.

Từ riêng cõi lòng

.

Đọc lên bài thơ do chính mình viết cách đây hơn một tháng, nhân dịp được đặt chân đến Côn Đảo, PGS-TS Phan Văn Hòa, Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế-ĐH Đà Nẵng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nhiều lần ngưng lại, rồi bật khóc. Khóc nức nở trước mặt nữ phóng viên có lẽ là điều vị thầy giáo khả kính không mong muốn, nhưng thầy đã không thể giấu được khi cảm xúc cứ vỡ òa.

Thầy Phan Văn Hòa và giảng viên An Phương cùng tác phẩm đồng sáng tác về Côn Đảo. Ảnh: H.D
Thầy Phan Văn Hòa và giảng viên An Phương cùng tác phẩm đồng sáng tác về Côn Đảo. Ảnh: H.D

Thời gian gần đây, nhiều bài hát, bài thơ, clip ca nhạc về tình yêu biển-đảo theo một cách rất riêng của giảng viên ĐH Đà Nẵng lần lượt ra đời, trở thành bài giảng sống động cho sinh viên, và đã tạo được những “cơn sóng” nhỏ trong cảm nhận của giới trẻ, không chỉ ở khuôn viên giảng đường.

 “Chạm” vào quá khứ

“Côn Lôn ai khóc ai than. Núi non rớm máu, biển tràn nỗi đau. Tim se sắt, nhỏ giọt sầu. Cho tôi qùy lạy, cúi đầu dâng hương” (Lời Nguyện từ Côn Đảo) những câu thơ bật lên khi lần đầu tiên thầy Phan Văn Hòa đặt chân đến Côn Đảo vào đầu tháng 8-2014 cùng đoàn của Đảng ủy ĐH Đà Nẵng. Với cá nhân thầy Hòa, chuyến đi này không phải là cuộc tham quan đơn thuần, mà là sự trở về với quá khứ của chính gia đình mình. Trong quan hệ gia đình, thầy Hòa gọi cụ Tiểu La-Nguyễn Thành (1863-1911) là cố ngoại. Cụ Tiểu La bị đày ra Côn Đảo năm 1908 và máu xương ông đã nằm lại mảnh đất này. Thầy Hòa còn có cha vợ là ông Hoàng Kim Loan, Thường vụ Thành ủy Huế, bị bắt ra Côn Đảo năm 1972-1975.

Từ lúc đặt chân xuống sân bay Côn Đảo, cho đến lúc đứng trước chuồng cọp - địa ngục trần gian, nơi giam cầm tra tấn dã man các cựu tù yêu nước; rồi khi đêm thanh tịnh được lang thang ở nghĩa trang Hàng Dương để tâm trí trôi về miền hoài niệm, nơi có cha ông, có chị Sáu, có hàng chục nghìn phận người nằm yên dưới các mộ phần, cảm giác duy nhất người thầy giáo này là nhận ra mình thật quá nhỏ bé trước lịch sử. Tứ thơ: “Hoa rừng nở khắp bên mồ. Hoàng hôn phủ thắm màu cờ thiêng liêng. Hồn ơi trong giấc bình yên. Có nghe con nói từ riêng cõi lòng” đến tự nhiên trong khoảnh khắc ấy.

Lần làm thơ gần đây nhất của thầy Hòa là thời… sinh viên. Tưởng văn thơ đã ngủ yên giữa bộn bề công việc, nay tuôn trào từ cõi lòng một con người đầy ám ảnh về quá khứ. Chính cảm xúc của thầy đã truyền một cảm nhận khác hơn về lịch sử cho sinh viên đầu khóa. Nhiều em ngồi thẫn thờ nghe thầy kể về Côn Đảo, về những đau đớn nhưng thấm đẫm hào khí kiên trung, để rồi có em về nhà sụt sùi nhắn tin gửi thầy: “Đối với em, đây là bài học lớn”.  

Những bài học… rất êm

Tình cờ nghe bài thơ của thầy Hòa, giảng viên An Phương, Khoa Tiếng Anh-ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng không phản hồi bằng bất kỳ lời nhận xét nào. Im lặng và rồi ám ảnh, dù chưa một lần được đến với Côn Đảo, “cây văn nghệ” một thời của phong trào ca nhạc học sinh, sinh viên thành phố Đà Nẵng tưởng đã mang đàn xếp vào một góc, giờ bỗng dưng cũng tìm đến đàn, ký âm, xướng nhạc. Bài thơ ra đời rất nhanh trong dâng trào cảm xúc, và bài hát với điệu valse chủ đạo cũng hoàn thành chỉ trong vòng 15 phút bởi “cứ thế tuôn ra”.

Cô An Phương tâm sự: “Tình yêu biển đảo có sẵn trong Phương. Phương rất thích nghe các bài hát về biển đảo, thích và hát nhiều đến mức con gái mới vào lớp 1 cũng thuộc theo mẹ. Thế nên, khi nghe những lời thơ của thầy, hình ảnh đảo thiêng quê hương hiện ra mồn một như mình được chứng kiến tận mắt vậy”. Nếu lời thơ toát lên nỗi buồn trầm mặc như một lời sám hối trước non sông, thì bài hát có ít chỗ thay đổi phù hợp với góc nhìn tươi sáng hơn của một người trẻ.

Ca khúc “Lời nguyện từ Côn Đảo” (Lời: Phan Văn Hòa - Nhạc: Nguyễn Lê An Phương) có thể xem là tác phẩm âm nhạc mới toanh được phổ biến trong ĐH Đà Nẵng. Trước đó, vào tháng 5-2014, cộng đồng mạng đã từng “cay mắt” với một video clip của thầy và trò Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm Đà Nẵng. Bài hát Thề giữ yên biển đảo quê hương (Lời: Nguyễn Chính - Nhạc: Lưu Văn Bình) được toàn khoa chọn thu âm, quay hình, dựng phim chỉ trong vỏn vẹn 2 ngày để phát kịp buổi mít-tinh “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam” diễn ra tại trường.

Không ngờ, clip ca nhạc “cây nhà lá vườn” đã lan tỏa không chỉ ra khỏi phạm vi giảng đường mà trên cả nước, nhiều bạn trẻ chuyền tay nhau sản phẩm âm nhạc đặc biệt này. Với những người yêu các ca khúc biển đảo, clip Thề giữ yên biển đảo quê hương của Khoa Ngữ văn giờ được tìm thấy dễ dàng trên các trang mạng âm nhạc lớn của Việt Nam. Đối với sinh viên Đà Nẵng nói chung, những bài học về tình yêu quê hương đất nước đã thật sự… êm như nhạc, như thơ qua các “giáo trình” tự soạn của thầy, cô giáo.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.