.

Vẽ bằng tình thương mến

.

15 tác giả và 23 bức tranh sơn dầu còn tươi những nét cọ về cuộc sống và con người Đà Nẵng là thành quả của trại sáng tác tranh sơn dầu chủ đề “Cuộc sống và Con người Đà Nẵng”, do Sở VH-TT & DL Đà Nẵng tổ chức lần đầu tiên, thu hút các họa sĩ đến từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam để góp tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Bình minh Thọ Quang của tác giả Nguyễn Phú Hậu
Bình minh Thọ Quang của tác giả Nguyễn Phú Hậu

Đà Nẵng - nơi chắp cánh cho Thi và Họa

Họa sĩ Ca Lê Thắng đến từ TP. Hồ Chí Minh, một trong những họa sĩ vào hàng lão làng của trại sáng tác chia sẻ rằng, ông đã đến Đà Nẵng nhiều lần, riêng Bà Nà thì ông đã đi đến lần thứ ba, nhưng bao giờ vẻ đẹp lẫn khuất trong mù sương, trong cái buốt lạnh trong trẻo của thiên nhiên Bà Nà luôn làm ông say đắm. Và Mù sương Bà Nà - tác phẩm đầu tiên ông vẽ về Đà Nẵng đã ra đời tại trại sáng tác lần này. Ca Lê Thắng nói, chỉ cái mù sương của thắng cảnh Bà Nà thôi đã đủ gợi lên trong ông biết bao màu sắc, bao lung linh, ảo diệu, kỳ thú. Mù sương lúc tím, lúc vàng, lúc xám lạnh, khi lại ửng hồng ấm áp.

Và nếu có thời gian, ông có thể vẽ đến 5-10 bức tranh để lột tả đầy đủ hơn vẻ đẹp của những tầng bậc, màu sắc sương mù trên đỉnh Bà Nà. “Còn nếu vẽ cả Bà Nà, thì có thể có hàng trăm bức ấy chứ. Đó là chưa kể Sơn Trà, Non Nước, Suối Mơ... bao cảnh đẹp khác của Đà Nẵng”, họa sĩ Ca Lê Thắng phấn khích.

Theo họa sĩ Ca Lê Thắng, thông điệp của Mù sương Bà Nà là Đà Nẵng hãy giữ lấy vẻ đẹp của thiên nhiên, bởi chỉ thiên nhiên là môi trường sống không thể thiếu của con người. Dù Đà Nẵng có nhiều nhà cao tầng, những cây cầu lớn bao nhiêu chăng nữa nhưng không giữ được vẻ đẹp tự nhiên của thiên nhiên thì cũng vô nghĩa, ông nói trong sự tiếc nuối những danh lam thắng cảnh (không tiện nhắc tên) của Việt Nam đã bị tàn phá bởi bàn tay con người.

Đến từ Hội Mỹ thuật Long An, họa sĩ Lê Thanh Tùng cũng nói rằng, anh quá ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên Đà Nẵng, con người nơi đây cũng thật thân thiện. Đó là lý do mà sau mấy ngày đi thực tế tại Khu du lịch Bà Bà - Suối Mơ, Sơn Trà, Non Nước... anh đã vẽ “một lèo” 3 tác phẩm Chiều Non Nước, Một góc Đà Nẵng (đứng trên bán đảo Sơn Trà nhìn về núi Ngũ Hành Sơn), Buổi sớm (trên bán đảo Sơn Trà), trong khi với nhiều họa sĩ, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của trại sáng tác, từ bắt đầu ý tưởng cho đến khi hoàn thiện một tác phẩm là đã khó lắm rồi. Họa sĩ Lê Thanh Tùng nói, anh yêu quá đỗi vẻ đẹp hoang sơ, hiền lành của dãy Sơn Trà, của trập trùng Non Nước. Tiếc là thời gian có hạn nên anh chỉ vẽ được có 3 bức như thế.

Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố, người đã chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của thành phố quê hương vẫn đau đáu với Những nẻo Hàn xưa cũ. Nổi bật trên nền xám của bức tranh là hình ảnh chợ Hàn và cầu Vồng xưa. Nguyễn Trọng Dũng nói, với những người lớn tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố này thì dù đi đâu, làm gì thì nói tới Đà Nẵng hai biểu tượng khiến nhung nhớ, day dứt là chợ Cồn và cầu Vồng. Bức họa như một phút thả hồn về quá khứ, trong tĩnh lặng, bình yên, trước thực tại sôi nổi, tươi mới từng ngày. Vì vậy, tác giả đã đặt tên tác phẩm của mình là Những nẻo Hàn, gợi điều gì rất xưa, chứ không phải là những nẻo Đà Nẵng, hay Đà Thành như cách gọi phổ biến ngày nay.

Vẽ bằng “trái tim”

Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên thực tại, của những mảng màu quá khứ, các tác phẩm được hoàn thành từ trại sáng tác còn mang đậm dấu ấn nghệ thuật về hình tượng người cán bộ, chiến sĩ dũng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc, tận tụy trong thời bình; hình ảnh về những tháng ngày gian khổ trên cung đường Hồ Chí Minh, phía Tây đất Quảng Nam - Đà Nẵng xưa; những hình ảnh sinh động về cuộc sống lao động của ngư dân Đà Nẵng, những công nhân môi trường - người âm thầm làm đẹp thành phố, hình ảnh đất và người Đà Nẵng đời thường giản dị nhưng đẹp đẽ tình người...

Theo đánh giá của Ban tổ chức, trong số 23 tác phẩm được hoàn thành tại trại sáng tác lần này có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng lẫn hình thức biểu hiện. Đó là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc, hết mình của các họa sĩ dự trại.

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao các họa sĩ tự nguyện bỏ thời gian, tâm sức, cống hiến hết mình, một cách miễn phí để sáng tác tranh cho Đà Nẵng như vậy? Họa sĩ Nguyễn Phú Hậu một trong những họa sĩ gạo cội của mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Chúng tôi vẽ bằng trái tim”, bằng tình thương mến dành cho thành phố Đà Nẵng. Mà cái gì đã xuất phát từ trái tim thì thật khó cắt nghĩa, khó lý giải, nhưng chân thật và đẹp đẽ vô cùng.

Trại sáng tác diễn ra từ ngày 3 đến ngày 15-11 với 23 bức tranh được hoàn thành tại trại, trong đó có 11 bức được Ban tổ chức bình chọn sẽ trở thành hiện vật mới trong bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng của các tác giả:  Niềm vui ra khơi (Hồ Minh Quân), Mù sương Bà Nà (Ca Lê Thắng), Bình minh Thọ Quang (Nguyễn Phú Hậu), Đất thiêng (Lê Xuân Chiểu) đến từ TP. Hồ Chí Minh; Ký ức sông Hàn (Lê Trí Dũng - Hà Nội), Chiều Non nước (Lê Thanh Tùng - Long An), và các tác phẩm Ngày mới (Duy Ninh), Những nẻo Hàn (Nguyễn Trọng Dũng), Mây Sơn Trà (Vũ Dương), Mắt thuyền (Thân Trọng Dũng), Nắng thu bên sông Hàn (Hoàng Đặng) của các tác giả tại Đà Nẵng.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.