưu giữ nghề này. Bé Mai ra trường chưa xin được việc làm nên làm tạm cùng tôi. Bây giờ dễ gì tụi nhỏ nó theo cái nghề này nữa, suốt ngày lấm lem lại chẳng cao sang gì”.

Nói là vậy, nhưng gần nửa năm qua, thấy Mai vẫn gắn bó và tỏ ra thích thú với công việc tại lò, bà Huệ tận tình chỉ bảo cho cháu nhiều bí quyết gia truyền để làm ra những chiếc bánh ngon.

Luồng sinh khí mới

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến các làng nghề truyền thống người ta vẫn thường nghĩ đến những hình ảnh mang đậm nét xưa cũ, chỉ có ông già, bà cả bám trụ với nghề. Việc một lớp thanh niên trẻ như Huỳnh Đức Sol hay Nguyễn Thị Mai tìm thấy sự gắn bó và thực sự yêu thích nghề truyền thống của gia đình là điều vô cùng đáng quý.

Sol bảo, em có rất nhiều ý tưởng cho việc phát triển nghề làm bánh khô mè, với mong muốn xây dựng cơ sở sản xuất của gia đình không chỉ đơn thuần là nơi làm ra những chiếc bánh khô mè ngon, chất lượng bảo đảm mà sẽ còn là điểm đến tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Nếu dự định của Sol sớm thành hiện thực, thương hiệu khô mè bà Liễu không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống của thành phố đến du khách, mà còn khẳng định được thương hiệu, uy tín của bánh khô mè trên thị trường.

Còn với Nguyễn Thị Mai, trong thời gian chờ đợi xin việc làm, hằng ngày em vẫn gắn bó với công việc tại lò bánh của bà ngoại. Với bàn tay khéo léo và sự gắn bó từ trong máu thịt với nghề gia truyền sẽ không quá khó để em lại trở thành một “nghệ nhân truyền thống” kế thừa sản nghiệp do bà ngoại để lại.

Việc những bạn trẻ sẵn sàng gác “giấc mơ công chức” để quay về kế thừa nghề truyền thống của gia đình phần nào thổi lên một luồng sinh khí mới, nhen lên tia hy vọng cho những làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát triển. Và biết đâu đó, chính họ sẽ tìm ra được những hướng đi mới, phù hợp hơn với thị hiếu chung hiện nay nhưng không đánh mất bản sắc vốn có của những làng nghề truyền thống.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.