.

"Thần tượng" của làng

.

Hôm tôi đến khu vực Mỹ Đa Tây 1 - người dân quen gọi là Mỹ Thị - phường  Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn hỏi chị bán bánh mì chỉ giúp nhà bà Năm Bé, thì chị lại hỏi vặn: “Đâu có đám tang mà hỏi?”. Cứ nghĩ mãi câu hỏi này của chị bánh mì cho tới khi đứng trước căn nhà cấp bốn nằm trong hẻm, thấy bà ra mở cửa với dáng còng còng, hai mắt mờ đục. Bà lại hỏi y hệt: “Răng rứa? Có ai mất à?”.

Lúc rảnh rỗi, bà truyền kinh nghiệm lo đám tang cho tổ trưởng Lê Văn Phận, phòng khi bà mất, sẽ có người đánh thanh la giục trai tráng trong làng tập trung phụ giúp gia quyến. Ảnh: T.H
Lúc rảnh rỗi, bà truyền kinh nghiệm lo đám tang cho tổ trưởng Lê Văn Phận, phòng khi bà mất, sẽ có người đánh thanh la giục trai tráng trong làng tập trung phụ giúp gia quyến. Ảnh: T.H

Không đám tang nào vắng mặt

Bà đã 80 tuổi, tên thật là Trần Thị Hoa, hàng xóm láng giềng vẫn hay gọi bằng cái tên thân thuộc bà Năm Bé. Tuổi già vốn hay quên, thế mà chuyện làng chuyện xóm không cần ai nhắc bà cũng nhớ. Bà lo việc hiếu cho làng từ năm nào? “Không nhớ”. Vậy cỡ bao nhiêu đám tang? “Không lẽ tui làm mà đếm!”.

Khu dân cư này mới lập hơn chục năm, cỡ trăm hộ dân, chừng đó thời gian và chừng đó gia đình cứ có đám tang là một tay bà quán xuyến. Từ khâu bàn nước, tiếp khách, viết cáo phó, hương đèn cho tới lúc di quan. Đám tang nào cũng vậy, Ban tang lễ chưa kịp lập thì bà đã có mặt. Bà chỉ đạo 30 thanh niên lập thành một đội âm công, khi có người nằm xuống, nghe hồi thanh la bà đánh sẽ tự động tập trung để phụ giúp gia quyến. Lời bà Năm nói như lệnh, chẳng anh nào dám cãi, đội âm công lúc nào cũng đủ và thừa người. Bà Năm cấm không đứa nào được nhận tiền bồi dưỡng, nước non.

Ông Lê Văn Phận, tổ trưởng tổ 31 đầy vẻ hài lòng: “Ở phố bây giờ làm gì còn đội âm công, toàn là dịch vụ, thuê tới phải trả tiền, tiền nhiều nữa là đằng khác. Nhờ có bà Năm Bé nên Mỹ Thị luôn sẵn người, toàn thanh niên trai tráng phục vụ tang gia mà không hề mất một đồng”. Nhiều người xấu số chết vì bệnh, đuối nước… gia đình thương tâm không muốn đưa đi chôn cất sớm, chính quyền nói không nghe, chỉ mỗi bà Năm Bé khuyên là chấp nhận. Mấy năm trở lại đây, thấy áo quần, mũ nón của đội âm công rách tươm, bà vận động người dân góp tiền may đồ mới, mua thêm chiêng trống, cả làng đồng tình.

Con người ai rồi cũng phải về với đất, nhưng cái chết của anh chai bao quê Quảng Ngãi ám ảnh bà suốt mấy năm nay. Vợ chồng anh thuê nhà trong tổ ở, nửa đêm anh lên cơn hen suyễn rồi mất. Hôm đó trời mưa, nước vào nhà ngập gối, vợ anh chỉ còn 140.000 đồng trong người, không đủ tiền gọi xe đưa chồng về quê an táng. Xót quá, bà đội nón lội nước lúc nửa đêm gõ cửa từng nhà, xin được hơn một triệu. Tờ mờ sáng gọi xe đưa anh đi. Xe ra khỏi nhà chừng hai mươi phút thì quay đầu vì nước quá lớn không đi tiếp được. Thi thể của anh lại về nằm trong xóm, bà lật đật hỏi chỗ này, gọi điện chỗ kia, xin có chỗ cho thi hài anh “tạm trú”, đợi nước rút sẽ về quê an nghỉ.

Hơn chục năm qua, chưa bao giờ bà ở lại ăn với gia đình người nằm xuống một bữa cơm, cũng không hề tính ơn nghĩa. Giờ sức đã yếu, bà vẫn quyết không bỏ bất cứ đám tang nào, xa quá thì nhờ con cháu chở đi. “Ở nhà không yên”, bà nói.

