.

"Trao lại" truyền thống cho người trẻ

.

Một nhà báo nước ngoài hỏi ông Yozo Tanimoto - bậc thầy về nghiên cứu trà đạo của Nhật Bản rằng: “Tại sao ông vẫn luôn muốn bảo tồn các giá trị truyền thống của đất nước mình”. Nhà nghiên cứu 85 tuổi trả lời: “Người dân nước tôi không bao giờ hỏi như thế, bởi bảo tồn văn hóa truyền thống là chuyện đương nhiên”.

Chuyên gia làm bánh Wagashi-ông Naohiko xúc động giới thiệu về tập thư tay do trẻ em gửi tặng ông.
Chuyên gia làm bánh Wagashi-ông Naohiko xúc động giới thiệu về tập thư tay do trẻ em gửi tặng ông.

Ông Yozo chia sẻ thêm, ông không bao giờ nghĩ đến chuyện xuất khẩu món trà xanh. Ai muốn thưởng thức trà đạo, xin mời đến Nhật Bản. Nhưng ông lại vô cùng thiết tha chào đón các bạn trẻ đến với mình để được có cơ hội “xuất khẩu” kiến thức tới đối tượng cần tiếp nhận: những thanh-thiếu niên - thế hệ tương lai của nước Nhật. Dù hiện tại ông là người đứng đầu trong những người nghiên cứu trà đạo ở Nhật, nhưng người trẻ đến với ông để học hỏi sẽ không phải tốn một đồng học phí.

“Thầy” và “trường” ở khắp mọi nơi

Những người sẵn sàng truyền đạt kiến thức cho giới trẻ như ông Yozo Tanimoto có rất nhiều trên đất nước Nhật Bản. Thế nên, trẻ em, thanh niên có nhiều cơ hội học những tinh hoa truyền thống của cha ông ở khắp mọi nơi.

Ngôi Nhà Trà 350 tuổi nằm giữa lòng thành phố Sakai của ông Yozo là một ví dụ. Tuổi của ngôi nhà gấp nhiều lần tuổi đời của chủ nhân nó khi đã có nhiều thế hệ lớn lên, tiếp nối công việc kinh doanh, nghiên cứu và truyền dạy trà đạo tại đây. Cụ ông rất Nhật Bản và nói tiếng Anh như gió này hào hứng chia sẻ rằng, nhiều người trẻ hiện nay coi việc thưởng thức trà xanh là “mốt”; đồng thời là một cách họ thể hiện sự thưởng thức cuộc sống rất sành điệu.

Trước sự tò mò của giới trẻ về trà đạo, ngôi nhà cổ của ông; đồng thời là quán trà với chừng hơn 10 bàn cũng vì thế trở thành “trường học” đối với bất kỳ bạn trẻ nào muốn đến tìm hiểu về trà xanh. “Uống trà thì dĩ nhiên bạn phải trả tiền cho tôi, nhưng học cách nấu, cách pha, cách thưởng thức và những giá trị xung quanh thức uống này thì hãy đến đây, đừng ngần ngại, đừng lo tốn phí”, “ông già trà” cười vui vẻ nói.

Ông Naohiko Okada, 80 tuổi, hoạt động trong một lĩnh vực khác, nhưng gắn bó mật thiết với món trà đạo của ông Yozo Tanimoto. Cùng với trà đạo, Nhật Bản còn có loại hình “bánh đạo”. Có thể nói như vậy với món bánh ngọt truyền thống Wagashi của đất nước mặt trời mọc. Thưởng thức một tách trà xanh đúng bài phải đi kèm với chiếc bánh ngọt Wagashi. Bánh được hòa quyện từ các nguyên liệu dân dã như đậu, gạo, nếp, đường, khoai tây và được nhào nặn thành nhiều hình dạng, màu sắc biểu trưng cho hình ảnh Nhật Bản.

Wagashi bùi, ngọt, có hương vị khá giống với bánh trung thu (không nhân thịt, trứng) mà chúng ta vẫn thường thưởng thức. Thế nhưng, qua bàn tay của các nghệ nhân nước này, loại bánh với nguyên liệu và cách làm tưởng rất đơn giản đã được nâng lên thành một biểu trưng cho quốc hồn, quốc túy dân tộc.

Ở khía cạnh này, ông Naohiko Okada là một trong số ít chuyên gia Wagashi có thể làm được điều đó. Ở Nhật rất nhiều người làm bánh Wagashi. Riêng trong một thành phố có thể có đến 50 tiệm bánh. Thế nhưng, người làm Wagashi tay nghề cao như ông Naohiko Okada lại không nhiều. Mỗi ngày ông có thể làm đến 1.500 chiếc bánh chỉ từ đôi bàn tay. Suốt hơn 60 năm qua, ông đã góp phần khiến người khác thán phục về nghệ thuật làm bánh của Nhật Bản thông qua cách tạo ra những sản phẩm thủ công không chỉ ngon, hương vị hòa quyện tự nhiên mà còn đẹp đến… không nỡ chạm vào.

