.
Giới thiệu sách

Nỗi đau hậu chiến

.

(Đọc tập truyện dài của Nguyễn Ngọc Thuần, NXB Trẻ 2014)

Với Cơ bản là buồn - truyện dài viết về nỗi đau hậu chiến, Nguyễn Ngọc Thuần đã thật sự khắc họa được những nhân vật… không thể buồn hơn. Đồng thời bằng cách khai thác sâu nội tâm, tác giả mang đến cho bạn đọc những trang văn thấm thía và ám ảnh.

Bìa sách Cơ bản là buồn.
Bìa sách Cơ bản là buồn.

1. Truyện không có nhiều nhân vật, chỉ là cô gái X, F, chàng trai J, mụ Z, vợ chồng ông John, cậu bé Hữu Nghị… nhưng sự góp mặt của họ đều quan trọng, làm đầy thêm tác phẩm bằng chính số phận cũng được chưng cất từ những mảnh vụn cuộc sống.

Truyện dài “Cơ bản là buồn” xoay quanh nhân vật chính là X., một cô gái chưa bao giờ biết rõ cha mình là ai. Trước những thông tin ít ỏi từ người mẹ, cô chỉ biết mình là con lai, con gái một người đàn bà Việt trót mang thai với lính Mỹ. Trong suốt quãng thời thanh xuân, cô tham dự vào Ban nhạc Anh Em và sống cuộc sống tự do, có vẻ buông tuồng. Rồi X. tình cờ gặp ông John, cựu lính Mỹ trở lại Việt Nam để tìm lại người tình. Những ngày sống ở Mỹ, John đã từng cùng các đồng đội tổng kết một số căn bệnh gọi là Việt Nam bệnh, ví như bệnh mất ngủ, bệnh cuồng sát, bệnh ảo thanh, liên tục ngửi thấy mùi thuốc súng trên da thịt mình. Có người còn cảm thấy mùi thuốc súng vương vãi khắp môi trường sống. Vài bác sĩ đã khuyên John nên trở lại Việt Nam. Và ông đã trở lại. Ông cần người phiên dịch. X. đã chấp nhận việc đó một cách vui vẻ và điều đó cũng là cách để cô đi tìm lại một phần quá khứ bị đánh mất. X. và John không phải là cha con, nhưng cả hai lại có mối liên hệ nào đó của những người từng chịu mất mát trong cuộc đời.

2. Nguyễn Ngọc Thuần từng chia sẻ, anh không có ý định viết một cuốn sách về chiến tranh, buồn bã lại càng không bởi anh thiếu kinh nghiệm và biết rất mù mờ về nó. Nhưng một lần đến sân bay Biên Hòa cũ (Đồng Nai), anh đã nghe thấy âm thanh máy bay, gặp em bé bị nhiễm chất đi-ô-xin tên Hữu Nghị. Điều đó tạo cảm hứng cho anh viết, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, dùng hiện tại để giải mã quá khứ. Đọc những trang đầu của tác phẩm, người đọc sẽ tự hỏi: Người cựu binh Mỹ còn cần gì ở Việt Nam? Nguyễn Ngọc Thuần đã đem đến một câu trả lời hợp lý, đó là sự ám ảnh, sự níu kéo gần như là một cảm giác ăn năn.

Nguyễn Ngọc Thuần đã để cho buổi gặp đầu tiên của X. và John thật ấn tượng. Cô thấy John ngậm ống pip, tự dưng cô giật mình. Một chút gì đó khiến cô muốn so sánh với người trong tấm ảnh cũ trong gia tài mà người mẹ của cô đã để lại. Từ đó cô có những ý định tìm hiểu gốc gác của mình. Cùng việc đó cô giúp vợ chồng John có hành trình đi tìm người đàn bà tên Huệ ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), từng qua đêm với ông. Một cậu bé có tên Hữu Nghị ra đời. Khi sinh ra Hữu Nghị thì bà Huệ chết. Em ở với bà ngoại. 17 tuổi mà trí não chỉ lên ba.

Tác giả đã khéo léo để cho các nhân vật đi tìm quá khứ thấy cảnh tượng đó trong buổi chiều tà. Đó cũng là thời khắc khiến người ta dễ bùi ngùi khi chứng kiến một nỗi buồn. Hệ lụy đớn đau của chiến tranh một lần nữa, như con dao nhọn trích vào tim những người gây ra hoặc tham dự vào chiến tranh. Trước cảnh tượng đó, sự thông báo và cũng là sự tra vấn của X. dành cho John, giống như một sự kết tội, dường như đây cũng là ý đồ của Nguyễn Ngọc Thuần: “…Ông có nhớ huyện Vĩnh Cửu này có bao nhiêu bình thuốc diệt cỏ được thả xuống không John? Thằng bé chắc được hưởng trọn một bình”.

