.

"Nóng" với Tattoo

.

Kỹ thuật xăm mình hay còn gọi là “nghệ thuật tattoo” đang dần trở thành một mốt chơi phổ biến của giới trẻ Việt. Nếu như trước đây, người ta hay nghĩ, người đi xăm mình nếu không phải dân giang hồ thì cũng là “dân chơi mát trời”, thích “nổi loạn”, thì nay quan niệm của xã hội về vấn đề này đã thay đổi rất nhiều.

Dù là sinh viên hay giới công chức, nhân viên văn phòng đều rất thích thú với trào lưu xăm mình hiện nay.Ảnh: M.M
Dù là sinh viên hay giới công chức, nhân viên văn phòng đều rất thích thú với trào lưu xăm mình hiện nay. Ảnh: M.M

“Sốt” xăm mình

Đà Nẵng tuy không có các khu, các phố xăm mình đặc trưng như Sài Gòn, Hà Nội nhưng giới yêu nghệ thuật tattoo Đà thành đều “nằm lòng” những địa chỉ xăm mình đã trở thành thương hiệu. Có thể kể đến vài tiệm xăm mình nổi tiếng ở Đà Nẵng như Tuấn Tattoo (72 Nguyễn Hoàng), Long Tattoo (332 Phan Châu Trinh), Bờm Tattoo (101 Lê Độ),… Để đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ, các tiệm xăm này đều có các trang web riêng nhằm liên tục cập nhật các mẫu mã, thiết kế hình xăm đẹp mắt cho khách hàng tha hồ chọn lựa.

Anh Phạm Minh Tuấn (SN 1986), một trong những người tiên phong trong nghệ thuật xăm mình tại Đà Nẵng, chủ tiệm Tuấn Tattoo, cho biết: “So với khoảng 4 năm trước thì nay số lượng người xăm mình đã tăng gấp 10 lần. Kèm theo đó thì đòi hỏi của khách hàng về kỹ thuật, mẫu mã, xăm hợp với phong thủy, mạng,… cũng cao hơn, buộc người thợ phải thường xuyên trao dồi kỹ thuật, tìm hiểu thêm về các kiến thức liên quan để đáp ứng kịp thời nhu cầu của các “thượng đế”. Trung bình một ngày, tiệm của anh Tuấn xăm từ 3 đến 8 khách hàng.

Tại tiệm Long Tattoo, anh Cao Phi Long (SN 1988) chủ tiệm cho hay, làm nghề này đến nay đã 5 năm nhưng chưa khi nào trào lưu xăm mình lại “sốt” như hiện nay. Thậm chí, khách hàng là nữ giới lại chiếm đại đa số, trong đó, có cả giới công chức Nhà nước.

Chi phí cho một hình xăm tùy thuộc vào kích cỡ nhưng thấp nhất là 300.000 đồng. Tuy nóng sốt và đem lại nguồn lợi nhuận cao, nhưng chủ các tiệm xăm đều nói “không” với người dưới 18 tuổi. “Với các khách hàng trẻ, mình đều yêu cầu cho xem CMND. Nếu dưới 18 tuổi thì sẽ từ chối và tìm lời khuyên. Mình nghĩ đây là lứa tuổi thích thể hiện, suy nghĩ còn bồng bột trong khi đó xã hội chưa hoàn toàn chấp nhận loại hình nghệ thuật này. Xăm mình thì sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình, xã hội, bạn bè, công việc sau này của các em” - anh Tuấn chia sẻ.

Xăm vì thích hay để “chứng tỏ”

Có đến 1.001 lý do dẫn đến việc một người quyết định đi xăm mình, hẳn nhiên không loại trừ những động cơ không trong sáng. Bên cạnh nguyên nhân để ghi lại một dấu ấn, một kỷ niệm khó phai trong đời, nhiều người lại có tư tưởng xăm mình để “chứng tỏ” sành điệu với mọi người. “Bữa nay ra đường sao có nhiều cô gái mới lớn mặc váy áo hở hang để cố “phô” những hình xăm trên cơ thể, lại thêm phì phèo thuốc lá với vẻ mặt rất kiêu căng thế nhỉ? Tôi không định kiến những người có hình xăm nhưng có nhất thiết phải chứng tỏ là dân chơi với kiểu cách ấy không?” - bạn Nguyễn Hồ Thục Nhi (SN 1993), SV Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ. Không riêng gì Thục Nhi, chính những người trong nghề cũng bày tỏ sự lo ngại về một bộ phận (thường là giới trẻ) chạy theo trào lưu xăm mình chỉ vì “mốt”, đua đòi theo bạn bè, đến khi hối hận thì không kịp.

Tại các tiệm xăm, bên cạnh dịch vụ xăm mình còn có dịch vụ xóa hình xăm. Điều đáng nói là để xăm một hình, khách hàng có thể chỉ tốn 500.000 đồng nhưng để xóa được một hình xăm thì phải chi tới tận… 5 triệu. “Nghe tôi báo giá xóa hình xăm, khách hàng e ngại, tiếc vì một phút nông nỗi nhất thời, nhất là những cô cậu thanh niên mới lớn. Bởi vậy, khách hàng càng trẻ thì tôi càng phải tư vấn nhiều; những chỗ quá “phô”, quá nhạy cảm như mu bàn tay, cổ nếu tư vấn không được thì tôi sẽ từ chối” - anh Minh Tuấn chân thành chia sẻ.

Phụ huynh nghĩ gì?

Vốn là một cậu sinh viên chăm ngoan, học giỏi, Hồ Nguyễn Anh Hoàng (SN 1990, quận Cẩm Lệ) khiến nhiều người khá bất ngờ về những hình xăm trên cơ thể mình. Quan điểm cá nhân, Hoàng cho rằng, hình xăm không thể nói lên nhân cách một người. “Bố mẹ vốn là công chức Nhà nước nên ban đầu cả hai đều phản đối kịch liệt nhưng sau một thời gian, thấy tôi vẫn như trước, không có biểu hiện gì quấy phá, trái tính trái nết thì nay bố mẹ đã chuyển sang trạng thái không ủng hộ cũng chẳng phản đối” - Hoàng hào hứng kể về hoàn cảnh của mình.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như Hoàng, N.N.H.Q (SN 1991) đang lo lắng vì bị mẹ phát hiện xăm mình. Q. tự nhận mình bị “nghiện” âm thanh rè rè của mũi kim xăm đâm vào cơ thể nên đã quyết định “tậu” cho mình một hình xăm nho nhỏ ở lưng. Trong một lần tình cờ bị mẹ nhìn thấy, Q. đã phải nói dối mẹ đó chỉ là hình dán, mươi ngày sẽ bay khi mẹ kiên quyết “xóa ngay lập tức”.

Bên cạnh nhiều phụ huynh giữ vững quan điểm “sinh ra sao thì cứ để vậy”, cũng có nhiều phụ huynh không ủng hộ hoàn toàn nhưng cũng chẳng định kiến với trào lưu nghệ thuật này. Bà Nguyễn Thị Nhỉ (55 tuổi), giáo viên một trường tiểu học, chia sẻ: “Việc tiếp nhận những trào lưu mới của thế giới là một xu hướng tất yếu của một đất nước đang trên con đường hội nhập cùng nền kinh tế, văn hóa, văn minh thế giới. Do vậy, giới trẻ thích thú với xăm mình cũng là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cần phải có định hướng rõ ràng cho giới trẻ biết cái nào nên-không nên, về chừng mực và nhất là phải giáo dục tư tưởng để tránh những suy nghĩ lệch lạc không đáng có”.

MỘC MIÊN

;
.
.
.
.
.