.

"Vừng ơi!"... mở ra

.

Ba người con của mảnh đất Đà thành, hai người ở Đà Nẵng, một người ở tận nước Mỹ xa xôi, đã và đang kiến tạo một không gian văn hóa-nghệ thuật (VH-NT) cho giới trẻ thành phố. Ai cũng có sở trường, sở đoản nhưng cả ba đều tìm được tiếng nói đồng điệu trong tâm hồn mỗi khi nói về sách, về VH-NT,… Vừng ơi! là tên nhóm mà cả ba đã lên ý tưởng và duy trì hoạt động từ đầu tháng 8 đến nay.

Các bạn trẻ cùng tham gia thảo luận sôi nổi tại một buổi Đọc và Mở.  Ảnh: B.A
Các bạn trẻ cùng tham gia thảo luận sôi nổi tại một buổi Đọc và Mở. Ảnh: B.A

Những người trẻ ấy là cô gái Lâm Vị Quân (SN 1991, hiện đang sống và học ngành truyền thông ở Mỹ), cậu SV ngành Điện ĐH Bách khoa Đà Nẵng Nguyễn Văn Minh Nhật cùng cô bạn yêu sách văn học kinh điển Trần Nguyễn Yến Nhi, cựu SV ĐH Huế (cùng SN 1992).

Câu chuyện của Nhật

Tình yêu sách nhen nhóm trong Nhật từ những câu chuyện về đất nước Nhật Bản và các võ sĩ Samurai một tay cầm kiếm một tay cầm sách, văn võ song toàn. Mỗi năm, em đọc ít nhất 20 quyển sách và đều có một kế hoạch đọc rất rõ ràng cho từng giai đoạn. Nhật đọc chậm, ghi chép cẩn thận tất cả những gì em cảm thấy có ích vào một cuốn sổ riêng và sau mỗi cuốn sách em đều viết một bài tổng quát về những điều mình đã học được.

Những dòng ghi chú chi chít từ đầu đến cuối sách, những dấu hỏi lớn là những ấn tượng đầu tiên với ai từng cầm sách của cậu sinh viên này. Với mong muốn giúp mọi người xung quanh có thói quen đọc sách, Nhật luôn sẵn lòng cho mượn sách, thậm chí là đi nài nỉ bạn bè mượn sách với một điều kiện duy nhất là phải đọc.    

Cuộc gặp gỡ của Nhật-Quân-Nhi như “cá gặp nước” bởi tự trong lòng ai cũng đau đáu, cũng dằn vặt một câu hỏi: “Tại sao ở Đà Nẵng lại có rất ít các tổ chức dành cho người yêu sách, yêu văn hóa-nghệ thuật như chúng mình đến thế?”. Từ chỗ chỉ là những người bạn hững hờ lướt qua nhau trên mạng xã hội, nay, những người trẻ này đã trở thành tri kỷ và dành cho nhau sự cảm thông, thương yêu tự thuở nào.

Các bạn đặt tên cho hoạt động của mình là Vừng ơi!, vì “Hình ảnh dễ hình dung nhất cho việc đọc sách là mở sách ra và từ đây người nghe có thể liên tưởng tới câu: Vừng ơi! Mở ra! rất nổi tiếng của truyện “Alibaba và bốn mươi tên cướp”. Ngoài ra, ý nghĩa sâu xa hơn của Vừng ơi! là sau khi đọc một cuốn sách hay mọi người sẽ vỡ ra được nhiều điều ý nghĩa mà trước giờ mình chưa nghĩ đến hoặc đơn giản là có thêm kiến thức cho bản thân mình” - Minh Nhật chia sẻ về tên gọi của nhóm.

Kiến tạo không gian văn hóa-nghệ thuật

Vừng ơi! gồm có 4 hoạt động cụ thể, là: Đọc và Mở, Nghe và Mở, Đi và Mở, Nói và Mở.

Đọc và Mở sẽ tổ chức các hoạt động đọc sách định kỳ nhằm phát triển kỹ năng đọc và làm phong phú thể loại sách cho từng cá nhân, giúp mọi người tự do trao đổi ý kiến, quan điểm của mình về một chủ đề trong sách. Hoạt động Nghe và Mở là tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ giữa các nhà hoạt động xã hội, các nghệ sĩ hoặc các trí thức với giới trẻ. Đi và Mở hướng đến việc tổ chức các buổi tham quan, du lịch tìm hiểu các địa danh trên địa bàn miền Trung. Riêng với Nói và Mở, Vừng ơi! sẽ tổ chức các buổi tranh biện các đề tài đời sống, xã hội nhằm tăng cường khả năng tranh biện của thế hệ trẻ.

