.

Nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ

.

Không phải thơ hay truyện mà bằng các vở kịch, ông đã tạo nên “hiện tượng Lưu Quang Vũ”, làm sống lại và sôi động kịch trường trong nhiều năm trời, thu hút hoạt động của nhiều đoàn nghệ thuật.

Nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ và poster vở diễn Bệnh sĩ do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng năm 2014.
Nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ và poster vở diễn Bệnh sĩ do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng năm 2014.

Lưu Quang Vũ (17-4-1948 – 29-8-1988) là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn hiện đại của Việt Nam. Ông là con của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, quê Hải Châu, Đà Nẵng, nhưng sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Thời học phổ thông ông 3 lần đoạt giải nhất văn của Hà Nội. 13 tuổi, ông đoạt giải thưởng văn học của Hà Nội với truyện ngắn Đám trẻ con trong làng A. Ông gia nhập bộ đội vào năm 1965.

Đến năm 1968, ông xuất bản tập thơ Hương cây – Bếp lửa (in chung với Bằng Việt). Năm 1978, ông trở thành biên tập viên của tạp chí Sân khấu. Chính nơi đây đã tạo nên cơ duyên để ông đến với các vở diễn sân khấu.

NSND Phạm Thị Thành, người đầu tiên đưa kịch bản của ông lên sân khấu từng chia sẻ với báo giới rằng: “Năm 1979, sau một năm thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ, cần kịch bản mà nhân vật chính là thanh niên ưu tú, để dùng chính lực lượng diễn viên mà nhà hát đã có và đang đào tạo dựng vở kịch bản Ông nhỏ của vị cán bộ lão thành Vũ Duy Kỳ nhiều tư liệu nhưng không có nghệ thuật và tính kịch. Tôi nghĩ tên khác, muốn tinh thần khác để làm một vở trẻ trung. Biết Lưu Quang Vũ là nhà thơ có tài, lại là con nhà nòi (cha là tác giả Lưu Quang Thuận), tôi đến 51 Trần Hưng Đạo. Lưu Quang Vũ khi ấy là biên tập viên tạp chí Sân khấu, chưa viết vở nào cho sân khấu chuyên nghiệp. Vũ nhận lời, hẹn 20 ngày”.

Thế nhưng, chưa đến 20 ngày, đạo diễn Phạm Thị Thành quá bất ngờ khi đọc kịch bản của Lưu Quang Vũ giao. Ông nhỏ đã được cấu trúc lại, nhuận sắc thêm để thành Sống mãi tuổi 17 hấp dẫn. Mọi góp ý, yêu cầu chỉnh sửa của đạo diễn đều được ông lắng nghe, sửa đổi nhanh và hay. Vở được dựng cuối năm 1979 thì đầu năm sau đã được tặng Huy chương Vàng ở Hội diễn Sân khấu toàn quốc 1980.
Bước ngoặt cuộc đời đã mở ra, từ đó ông say mê với nghề sáng tác kịch bản. Cho đến lúc qua đời (năm 1988), ông đã viết hơn 50 kịch bản sân khấu, phần lớn đã được dàn dựng. Trong đó có vở Hồn Trương Ba da hàng thịt đã được nhiều đoàn văn công dàn dựng, công diễn hàng trăm buổi trong nước,
rồi vươn ra tận Nga và Mỹ. Ông đã trở thành nhà viết kịch tài năng được đông đảo công chúng mến mộ. Vào 29-8-1988 trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, một tai nạn giao thông bất ngờ đã cướp đi mạng sống của ông, vợ ông (nhà thơ Xuân Quỳnh) và đứa con trai nhỏ.

Tuy ra đi khi còn trẻ nhưng với sự lao động miệt mài, cùng tài năng và sức sáng tác phi thường, Lưu Quang Vũ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Các kịch bản chính của ông có: Sống mãi tuổi 17, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Người tốt nhà số 5, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Lời thề thứ 9, Điều không thể mất...

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu. Tại Đà Nẵng, tên ông đã được đặt tên con đường dài 200m, rộng 6m, nối từ đường Trần Đại Nghĩa đến đường Mai Đăng Chơn, thuộc quận Ngũ Hành Sơn.

Từ điển Văn học (Bộ mới, NXB Thế Giới, 2004) đã dành liên tục các trang 902-904 giới thiệu về cha con ông, Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ. Mặc dù ông coi thơ và truyện ngắn mới là sự nghiệp chính của mình nhưng công chúng rộng rãi lại biết đến ông nhiều hơn từ những vở kịch, vở chèo được ra đời dồn dập trong một thời gian ngắn và liên tục gây xôn xao dư luận. Sách đã dẫn nhận xét:

“Tính hiện đại và thời sự là điểm nổi bật trong kịch Lưu Quang Vũ. Ông đã thành công và nổi tiếng với những vở diễn tả cuộc đấu tranh giữa những người đại diện cho một cách nghĩ mới, mang tư tưởng dân chủ với một tác phong làm việc mới và những lực lượng bảo thủ, đại diện cho cái cũ, cái lạc hậu. Kịch của ông đi sâu vào nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống nên cuốn hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên “hiện tượng Lưu Quang Vũ”, làm sống lại và sôi động kịch trường trong nhiều năm trời, thu hút hoạt động của nhiều đoàn nghệ thuật”.

Các đêm từ 29 đến 30-11 tới, khán giả Đà Nẵng sẽ được xem lại vở Bệnh sĩ của ông do các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Trưng Vương. Khán giả Huế (đêm 27-11) và Quảng Nam (đêm 1-12) cũng sẽ được thưởng thức vở hài kịch nổi tiếng này. Bệnh sĩ phê phán cái háo danh, cái “sĩ” khi con người cố khoác lên mình bằng một vẻ ngoài ra chiều sang trọng, quý phái. Để rồi khi đối mặt với sự chông chênh giữa cái thực tại và cái hư danh trong đời thường, con người phải dở khóc dở cười bởi chính cái bệnh mà mình tự mắc vào người.

Có thể chỉ xem qua một Bệnh sĩ thôi cũng đủ để cảm nhận được nét tài hoa tột bậc của nhà soạn kịch tài ba Lưu Quang Vũ.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.