.

Chiều thứ sáu của chúng mình

.

“Chiều thứ 6 với chúng mình thật là vui, và chúng mình cũng biết các em ở lớp chậm phát triển trí tuệ, lớp khiếm thính mong đợi chiều thứ sáu biết nhường nào”.

Đó là tâm sự của các bạn nhóm Tương lai xanh, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng khi từ nhiều tháng nay, đều đặn mỗi buổi chiều thứ sáu, các bạn lại đến sinh hoạt, chơi mà học với những đứa trẻ kém may mắn ở một ngôi trường đặc biệt.

Những cái ôm trẻ khuyết tật mong chờ vào mỗi chiều thứ sáu. TRONG ẢNH: Vũ Thùy Linh và học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai. Ảnh: H.D
Những cái ôm trẻ khuyết tật mong chờ vào mỗi chiều thứ sáu. TRONG ẢNH: Vũ Thùy Linh và học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai. Ảnh: H.D

Chỉ cần các anh chị đến…

Tất cả học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai đều thuộc dạng khuyết tật. Gần 200 em với 20 lớp thuộc hai dạng tật chậm phát triển trí tuệ và khuyết tật thính giác cùng gắn bó dưới một mái trường suốt từ thuở mầm non đến khi bước lên THCS. Từ tháng 3 năm nay, trường có thêm điều đặc biệt nho nhỏ nữa là cứ mỗi buổi chiều thứ 6, không gian từ sân trường đến lớp học bỗng trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn hẳn khi bóng dáng những chiếc áo xanh sinh viên (SV) tình nguyện hòa trong hình ảnh những học sinh ngây ngô, tinh nghịch.

2 giờ chiều, nhiều học sinh đứng sẵn trên ban-công ngóng các anh chị SV. Vừa thấy bóng, các em reo hò sung sướng như đón chờ người thân yêu nhất. Với các em, khoảnh khắc ấy thật vui và ấm áp.

Giờ sinh hoạt kéo dài suốt buổi chiều bao gồm nhiều hoạt động như vẽ tranh, xếp giấy, múa hát, vận động với trò chơi, v.v… Để mỗi bé chậm phát triển hay khiếm thính có thể hòa nhập cuộc vui một cách hào hứng nhất, các bạn nhóm Tương lai xanh phải nghĩ cách thay đổi chương trình liên tục. Vũ Thùy Linh, nhóm trưởng cho biết: “Thiết kế nội dung sinh hoạt là điều vừa dễ mà vừa khó. Thực sự các em rất đáng yêu, chỉ cần có anh chị đến chơi và thương các em thật lòng là đủ. Tuy nhiên, nhóm cũng muốn các em được học thông qua các trò chơi hữu ích. Thế nên đôi khi bọn mình cũng phải vắt óc ra suy nghĩ cho các em chơi gì đây để mới mẻ và phù hợp với chủ đề như ngày hè, ngày trung thu, ngày Tết, v.v…”.

Không chỉ học sinh ngóng chờ, với các bạn SV nhóm Tương lai xanh, nếu vì lý do nào đó không đến được với các em đúng hẹn thì ai nấy đều bồn chồn thương nhớ. Các bạn chia sẻ: Chúng mình xem các em không phải là trẻ khuyết tật tội nghiệp mà là những đứa em, đứa cháu trong nhà. Các em có sự hồn nhiên, dễ thương cuốn hút người khác.

Nam sinh viên nhóm Tương lai xanh hướng dẫn học sinh khuyết tật xếp giấy. (Ảnh do nhóm cung cấp)
Nam sinh viên nhóm Tương lai xanh hướng dẫn học sinh khuyết tật xếp giấy. (Ảnh do nhóm cung cấp)

Niềm vui đem yêu thương

Nhóm Tương lai xanh ra đời xuất phát từ thiện ý muốn chia sẻ niềm vui cuộc sống của các bạn SV Khoa Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng với trẻ khuyết tật trường Chuyên biệt Tương lai. Tên nhóm cũng bắt nguồn từ tên của ngôi trường này. “Chữ “xanh” ở đây có ý nghĩa là tươi sáng.

Chúng mình mong muốn các em sẽ có một tương lai tươi sáng, đẹp đẽ hơn”, cả nhóm hào hứng nói.
Theo trưởng nhóm Vũ Thùy Linh, Khoa Điện tử viễn thông từ lâu nay đã rất mạnh về hoạt động tình nguyện. Thế nên, khi biết Linh có ý định mở rộng sinh hoạt sang trường Chuyên biệt Tương lai, rất nhiều SV không chỉ trong khoa, trường mà ở các trường khác đã nhiệt tình tham gia. Số thành viên hiện nay là 70 bạn, đủ để chia đều ra sinh hoạt ở 20 lớp trong trường.

Mỗi lần đến trường Chuyên biệt, các bạn đều mang theo quà, bánh và mua nhiều đạo cụ cho buổi học như giấy, màu tô, v.v… Không chỉ vậy, một lần nhìn thấy hàng chục em học sinh xem phim hoạt hình với chiếc ti-vi cũ bé nhỏ, các bạn còn vận động tiền để mua tặng chiếc ti-vi màn hình phẳng 32 inch. Để có kinh phí cho những hoạt động đó, các thành viên nhóm phải đóng hội phí hằng tháng và tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ. Không chỉ SV hưởng ứng các buổi văn nghệ cây nhà lá vườn, thầy cô trong khoa cũng góp một tay với tất cả sự mến yêu. Có lần, thầy cô ủng hộ đến 5 triệu đồng.

Đang là SV năm cuối sắp ra trường, Linh vẫn đầy niềm tin nếu vài tháng nữa không còn điều hành nhóm, các thành viên còn lại vẫn sẽ duy trì hoạt động tình nguyện này, bởi bạn nào cũng mang một tình yêu khi được đến sẻ chia với những đứa bé kém may mắn.

Đào Thị Thúy Hằng, SV trường ĐH Ngoại ngữ tâm sự: Quê mình ở Quảng Trị, ngày xưa, Hằng luôn mơ được làm từ thiện hay tham gia các chương trình tình nguyện. Nay Hằng đã gặp được nhóm như mình mơ ước nên không chỉ bản thân mình mà ba mẹ ở quê biết tin cũng mừng.

Trong khi đó, với Quỳnh, cô gái đã chuẩn bị sẵn sàng hành trang sang Mỹ du học trong tháng 12 này, những ngày còn lại ở nhà, được đồng hành với trẻ khuyết tật là hạnh phúc lớn khiến Quỳnh không bỏ sót bất kỳ buổi sinh hoạt nào. “Sang đó, mình cũng tìm nhóm hoặc thành lập nhóm như thế này để đem yêu thương đến với các em nhỏ”, Quỳnh nói.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.