.

Oái oăm thu nhập nông thôn châu Á

.

Tăng thu nhập, nhất là tăng ở vùng nông thôn là tín hiệu kinh tế cực vui ở châu Á. Những thập niên gần cuối của thế kỷ 20, châu Á chứng kiến cảnh đói nghèo tràn lan ở các vùng nông thôn vì lực lượng lao động ở đây quá mức dư thừa. Cuộc sống của người nông dân vốn đã nghèo càng nghèo hơn không có cái ăn.

Nông dân châu Á tăng thu nhập nhưng có nguy cơ tụt hậu trở lại.
Nông dân châu Á tăng thu nhập nhưng có nguy cơ tụt hậu trở lại.

Chỉ vài năm đầu tiên của thế kỷ 21, tình hình kinh tế ở nông thôn thay đổi xuyên suốt cả châu Á. Những báo cáo từ các nước đưa ra khá vui. Bangladesh cho thấy sản xuất nông nghiệp của họ vừa đủ lao động vừa được cơ giới hóa nên thu nhập năm 2010 đã tăng 45% so với năm 2005. Ở Ấn Độ, thu nhập của nông dân ở năm 2012 tăng 35% so với năm 2005. Cá biệt Trung Quốc tăng tới 92% từ năm 2003 tới năm 2007.

Lý do tăng? Đầu tiên phải nói tới vấn đề nhân khẩu học. Lực lượng lao động ở nông thôn tăng rất chậm. Nhiều nước như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và nhất là Trung Quốc, thậm chí còn thu hẹp lại vì di cư. Quá nhiều nông dân rời quê hương lên thành thị kiếm sống. Thứ hai, năng lực sản xuất tăng lên đáng kể nhờ cơ giới hóa. Thứ ba, dân số tăng trưởng chậm. Thu nhập ở vùng nông thôn tăng lên giúp giảm được tỷ lệ nghèo cùng cực nhưng chưa thể nói là giảm được nghèo vì có lượng lớn người không thể làm việc vì đau ốm và tàn tật ở nông thôn.

Thu nhập tăng cao thì các chi phí cũng đội lên song hành. Ở Trung Quốc, giá gạo năm 2010 tăng 70% so với năm 2005. Hơn 40% của tỷ lệ tăng đó là do…tăng thu nhập, giá phân bón và nhiên liệu cũng đội giá. Các công ty ở vùng biển của Trung Quốc đã phải chấp nhận tăng lương cho công nhân trong vòng 10 năm qua nên họ không còn hưởng được lợi thế thị trường lao động giá rẻ nữa. Các ông chủ đang tính chuyện chuyển công ty sang nước khác cũng trong châu Á như Bangladesh, Myanmar hay Campuchia, nhưng châu Phi là địa điểm được đánh giá lâu dài hơn.

Ngân hàng thế giới đánh giá mức lương trong nhà máy ở Ethiopia cho những lao động phổ thông chỉ bằng ¼ so với Trung Quốc. Chuyên gia phân tích kinh tế Justin Lin nhận định có thể 85 triệu việc làm trong nhà máy sẽ rời khỏi Trung Quốc trong những năm tới, một nửa trong số đó sẽ sang châu Phi, nơi đang có lực lượng lao động trẻ khá dồi dào.

Quả là oái oăm cho nông thôn châu Á: chưa kịp vui với việc thu nhập thì giờ đây đứng trước nguy cơ tụt hậu trở lại vì không có công ăn việc làm như hiện tại.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.