Khi được dân tin

Trong tổ, trong làng, nhà nào khá giả, nhà nào khó khăn bà biết hết. Biết để xem ai cần được giúp đỡ. Bà không nhanh nhẹn, xốc vác như thanh niên, nhưng “chiếc phao” bà quăng ra bao giờ cũng kịp thời. Mới đây, bà Lê Thị Chín (70 tuổi) suýt mất mạng lúc khuya vì bệnh. Nhà bà Chín neo người lại khốn khó. Hay tin, bà đi khắp xóm xin nhà vài chục, nhà khá chút thì cho tới vài trăm, lập tức đưa bà Chín đi cấp cứu. Qua cơn nguy kịch, bà Chín và con cháu mang ơn bà, nhưng bà luôn miệng: “Ơn nghĩa chi trời!”.

Hội khuyến học của phường cũng phải nể bà. Bởi bà có biệt tài xin tiền không cần giấy tờ, sổ sách. Bà lý giải: “Việc tôi làm rành rành ra đó, có đời nào giắt túi một đồng đâu. Cả làng này tin, nên chỉ cần nói xin để ủng hộ hoàn cảnh khó khăn thì ai cũng bằng lòng”. Sang chùa Mỹ Thị, các sư cô bảo ai đi quyên tiền cũng cần phải hỏi cho kĩ càng, còn bà Năm Bé thì hoài nghi chỉ tội mất công. Năm nào, các cháu trò nghèo vượt khó cũng được bà hỗ trợ tiền mua sách vở, đóng học phí. Dịp lễ, tết, chẳng bao giờ bà để tụi trẻ thiếu thốn.

Năm 1999 - 2000, khi có kế hoạch làm đường bê-tông hóa, chính quyền vận động nhân dân  góp 20% cùng với nhà nước thi công, song chẳng có hộ nào đồng tình. Cán bộ phường họp đi họp lại bao nhiêu lần dân vẫn không thông, đành bất lực.  Riêng bà Năm Bé thấy việc làm đường bê-tông “đã” quá, mai mốt kéo thêm đèn đường nữa tổ sẽ văn minh hơn, chẳng hiểu sao số đông lại phản đối. Hỏi ra mới biết, người bảo đắt, người bảo chia không công bằng, có người lại kiên quyết không muốn làm vì lãng phí. Lên phường, hỏi cụ thể, bà về lại tổ, tổ chức họp dân, gặp ai giải thích nấy nên chỉ ít lâu, nhà nhà cầm tiền lên góp cùng nhà nước.  Đường bê-tông chạy vào tận từng ngõ.

Đợt tiếp xúc cử tri năm trước, có mặt lãnh đạo quận, thành phố, cụ bà gần 80 tuổi dõng dạc đứng dậy phản ảnh bức xúc việc sống chung với ngập nước của cả trăm hộ dân. Khu dân cư bà ở là khu vực trũng, có ao nước lớn, chỉ cần một trận mưa là nước lên sân, mưa dài ngày ngập nhà. Chưa kể nước thải, rác rưởi từ các nơi đổ dồn về gây ô nhiễm. Nghe bức xúc, lãnh đạo quận, thành phố theo chân bà thị sát, rõ thêm lời bà nói.

Tháng 2 năm nay, thành phố đã có phương án giải tỏa để khắc phục tình trạng trên. Sắp tới sẽ áp giá đền bù, sau đó tái định cư tại chỗ. Nghe quyết định, người dân, cán bộ mừng ra mặt. Sau đợt ấy, cả làng coi bà như thần tượng, hễ có thắc mắc gì với chính quyền là tới “tham mưu” với bà Năm Bé.

Ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết: “Có bà Hoa, cán bộ phường như có thêm một cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối. Nhiều trường hợp sự can thiệp của chính quyền đều bất lực, nhưng tiếng nói của bà lại rất hiệu quả. Ngoài ra, bà còn rất chăm lo đến việc hiếu, việc hỉ, quyên góp cho người nghèo. Phải nói, tuổi cao như bà mà vẫn tận tụy cống hiến là một trường hợp hiếm, cũng là tấm gương cho mọi người noi theo”.

Căn nhà nhỏ bé của bà, rất nhiều bằng khen ghi nhận về sự cống hiến của bà, nhưng bà lại không muốn trưng ra cho ai thấy, chỉ vì sợ bà con lại nghĩ “mình làm mọi việc để được những tấm bằng khen…”.

Trong mảnh vườn nhỏ trước sân, một người hàng xóm tên là Diễm đang xin mớ lá thuốc về xông. Hái được một rổ, chị đem vào hỏi bà kiểm tra lại giúp có phải cây này là ngải cứu, cây này là chó đẻ… Bà mắng lớn ngồng rồi mà chi cũng hỏi. Chị Diễm cười, góp chuyện, ở đây, nhà nào có xích mích, thậm chí mấy đứa trẻ hư, mà được nghe bà Năm Bé mắng là sáng ra liền…

TRẦN HIỀN

;
.
.
.
.
.