.

Hoài bão doanh nhân trẻ

.

Hai lần thi đỗ đại học nhưng cả hai lần chàng trai ấy quyết định bỏ dở giữa chừng sự nghiệp đèn sách để thực hiện khát khao và đam mê làm giàu.

Ngoài công việc kinh doanh, Trần Đăng Trình còn tham gia sôi nổi các hoạt động cộng đồng của Hội Doanh nhân trẻ thành phố. Ảnh: M.Đ
Ngoài công việc kinh doanh, Trần Đăng Trình còn tham gia sôi nổi các hoạt động cộng đồng của Hội Doanh nhân trẻ thành phố. Ảnh: M.Đ

Đại học không phải là con đường duy nhất

Năm 2006, như bao sĩ tử khác, Trần Đăng Trình (SN 1988, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Trình Việt, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cũng thi đại học. Trình thi đậu vào khoa Điện – Điện tử, ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Nhập học chưa được bao lâu, sau nhiều lần gặp gỡ bạn bè đang là du học sinh tại Nhật Bản, Trình quyết định từ bỏ giảng đường sang Nhật du học.

Với Trình đó là bước ngoặt quan trọng khiến anh thay đổi suy nghĩ về con đường lập nghiệp sau này. Hai năm học tập tại Nhật Bản, ngoài vốn liếng tiếng Nhật, thứ quý giá nhất mà Trình học được đó là những kinh nghiệm kinh doanh. Ban đầu chỉ là những món hàng xách tay bán cho vài người bạn, về sau Trình chuyển sang buôn bán đồ cũ của Nhật, trong đó chủ yếu là máy móc phục vụ cho nông nghiệp.

Thời gian học tại Nhật Bản của Trình kéo dài không lâu vì căn bệnh viêm xoang và đau dạ dày nặng. Bạn phải dừng học. Năm 2008 Trình về nước, tiếp tục ôn thi và năm sau thi đỗ ĐH Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh. Với vốn liếng tích lũy được từ hoạt động kinh doanh trước đó, Trình quyết định vừa học vừa mở quán cà-phê mang phong cách Nhật Bản tại thành phố sôi động này. Trình làm việc không ngừng, ngoài hợp tác với Trung tâm Nhật ngữ Sakura tại Đà Nẵng trong mảng tư vấn du học Nhật; bạn còn nhận làm phiên dịch viên tiếng Nhật cho khách du lịch và các đối tác kinh doanh từ Nhật sang Việt Nam…

Năm 2013, Trình thành lập công ty riêng, chuyên mua bán các loại máy móc nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản như máy cày, máy xúc, máy đào… Công việc ở những buổi đầu còn nhiều khó khăn buộc Trình lần thứ hai quyết định nghỉ học.

Trình bày tỏ: “Đó là quyết định không hề dễ dàng bởi chỉ cần ráng thêm một thời gian nữa tôi sẽ tốt nghiệp, có bằng đại học trong tay. Nhưng thời điểm đó, tôi chỉ có thể chọn một trong hai và tôi chọn hướng đi lập nghiệp. Tôi quan niệm, không nhất thiết phải theo học đại học mới vào đời được. Rút kinh nghiệm từ lần kinh doanh quán cà-phê, vì thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị nên thua lỗ hơn nửa tỷ đồng, tôi dành nhiều thời gian để học những thứ cần học phục vụ cho việc kinh doanh”.

Ngoài kinh doanh các mặt hàng máy móc, hiện Trình còn bắt tay vào sản xuất rau sạch tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Thật khó để hình dung chàng trai phong độ, bảnh bao thường xuyên có những hợp đồng làm ăn với các đối tác nước ngoài ấy lại là một “người nông dân” thực thụ, rất mát tay trong việc trồng cây, nuôi gà. Đến nay, công việc kinh doanh đem lại cho Trình khoảng doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Sẽ hối hận nếu không dám theo đuổi ước mơ

Nếu nói Trần Đăng Trình là chàng trai đa năng quả không ngoa bởi anh đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau và ở vị trí nào cũng đạt được thành quả nhất định. Mỗi công việc đều đem lại những trải nghiệm và kiến thức vô cùng quý giá, là bước chuẩn bị quan trọng để anh theo đuổi ước mơ kinh doanh của mình.

Trình chia sẻ rằng, khi tham gia vào hoạt động phiên dịch, anh thích dịch cho các đối tác làm ăn từ Nhật sang Việt Nam. Đây là công việc không hề dễ bởi yêu cầu người dịch phải có vốn từ chuyên ngành. Nhưng bù lại, anh có  thông tin và tạo dựng mối quan hệ quý báu cho hoạt động kinh doanh sau này. Nhiều khách hàng, hợp đồng làm ăn hiện nay của Trình có được từ những chuyến đi như vậy.

Ở tuổi 26, ngoài công ty riêng, Trình còn là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Denken Việt Nam đóng tại KCN Điện Nam–Điện Ngọc (Quảng Nam). Đây là Công ty do Nhật Bản đầu tư. Trần Đăng Trình được đánh giá là gương mặt doanh nhân ấn tượng ở thế hệ 8X, là thành viên tích cực, có mặt ở hầu hết các hoạt động văn hóa thể thao, thiện nguyện của CLB doanh nhân 20-30 Đà Nẵng.

Tâm sự về mình, Trình bảo: “Có những lúc thấy bạn bè khoe tấm bằng tốt nghiệp đại học tôi cũng chạnh lòng nhưng nói thật, chưa bao giờ tôi hối hận với những gì đã lựa chọn. Tôi sẽ chỉ hối hận khi không dám theo đuổi ước mơ”. Nhưng Trình cũng quả quyết, khi nào công việc kinh doanh đi vào ổn định sẽ tiếp tục việc học bởi với Trình, học không phải vì lấy tấm bằng mà học là để tích lũy kiến thức cho chính mình.

MẪU ĐƠN

;
.
.
.
.
.