.

Thiếu nữ sống trong sợ hãi

.

Tổ chức từ thiện Plan International thực hiện cuộc khảo sát 7.179 thiếu nữ ở 11 quốc gia châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, lứa tuổi từ 12 tới 16. Đây là đợt khảo sát với số lượng lớn nhất về quyền của thiếu nữ từ trước tới nay.

Các em gái ở một trường học Pakistan nghĩ mình không xứng đáng được bình đẳng giới.
Các em gái ở một trường học Pakistan nghĩ mình không xứng đáng được bình đẳng giới.

Bản báo cáo kết quả khảo sát có tiêu đề “Bởi vì tôi là thiếu nữ và lắng nghe tiếng nói của chúng tôi”. Kết quả cho thấy 40% thiếu nữ tham gia cuộc thăm dò nói rằng họ đối mặt với tương lai mà không thể có quyền lựa chọn chồng; 52% không thể tự quyết được khi nào có con.

80% thiếu nữ ở một vùng tại Bangladesh và 77% ở một vùng tại Ecuador nói rằng họ hiếm khi hoặc không bao giờ có được cảm giác an toàn. Hơn ¼ số người được hỏi không cảm thấy an toàn khi tới trường.

Hơn 1/3 không sử dụng nhà vệ sinh tại trường vì sợ bị tấn công. Có tới 51% thiếu nữ không dám nói lên những suy nghĩ của mình trước người khác phái (bằng tuổi lẫn lớn tuổi hơn).

Báo cáo còn cho biết các thiếu nữ nhận thấy mình không có quyền bình đẳng giới, số khác tỏ ra yếm thế hơn khi tự nhận mình không xứng đáng có được quyền bình đẳng đó. Những người khảo sát ở một trường học tại Pakistan vô cùng ngạc nhiên khi các em nữ nghĩ rằng họ không xứng đáng có được quyền bình đẳng giới.

Bà Tanya Barron, Giám đốc điều hành của Tổ chức Plan International đóng tại Anh tổng hợp: Thiếu nữ với gánh nặng công việc gia đình đã ngăn cản họ tới trường. Các em gái tuổi vị thành niên này luôn đứng trước nguy cơ bị tấn công tình dục, mang thai sớm… Dù tình hình đã được cải thiện nhưng các bé gái tuổi vị thành niên vẫn phải bỏ lỡ cơ hội vươn lên trong cuộc đời mình.

Chính vì thế, các tổ chức từ thiện cần phải lắng nghe các em bày tỏ tâm tư trong không gian thực sự an toàn nhằm tìm ra hướng giải quyết càng sớm càng tốt. Ngoài cuộc điều tra, nhóm nghiên cứu còn tổng hợp số liệu ở 11 nước này cho thấy mỗi năm 14 triệu bé gái dưới 18 tuổi kết hôn, 65 triệu bé gái bỏ học và 150 triệu bé gái bị ảnh hưởng bởi bạo lực tình dục.

Trước đó Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đưa ra con số đáng quan ngại: 120 triệu thiếu nữ và phụ nữ dưới 20 tuổi ở những nước đang phát triển bị xâm hại tình dục. Chi tiết hơn 70% nữ ở Cộng hòa dân chủ Congo và Guinea, 50% ở Uganda, Tanzania và Zimbabwe bị bạo lực tình dục. Còn ở những nước giàu có, nhiều cô gái bị quấy rối tình dục. Gần một nửa số người được hỏi tuổi từ 15 tới 19 bị quấy rối, xâm hại tình dục giữ kín nỗi đau trong lòng mà không thổ lộ hay báo cáo với ai.

ANH THƯ (Theo Chinadaily)

;
.
.
.
.
.