Xuất phát từ thực tế hiện nay hầu hết các CLB có hoạt động giới thiệu sách đều hướng đến các tác phẩm best-seller, sách văn học đương đại nổi tiếng theo cơ chế truyền miệng, chỉ có giá trị nhất thời. Trong khi đó, một bộ phận sách văn học kinh điển, sách triết học, lịch sử, tôn giáo,… đã được các học giả nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới đánh giá cao lại không được chú ý. Chính vì vậy, hoạt động Đọc và Mở của Vừng ơi! nhằm mục đích đánh thức và lan tỏa giá trị của các cuốn sách này, giúp cho các thế hệ trẻ có cái nhìn mới hơn, đúng đắn hơn, hạn chế sự mai một.

“Chúng mình không ép mọi người phải đọc cuốn sách mình đang trao đổi. Mong ước lớn nhất của cả ba là sau khi tham gia buổi sinh hoạt, mọi người có ý niệm về đọc sách và dành điều đó trong khoảng thời gian rảnh rỗi của mình thay vì những thú vui khác” - Yến Nhi nói.

Hiện tại, mỗi buổi sinh hoạt của Vừng ơi! thu hút sự tham gia của trên 20 bạn trẻ. Việc lôi kéo được nhiều bạn trẻ đến với tổ chức này cũng gặp không ít khó khăn. Nhật và Nhi nhớ lại buổi Đọc và Mở đầu tiên chỉ có vỏn vẹn 12 người tham gia; trong đó, có tới 9 người là thành viên ban tổ chức. Mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu nên đây cũng là điều dễ hiểu. Điều đáng quý nhất ở những người trẻ này là dù ít hay nhiều người, các thành viên đều tổ chức buổi sinh hoạt bài bản nhất có thể.

Ngoài ra, Vị Quân và Yến Nhi cùng đảm trách phần biên dịch, lấy các bài viết nói về lịch sử mỹ thuật, các bài chuyên sâu về nghệ thuật trên các báo, tạp chí bằng tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt và chia sẻ ở địa chỉ Vừng ơi! trên mạng xã hội.    

Ngọn nến được thắp sáng

Tham gia buổi Đọc và Mở về cuốn tiểu thuyết kinh điển Rừng Na Uy của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki, do Vừng ơi! tổ chức, những người tham gia đối thoại sôi nổi, có khi tranh cãi vì bất đồng quan điểm và “vỡ” ra nhiều vấn đề.

Chị Trần Mai Thúy (SN 1987), nhân viên một trung tâm anh ngữ, đang có con nhỏ nhưng chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian tham gia cùng Vừng ơi! Chị Thúy chia sẻ: “Tôi là một người yêu sách và đã từng mở một hiệu sách nho nhỏ nhưng phải đóng cửa vì kinh doanh không thuận lợi. Tôi ở tỉnh khác, chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng lập nghiệp từ sách, tôi nhận ra ở đây văn hóa đọc chưa được nhiều người quan tâm. Với Vừng ơi!, điều tôi quý nhất là các em tuy còn nhỏ nhưng đã tổ chức một cách có bài bản, có hệ thống và truyền tải được đam mê sách đến với mọi người”.

Cùng chung quan điểm với chị Thúy, anh Lê Vũ Kỳ Nam (SN 1989) hiện đang là dược sĩ, nhận ra tham gia Vừng ơi! đã giúp anh lấp đi được lỗ hổng, khoảng trống trong sự hiểu biết của mình. “Nhiều khi tôi cũng muốn tìm hiểu nhưng lại không có nơi nào dành cho những người trẻ như mình. Vừng ơi! đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc có thêm tri thức, còn thông tin nào chưa rõ thì tôi lại về tìm hiểu thêm” - anh Nam nói.

Ở nước Mỹ xa xôi, cô sinh viên Vị Quân luôn đau đáu một điều: “Bọn mình vốn là lớp trẻ, nhưng thấy những giá trị nghệ thuật hàn lâm bị quên lãng dần hoặc không được biết tới nhiều, tiếc lắm! Ngoài khao khát được làm ngọn lửa lan tỏa, khuyến khích mọi người để tâm đến những giá trị đó, Vừng ơi! còn đặt mục tiêu giúp đỡ các bạn trẻ ở Đà Nẵng, truyền cho họ sự say mê, khát vọng để làm điều gì đó. Từ đó tạo ra một mạng lưới giới trẻ mà ở đấy, mọi người học được cách chia sẻ, lan tỏa và lắng nghe lẫn nhau, nâng đỡ khuyến khích các giá trị cá nhân của nhau”.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.
.