Bằng cách đi sâu vào phân tích tâm lý, Nguyễn Ngọc Thuần đã đặc tả thật ấn tượng các chi tiết và hành động của nhân vật, gây ám ảnh đối với người đọc: “X. không muốn đi gần John, cô đi vòng phía sau John lặng ngắm cái bả vai buồn phiền chim cánh cụt mùa băng tan. Trên mảnh đất Việt Nam khô cằn như nắm sọ, John đào bới. Biết đâu John nhặt một mảnh xương cùn của quê hương mình”. Hay: “…Khi John bước đi, mùi vị của John như xác chết”. Rồi: “Chiến tranh bao giờ cũng giống như một lò lửa, chúng luôn thiêu đốt những ý nghĩ thánh thiện nhất, ướp một ít hương vị cay nồng của tàn ác”…
Văn của Nguyễn Ngọc Thuần mạnh về cảm xúc. Ngay cả những tác phẩm trước đây của anh như “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ”, “Một thiên nằm mộng”… cảm xúc đẹp cũng cứ bật ra, như từ trong quả tim nguyên lành dành cho văn chương. Lúc nào giọng văn anh cũng trầm buồn nhưng là những nỗi buồn trong trẻo. Giờ anh viết theo hướng hiện thực hóa, như có lần anh tâm sự, là phù phiếm hơn. Ở những tác phẩm trước, giọng văn anh “chiều” theo lứa tuổi mới lớn. Còn ở “Cơ bản là buồn”, là cái nhìn khốc liệt và đau xót. Bé Hữu Nghị chỉ là một điển hình về tội ác, một minh họa rõ ràng, đầy đủ của nỗi buồn sau chiến tranh.

3. Đọc gần hết chuyện, người đọc có cảm giác bé Hữu Nghị đã thật sự là con của ông John. Nhưng không, qua kết quả thử ADN thì họ không phải cha con. Hữu Nghị cũng là con của người đàn bà tên Huệ, nhưng không phải người mà John đã từng để lại một giọt máu. Đây là cách nảy vấn đề khéo léo của tác giả, nhằm đưa đến cho bạn đọc hiểu chiều sâu tâm lý của nhân vật John. Đồng thời điều đó cũng đẩy ông vào sâu với nỗi buồn mà ông phải chịu trong cuộc sống. Sau cùng, nhờ vào sự giúp đỡ của X. John đã tìm được biết bao người phụ nữ tên Huệ, nhưng không thấy bà Huệ của ông. Cuối cùng John chỉ tìm thấy một sự mơ hồ, một nỗi ám ảnh, một vết thương không bao giờ lành.

Nguyễn Ngọc Thuần kết thúc câu chuyện bằng những việc làm mới của John, là viết sách, nuôi chó và cố quên đi quãng thời gian đã làm ông nhức tấy. Cô gái X. cũng tự làm mới mình bằng những chuyến đi. Đi để quên nhưng thật sự, càng đi cô càng nhớ, càng đi sự suy nghĩ càng hướng sâu vào bên trong cô. Một kết thúc không có hậu, một kết thúc cay đắng. Nhưng dầu sao, con người vẫn phải sống tiếp, và sống khác đi. Gấp cuốn sách lại, người đọc thấy nó như một bản Boléro buồn. Nỗi buồn đó tự bạn đọc giải mã. “Cơ bản là buồn”, chắc chắn là một sáng tạo, một cách nhìn sâu sắc về chiến tranh, cũng là một bước tiến mới của tác giả.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần sinh năm 1972, anh từng nhận nhiều giải thưởng văn học: Giăng giăng tơ nhện (Giải 3 cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 2); Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Giải A cuộc thi Văn học thiếu nhi “Vì tương lai đất nước lần 2”); Một thiên nằm mộng (Giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng 2001 - 2002); Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ (Tập truyện dài - giải B (không có giải A) cuộc thi sáng tác Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên phối hợp NXB Văn Nghệ tổ chức). Truyện dài Cơ bản là buồn của anh vừa nhận giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5, cũng đã được xuất bản lần thứ 2.

NGUYỄN VĂN HỌC

;
.
.
.
.
.