Thế nhưng, một điều khiến ông thực sự cảm động không phải ở số lượng bánh kỷ lục mình đã làm được, mà chính là những bức thư tay của trẻ em mọi nơi đã gửi cho ông. Lật giở tập vở sưu tầm rất nhiều bức thư, ông xúc động không nói nên lời. Ông Naohiko thường đến các trường tiểu học, trung học để giới thiệu về bánh Wagashi. Đó cũng là công việc quan trọng khác ngoài thời gian ông làm ở xưởng. Chính vì thế, trẻ em rất yêu quý ông và ông cũng có một cách khác bày tỏ tình yêu với thế hệ trẻ của đất nước mình là biến xưởng làm bánh cá nhân trở thành chỗ học, chỗ dạy cho những bạn nhỏ muốn tìm hiểu về món bánh ngọt truyền thống này.

Cũng như ông Yozo, ông Naohiko và rất nhiều nghệ nhân khác xem không gian nơi mình sống và làm việc là một “bảo tàng” nho nhỏ để giới trẻ Nhật Bản được tận mắt chứng kiến cha ông của họ đã trân quý sản phẩm, nghề nghiệp truyền thống đến nhường nào; đồng thời không chỉ lưu truyền, họ còn luôn nâng tầm giá trị văn hóa của dân tộc thành một thứ rất thiêng liêng mà người ta gọi là “đạo”. Điểm chung ở những người “thầy” này là họ cao tuổi, tầm 80-90 tuổi, nhưng rất minh mẫn, năng động và đầy say mê để truyền cảm hứng cho giới trẻ trong cuộc giữ gìn các giá trị riêng của con người Nhật Bản.

Học sinh Nhật Bản pha trà mời khách tại trường.
Học sinh Nhật Bản pha trà mời khách tại trường.

Không gian xưa trong học đường

Ngoài các “bảo tàng” mini như trên, thanh-thiếu niên còn được tìm hiểu, thực hành về văn hóa truyền thống ở ngay không gian bên trong cánh cổng trường.

Điều gây ấn tượng đầu tiên ở những ngôi trường THPT tại Nhật Bản là khu thể thao học đường rất rộng và hiện đại. Tuy nhiên, càng vào sâu bên trong, điều gây ngỡ ngàng chính là giữa không gian tưởng bao trùm bởi nhiều nét văn minh, mới mẻ lại là những căn phòng mang đậm phong cách Nhật cổ xưa. Phòng trà, phòng hoa, phòng trò chơi truyền thống được thiết kế theo đúng nguyên mẫu không gian thưởng thức trà, ngắm hoa của người xưa để học sinh không chỉ nhìn mà còn sống và trải nghiệm thực tế.

Nơi đây còn được xem là câu lạc bộ hoạt động ngoại khóa của học sinh. Dù không là bài học bắt buộc, nhưng các giờ thực hành tại đây luôn được ưu tiên đầu tư thông qua việc chọn người dạy và sự nghiêm trang khi các em đặt chân vào căn phòng này.

Để vào phòng truyền thống ở trường cấp 3 Sakai Higashi, học sinh phải cúi người theo hình thức như đang lạy mới có thể qua được ô của chính rất nhỏ và thấp. Bên trong, một nhóm khác gồm cả nam lẫn nữ ngồi chơi bài cổ Hyakinin Isshu. Hình thức chơi bài gồm 100 thẻ bài tương ứng 100 bài thơ cổ, dù không hấp dẫn đa phần học sinh bằng các trò chơi điện tử, tuy nhiên, những câu lạc bộ trò chơi như thế này vẫn tồn tại đều đặn ở các trường và khiến học sinh hòa nhập vào cuộc chơi một cách hào hứng lúc nào không hay.

Đa phần học sinh tham gia thực hành trà đạo và cắm hoa là nữ. Các em tỏ ra điệu nghệ trong việc nấu nước, pha trà mời khách hay bày biện không gian của hoa và thiền. Vì thế, đến thăm các trường THPT, việc đầu tiên khách được thưởng thức chính là tách trà xanh do học sinh tự pha chế; đồng thời được ngắm những lọ hoa Ikebana, Kado thanh tao, duyên dáng do học trò tự bài trí.

 Cô bé Yamaguchi và Tamura (18 tuổi) bẽn lẽn nói: “Mỗi lúc ra ngoài chơi với bạn bè, chúng em vẫn muốn ăn các món hiện đại hơn là uống trà xanh với bánh Wagashi. Nhưng được học các môn văn hóa truyền thống như pha trà, cắm hoa, chúng em thấy mình nữ tính và có vẻ trở nên cuốn hút hơn trong mắt mọi người”.

Tại Trường THPT Senboku Kita, thầy Hiệu trưởng Shiro Kuwahara cho biết: Học sinh tham gia mỗi tuần một buổi ngoại khóa về văn hóa truyền thống. Trong 840 học sinh tại trường, có đến 80% các em thường đến lớp học này. Hình ảnh học sinh e ấp ngồi pha trà hay hướng dẫn khách cắm hoa trở thành niềm hãnh diện của vị thầy giáo này. Và ai cũng dễ dàng nhận ra, dù các em lớn lên trên một đất nước đã phát triển, nhưng truyền thống vẫn được thầy cô, cha mẹ, xã hội “trao lại” và gợi nhớ trong các em mỗi ngày.

THU HOA

;
.
.
.
.
.